Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch sắp khởi công sau nhiều năm

Linh San Thứ năm, ngày 17/03/2022 13:30 PM (GMT+7)
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu để khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch trong quý 1/2022.
Bình luận 0

Mới đây, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã thông tin về tiến độ thực hiện đường Vành đai 3 TP.HCM,

Theo đó, Cục này cho hay Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên đoạn qua Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Cụ thể, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán 2/2 gói thầu xây lắp cũng đã được phê duyệt. Việc mở thầu đã được tiến hành vào ngày 16/2/2022. Hiện tại, Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận đang hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, đáp ứng tiến độ khởi công trong quý I/2022.

Cục này cho biết riêng hạng mục giải phóng mặt bằng, phần kinh phí có sự thay đổi. Theo đó, chi phí giải phóng mặt bằng địa phận qua TP.HCM tăng từ 149 tỷ lên hơn 159 tỷ đồng; qua địa phận tỉnh Đồng Nai tăng từ 475 tỷ lên 651 tỷ đồng.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch sắp khởi công sau nhiều năm - Ảnh 1.

Kinh phí giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch bị đội lên cao. Ảnh: L.S

Được biết, dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75km, trong đó 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45km đi qua địa bàn TP.HCM.

Điểm đầu dự án giao đường tỉnh 25B (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Dự án có tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.329 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Trong đó, 2 gói thầu xây lắp lớn nhất có yếu tố then chốt, quyết định tiến độ của dự án là gói thầu CW1 xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (Km10+000 - Km12+600) có dự toán được phê duyệt hơn 2.453 tỷ đồng; Gói thầu CW2 xây dựng đoạn tuyến Km5+000 - Km10+000 và Km12+600 - Km13+750 có dự toán được duyệt gần 1.230 tỷ đồng.

Sau nhiều năm, dự án chưa thể khởi công do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Kinh phí giải phóng mặt bằng theo báo cáo của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đều bị đội cao hơn so với kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng được phê duyệt.

Về vấn đề trên, Bộ Giao thông Vận tải đã phê bình Ban quản lý dự án Mỹ Thuận với trách nhiệm quản lý điều hành dự án đã chưa chủ động và quyết liệt cùng địa phương triển khai giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ. Bộ yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, kiện toàn bộ máy điều hành để đảm bảo năng lực, kịp thời xử lý vướng mắc tại dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem