Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sau phản ánh về việc Công ty Saigon Glory vỡ đáo hạn, nhiều nhà đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp này tiếp tục gửi thông tin tới Dân Việt, nói họ như "ngồi trên đống lửa" khi dự án Spirit of Saigon bị định giá thấp.
Thông tin định giá được nêu ra tại Biên bản họp về việc bàn giao tài sản đảm bảo trái phiếu, diễn ra hồi tháng 10/2023 giữa đại diện tổ chức phát hành trái phiếu (Công ty Saigon Glory), đại diện người sở hữu trái phiếu (Công ty chứng khoán Tân Việt) và ngân hàng là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo.
Như đã đưa, Công ty Saigon Glory năm 2020 phát hành 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án Spirit of Saigon. Đây là công trình có "vị trí kim cương" khi nằm tại nút giao của 4 tuyến đường ở Quận 1 và đối diện chợ Bến Thành.
Về tài sản đảm bảo là bất động sản, ngân hàng quản lý cho hay tháp A của Spirit được định giá lại chỉ còn hơn 4.600 tỷ đồng. Còn tài sản đảm bảo là vốn góp của Công ty Saigon Glory cũng bị đánh giá lại là "âm 1.028 tỷ đồng".
Phía sở hữu trái phiếu nêu câu hỏi, tại sao tháp A Spirit từ năm 2022 trở về trước được định giá hơn 18.000 tỷ đồng nhưng nay chỉ còn 4.600 tỷ? Giá trị tài sản đảm bảo cũng đang hụt 7.000 tỷ đồng so với tỷ lệ đảm bảo tối thiểu ghi nhận trong Văn kiện Trái phiếu.
Ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo cho hay, tháp A Spirit từng được định giá hơn 11.500 tỷ đồng nếu: "Hoàn thành xây dựng tại thời điểm 31/12/2024 với giả định Công ty Tổ chức phát hành có đủ tiền".
Tuy nhiên, phía Saigon Glory đã có văn bản báo cáo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội thể hiện, trong 10.000 tỷ đồng thu được từ trái phiếu, có 9.915 tỷ được dùng cho "tái cơ cấu nợ", chỉ 85 tỷ đồng chi cho xây dựng dự án.
Đến tháng 9/2023, công trình tháp A mới xây dựng được 4 tầng thô và Công ty Saigon Glory "không có kế hoạch tiếp tục xây dựng cụ thể".
Trên thực tế, dự án Spirit of Saigon chậm tiến độ và dừng thi công nhiều tháng qua. Một số nhà đầu tư ở TP.HCM, gần dự án, phản ánh với Dân Việt, công trình hiện "đắp chiếu", không có công nhân hay máy móc hoạt động bên trong.
Trước hội nghị 3 bên nói trên, tháng 6/2023, Công ty Saigon Glory tổ chức Hội nghị Người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu nhưng tỷ lệ tham dự không đủ tổ chức.
Ngày 29/8, Chứng khoán Tân Việt ra thông báo số 1600, cho biết công ty: "Không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Tổ chức phát hành Công ty Saigon Glory để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ".
Ngân hàng đang quản lý tài sản đảm bảo cũng đã ra văn bản yêu cầu Saigon Glory bàn giao hồ sơ chi tiết các tài liệu, văn bản, để phục vụ việc xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này trả lời danh mục hồ sơ, tài liệu của tài sản bảo đảm cơ bản đã bàn giao cho ngân hàng tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp nên giờ "chỉ bàn giao bổ sung hồ sơ dự án".
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, Saigon Glory dùng tiền huy động từ trái phiếu vào việc khác nên có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. "Tôi tin tưởng tiền được dùng xây dựng dự án nên mới mua trái phiếu. Giờ công ty lại bảo mang tiền đi trả nợ, dự án thì tạm dừng, nợ cả lãi lẫn gốc không thanh toán được nên tôi sẽ làm đơn tố cáo lừa đảo", bà Lan – một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ.
Lưu ý rằng, văn bản báo cáo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2020 của Saigon Glory cho thấy 9.915 tỷ được dùng cho "tái cơ cấu nợ". Điều này đồng nghĩa, mục đích phát hành trái phiếu đã được công khai?.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.