Dự án Luật biểu tình vẫn  vắng bóng, chưa rõ bao giờ trình?

Lương Kết Thứ ba, ngày 17/04/2018 10:57 AM (GMT+7)
“Quyền biểu tình, lập hội của người dân được Hiến pháp quy định từ rất lâu, nhưng nếu không sớm được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể thì người dân rất khó thực hiện quyền đó”, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (ảnh VPQH).

Thiếu vắng hai dự luật quan trọng

Chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018. Điều đáng nói là trong chương trình không thấy có nhắc đến dự án Luật biểu tình và dự án Luật về Hội.

Trao đổi với Dân Việt, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Dự án Luật biểu tình và dự án Luật về Hội hiện nay Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được và chưa đưa vào dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2019. Có nhiều đại biểu Quốc hội và thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã có ý kiến về sự chậm trễ này.

Hiến pháp năm 2013, kể cả trong bản Hiến pháp trước đây, vấn đề biểu tình của người dân cũng được đề cập, tuy nhiên đến nay vẫn thể chế hóa được như vậy là quá lâu.

“Vừa rồi Chính phủ có gửi báo cáo về đánh giá tác động xung quanh nội dung của dự án Luật về Hội cho cơ quan của Quốc hội. Báo cáo này thực hiện theo những yêu cầu của Quốc hội, làm rõ những yếu tố có liên quan còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức xem đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng pháp luật thời gian nào, dường như việc lui lại thấy không có thời hạn. Còn liên quan đến dự án Luật biểu tình, Chính phủ chưa có gì gửi sang cơ quan của Quốc hội”, đại biểu Xuyền cho biết.

img

Luật biểu tình cần sớm được ban hành để điều chỉnh thực tiễn và nhu cầu của người dân trong đời sống xã hội  (ảnh PV).

Khó cũng phải sớm làm

Nói cụ thể về dự án Luật biểu tình, đại biểu Xuyền cho biết thêm: Phía Ban soạn thảo nêu ra lý do đây là dự luật khó, còn nhiều ý kiến khác nhau, nội dung mới, có có những điểm chưa có ý kiến thống nhất, cơ quan soạn thảo chưa có nhiều thời gian để đánh giá, chính vì thế phải lùi lại, nhưng vấn đề chưa rõ lùi đến thời hạn nào.

“Việc biểu tình được Hiến pháp quy định từ rất lâu, nhưng nếu không được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể thì người dân rất khó thực hiện quyền của mình, trong khi xã hội phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng lớn. Rõ ràng viêc để chậm như vậy là trách nhiệm của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo”, đại biểu Xuyền nói.

Tại Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ khóa XIV đã có nhiều đại biểu có ý kiến về vấn đề liên quan đến chậm trình dự án Luật biểu tình “Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và cá nhân tôi cũng từng có ý kiến nhiều lần. Trước hết, nói về dự thảo Luật về Hội, sự cần thiết có thể thấy rất cần. Mặc dù hiện nay có Nghị định để điều chỉnh hoạt động của hội, nhưng ở tầm Nghị định việc điều chỉnh chưa đầy đủ, tính chất pháp lý chưa cao. Trong khi hiện nay người dân tham gia rất nhiều hội khác nhau, hoạt động tự do. Có thể thấy hiện các hội phát triển rất rầm rộ, có những chỗ hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị, có chỗ bị lợi dụng, nhưng chúng ta chưa có khung pháp lý rõ ràng để điều chỉnh”, đại biểu Xuyền nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật này nói thêm: Về chuyện liên quan đến biểu tình có thể thấy nhu cầu của người dân rất rõ. “Chúng ta hiện nay vẫn còn tư duy cũ, thấy người dân tập trung đông khiếu kiện hiện nay thấy ngại. Ở góc độ nào đó có thể thấy việc như vậy cũng là thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân. Tất nhiên cũng có những việc bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, chống phá gây mất ổn định. Tuy nhiên, nói đến biểu tình đó là quyền dân chủ rất cao của người dân đã được Hiến định. Chính vì thế dù gặp khó khăn cơ quan chức năng vẫn phải sớm thể chế hóa để người dân được thực hiện quyền đó”, đại biểu Xuyền nhấn mạnh.

- Sáng 16.3.2015, thay mặt Chính phủ, ông Hà Hùng Cường lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình sang Quốc hội khóa sau. Cụ thể, thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (giữa năm 2015) sang kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).

- Ngày 17.2.2016, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đã nói: Tại dự án Luật biểu tình cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi.

- Ngày 26.7.2016, giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói: “Dự án Luật biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này.

-  Ngày 22.4.2017, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2015 và năm 2016, do phức tạp nên đã bị lùi, hiện đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem