Hưởng lợi từ giá phân bón tăng, dự báo lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng 5-10 lần

Quốc Hải Thứ năm, ngày 14/04/2022 17:40 PM (GMT+7)
Nhờ giá bán bình quân tăng mạnh, dự báo lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của Đạm Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau và Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng gấp 5-10 lần so với cùng kỳ...
Bình luận 0
Hưởng lợi từ giá phân bón tăng, dự báo lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng 5-10 lần - Ảnh 1.

Sản xuất phân bón tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Ảnh: DPM

Hưởng lợi nhờ giá cả tăng mạnh, dự báo lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng trưởng hết sức tích cực.

Tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM), dù doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, song theo ước tính của SSI Research, quý I năm nay, lợi nhuận trước thuế của Đạm Phú Mỹ đạt 1.800 tỷ đồng LNST (tăng 10 lần so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh và sản lượng tiêu thụ tăng lên.

Tương tự, tại Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM), SSI Research ước tính DCM đạt 1 nghìn tỷ đồng LNST (tăng 6,6 lần so với cùng kỳ).

Trong khi đó, với Tập đoàn hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC), lợi nhuận quý I/2022 của doanh nghiệp ước đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỷ đồng của quý IV/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước (292 tỷ đồng), nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Hưởng lợi từ giá phân bón tăng, dự báo lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng 5-10 lần - Ảnh 2.

Các DN phân bón đều hưởng lợi từ giá bán bình quân tăng mạnh...

Phản ứng trước các thông tin này, trong phiên giao dịch hôm nay (14/4), các mã cổ phiếu này đồng loạt tăng mạnh.

Trong đó, cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã tăng trần lên mức 43.650 đồng/CP; tương tự cổ phiếu DGC của Tập đoàn hóa chất Đức Giang cũng tăng trần lên 247.200 đồng/CP.

Mã chứng khoán DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cũng tăng mạnh 4.200 đồng/CP (tăng 6,18%) trong phiên giao dịch hôm nay, lên mức 72.200 đồng/CP.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, diễn biến khởi sắc của cổ phiếu phân bón được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực cả về giá và sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh nguồn cung phân bón trên thế giới khan hiếm, giá phân bón thế giới tăng cao do xung đột giữa Nga – Ukraine.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, xuất khẩu phân bón những tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng cao cả về lượng và giá trị. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 3 tháng đầu năm 2022 lên tới 291 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó trong năm 2021, xuất khẩu phân bón cả nước cũng đạt kỷ lục về lượng với hơn 1,35 triệu tấn (tăng 16,4% so với cùng kỳ), thu về 559,35 triệu USD (tăng 64,2% so với năm 2020).

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 1/4 là 1.269,8 USD/tấn, giảm 0,6 USD/tấn so với tuần trước đó, theo Bloomberg. Tuy nhiên, dù giảm nhưng giá mặt hàng này vẫn đang tăng hơn 40% so với trước chiến sự tại Ukraine.

Diễn tiến của thị trường phân bón thế giới có sự phụ thuộc rất lớn vào Nga vì nước này xuất khẩu phân bón nhiều hàng đầu thế giới.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset cho biết, nguồn dự trữ phân bón thế giới đang suy giảm có thể tạo áp lực tăng giá phân bón tiếp tục trong quý 2/2022. Áp lực nguồn cung phân bón trên thế giới tiếp tục gia tăng khi Nga chính thức ngừng xuất khẩu phân bón, bên cạnh nhu cầu sản xuất lương thực tăng cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu phân bón.

SSI Research cũng nhận định, căng thẳng Nga-Ukraine có thể kéo dài tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ở Châu Âu và tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn cho các cổ phiếu phân bón của Việt Nam vốn có thể hưởng lợi từ giá bán Urê cao hơn. Giá Urê sẽ giảm với tốc độ chậm hơn từ mức đỉnh vào tháng 12/2021 do nguồn cung Urê ở châu Âu dự kiến sẽ thiếu hụt và nguồn cung Urê ở Trung Quốc tăng chậm và các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2022 cả nước nhập khẩu 336.192 tấn phân bón, tương đương 156,53 triệu USD, giá trung bình 465,6 USD/tấn, tăng 24,6% về lượng và tăng 19% về kim ngạch so với tháng 2/2022 nhưng giảm 4,4% về giá. So với cùng kỳ năm trước, lượng phân bón giảm 11,9% nhưng tăng mạnh 45,7% kim ngạch và tăng 63,4% về giá.

Tính chung trong quý I/2022 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 928.539 tấn, trị giá trên 441,33 triệu USD, giá trung bình đạt 475,3 USD/tấn, giảm 5,8% về khối lượng, nhưng tăng 67,3% về kim ngạch và tăng 77,7% về giá so với quý I/2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem