Dự báo không lo thiếu thịt cho thị trường dịp tết dựa trên cơ sở nào?

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 14/10/2023 09:04 AM (GMT+7)
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nhằm đảm bảo thực phẩm thịt cho thị trường Tết Nguyên đán, các địa phương cần hướng dẫn nông dân, các chủ trại tái đàn lợn nhưng phải chú trọng kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học.
Bình luận 0

Nông dân tái đàn trong lo âu

Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, những ngày gần đây, giá lợn hơi tại 3 miền Bắc - Trung - Nam đều giảm khá mạnh, mức giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cách đây vài ngày. Hiện mức giá trung bình của cả nước còn khoảng 51.000-52.000 đồng/kg, mức thấp nhất ở nhiều nơi là 48.000-49.000 đồng/kg. Mặc dù hầu hết các hộ chăn nuôi đều tích cực duy trì sản xuất, tái đàn cho dịp cuối năm, song bà con cũng không khỏi lo lắng do dịch bệnh có nguy cơ tái phát ở nhiều địa phương, giá thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng không đáng kể…

Là người có kinh nghiệm nuôi lợn từ hơn chục năm nay, bà Trịnh Thị Hải (ở xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đang duy trì chăn nuôi 60 con lợn nái và 500 con lợn thịt/lứa. Chăn nuôi quanh năm theo kiểu gối đầu, hầu như tháng nào nhà bà cũng có lợn thịt xuất chuồng nhưng tầm cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch là bà lại rục rịch tăng đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp tết. Theo bà, dịp Tết Nguyên đán, người dân thường tiêu thụ thịt nhiều hơn, giá bán cao hơn và bán cũng dễ hơn nên đây là dịp người chăn nuôi trên địa bàn rất quan tâm đầu tư.

Không lo thiếu thịt cho thị trường dịp tết  - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ chuồng lạnh của chị Đặng Thị Thoa (ở ấp 9, xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Ảnh: T.N

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 8, các doanh nghiệp đã nhập về 12.200 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 30,49 triệu USD, tăng 29,2% về lượng và tăng 55,6% về trị giá so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp trong năm 2023, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Điều bà Hải cũng như các hộ chăn nuôi lợn đang lo lắng là giá lợn hơi gần đây có xu hướng giảm, tại Lào Cai khoảng 53.000 – 54.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì mức cao, dịch bệnh đe dọa bùng phát... Vì thế, trước khi tái đàn, gia đình bà chú trọng việc vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Mỗi loại lợn sẽ được chăm sóc riêng biệt ở từng ngăn chuồng để thuận lợi phân loại thức ăn, theo dõi sức khỏe đàn lợn…

Tại một trong những địa phương chăn nuôi trọng điểm phía Nam là tỉnh Tây Ninh, các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn vẫn tiếp tục tái đàn dù trước mắt cũng đang gặp phải những khó khăn chung về giá lợn hơi, giá thức ăn chăn nuôi, sự đe dọa của dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, tổng đàn lợn của tỉnh hiện đạt gần 300.000 con với khoảng 40 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ. Biến động giá thức ăn chăn nuôi, con giống hầu như chỉ tác động đến các hộ gia đình chăn nuôi, còn đối với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung thì ảnh hưởng không đáng kể do được đầu tư dài hơi và thường có nguồn vốn gối đầu, nên sẽ tiếp tục đầu tư phục vụ thị trường lúc cao điểm.

Kiểm soát tổng đàn, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học

Tại hội thảo "Tăng cường chăn nuôi bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực và an toàn thực phẩm" do Cục Chăn nuôi tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Vietstock 2023 tại TP.HCM ngày 11/10, TS Võ Trọng Thành - đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, các sản phẩm chính của ngành chăn nuôi như thịt lợn, gà, bò, sữa, trứng… có tốc độ tăng trưởng cao, phù hợp với định hướng phát triển. Ngành chăn nuôi đóng góp 26,7% cơ cấu ngành nông nghiệp với giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2023 đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Không lo thiếu thịt cho thị trường dịp tết  - Ảnh 3.

Nông dân Bùi Đức Luận (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) đầu tư máy móc, tìm tòi công thức phối trộn để tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ảnh: H.N

Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức đang đè nặng lên ngành chăn nuôi như thị trường tiêu thụ và mức tiêu thụ giảm. Chưa kể, nhập lậu động vật, gia súc và gia cầm vẫn còn diễn ra âm ỉ. "Chi phí thức ăn chăn nuôi tuy đang hạ nhiệt nhưng giá nhiên liệu lại tăng thì ngành nông nghiệp cũng vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề an toàn dịch bệnh vẫn còn là thách thức lớn khi chưa thể kiểm soát tuyệt đối. Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi vẫn còn và quỹ đất chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp…" - ông Thành nói.

Trước thực trạng trên, theo GS - TS Dương Nguyên Khang - giảng viên cao cấp tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chăn nuôi bền vững và ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu và bài giải cho những khó khăn trên. Mà muốn chăn nuôi bền vững thì phải kiểm soát được tổng đàn và chăn nuôi an toàn sinh học. "Kháng sinh và vaccine không phải là thanh bảo kiếm, mà an toàn sinh học đặt lên hàng đầu" - GS Khang nhấn mạnh.

Theo Bộ NNPTNT, hiện cung - cầu chăn nuôi trong nước nhìn chung khá cân bằng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Với tổng đàn lợn 29 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn sẽ ổn định ở mức hài hòa cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

"Chăn nuôi Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt khi chúng ta hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp cần chú trọng tăng cường chăn nuôi bền vững, đảm bảo phúc lợi động vật và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa quy trình kiểm soát dịch bệnh, giết mổ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm" - ông Thắng nói.

Ngoài ra khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng theo hướng công nghiệp, ngành chăn nuôi cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường. Kết hợp đẩy mạnh tái sử dụng các phụ phẩm của chăn nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem