Dự án Happy Việt Nam: Cải thiện tình trạng trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng
Dự án Happy Việt Nam: Cải thiện tình trạng trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng
Bạch Dương
Chủ nhật, ngày 30/07/2023 17:28 PM (GMT+7)
Sau 3 năm triển khai (từ tháng 7/2020 – 7/2023), dự án Happy Việt Nam giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em đã khám tầm soát cho hơn 3.600 trẻ, tập huấn cho 1.300 giáo viên tiểu học, mẫu giáo, 3.600 phụ huynh học sinh và 200 nhân viên y tế.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Đồng thời, qua báo cáo của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng cũng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn. Hậu quả của tình trạng thấp còi đã dẫn đến những khó khăn nhất định, bao gồm: khó khăn trong học tập của trẻ, thu nhập người dân thấp, sự tham gia của cộng đồng hạn chế và năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.
Từ thực trạng này, Tổ chức ASSIST - một tổ chức phi chính phủ hoạt động dựa trên mục tiêu phát triển xã hội, đã triển khai dự án Happy Việt Nam giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em từ tháng 7/2020 đến 7/2023, với sự đồng hành của Merck tại Việt Nam cùng Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft (DEG), Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE). Dự án diễn ra tại 7 tỉnh thành có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng cao: Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TP.HCM.
Sau 3 năm triển khai, dự án đã khám tầm soát cho hơn 3.600 trẻ, tập huấn cho 1.300 giáo viên tiểu học, mẫu giáo, 3.600 phụ huynh học sinh và 200 nhân viên y tế để giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Chia sẻ về kết quả của dự án, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, Hiệp Bình Chánh là phường có dân số hơn 100.000 dân, trong đó có trên 50% người dân từ các địa phương khác sinh sống, vẫn còn rất nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, kiến thức của người dân về suy dinh dưỡng thấp còi còn nhiều hạn chế.
Chương trình đã giúp trang bị cho học sinh, phụ huynh và ngay cả các cô giáo bậc tiểu học những kiến thức cần thiết về suy dinh dưỡng thấp còi, để sớm có biện pháp can thiệp, bổ sung dinh dưỡng cho các cháu trong thời gian sớm nhất. Không chỉ dừng ở đó, những kiến thức này sẽ được các phụ huynh, đặc biệt là các thầy cô giáo truyền đạt lại cho nhiều người khác cùng hiểu và áp dụng.
"Thực tế, không chỉ các địa phương vùng sâu, vùng xa, ngay cả ở những nơi kinh tế - xã hội phát triển như TP.HCM thì nhận thức về suy dinh dưỡng thấp còi ở các bậc phụ huynh vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, tôi mong muốn chương trình được triển khai rộng khắp, được truyền thông, thông tin đến nhiều người được biết và tham gia", ông Tuấn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.