Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sẽ duy trì đà tăng ít nhất tới sau 2020 nên giá sẽ khó tăng đột biến.
Tuy nhiên, giá cũng sẽ không giảm mạnh do nông dân không còn tìm thấy hiệu quả kinh tế cao như trước, nhiều nơi không còn đầu tư mạnh hay trồng mới, và có xu hướng chuyển đổi sang xen canh hồ tiêu với cây trồng khác. Nguồn nguyên liệu của Việt Nam và toàn cầu sẽ dần cân đối với nhu cầu.
Nhiều hộ dân đã đi theo hướng cùng nhau thành lập Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững. Ảnh: T.H
Dự báo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, 4 nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới (Việt Nam, Brazil, Indonesia, Ấn Độ) đều dự báo giảm sản xuất so với năm 2018. Trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2019 được kỳ vọng sẽ đạt 175.000 tấn tiêu đen và 25.000 tấn tiêu trắng, tổng sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn, giảm nhẹ so với năm 2018 do giảm diện tích sản xuất hồ tiêu tại một số khu vực.
Điều này có thể kéo giá hồ tiêu phục hồi nhẹ vào cuối năm 2019.
Trong bối cảnh có tới 95% sản lượng hồ tiêu làm ra được dùng để xuất khẩu, các chuyên gia đều khẳng định chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu Việt Nam phải đi.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khuyến nghị, phải giảm diện tích hồ tiêu ở những vùng trồng trái với quy luật, năng suất và chất lượng không cao để nhường cho cây trồng khác. Chính phủ chủ trương chỉ đạo lấy chất lượng làm tiêu chí phát triển, yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan và bà con nông dân phải quyết liệt thực hiện. Từ khâu quản trị, quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến… phải lấy vệ sinh an toàn thực phẩm làm tiêu chí hàng đầu, trong đó cam kết có một phần phát triển tiêu hữu cơ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, Hiệp hội Gia vị quốc tế cũng như các nước sản xuất, kinh doanh hồ tiêu nghiên cứu sâu để sản xuất nhiều hơn sản phẩm giá trị cao từ hồ tiêu như: Nước hoa, tinh dầu, chế phẩm cho nhiều loại hàng hóa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.