Ở Hà Nội được hơn chục năm nay, chị Thu (38 tuổi) trải qua nhiều nghề khác nhau, từ làm công nhân, giúp việc đến trông trẻ. Nhưng tất cả các nghề đó đều mang lại thu nhập không cao mà không được thoải mái giờ giấc. “Có những thời gian, tôi bỏ về quê cấy lúa, trồng cây, chăn nuôi nhưng thấy không ăn thua. Tôi lại mang quần áo lên Hà Nội làm thuê tiếp vì nợ nần ở quê vẫn còn”, chị nói.
Nhớ lại những ngày tháng đó, chị kể tiếp: “Hồi đó, chồng tôi cũng lên trên này làm thuê làm mướn, ai thuê gì thì làm. Lương ba cọc ba đồng, trả tiền thuê trọ và ăn uống cũng gần hết, bỏ ra không đáng là bao”. Không muốn tiếp tục, vợ chồng chị định đi xuất khẩu lao động. May mắn thay, chị gặp được một người anh đồng hương trên đất thủ đô, chị được chỉ bảo cách nấu cháo dinh dưỡng để bán.
Thời gian đầu, chị lo sợ sẽ không bán được hàng vì kinh nghiệm chưa có, kiến thức cũng không nhiều. Chị đã bỏ thời gian và tiền bạc đi học lớp nấu cháo dinh dưỡng tại một trung tâm đào tạo. Sau vài tháng, chị quyết định đầu tư mở quán cháo dinh dưỡng cho trẻ em.
Vì không có nhiều vốn, chị thuê quán để bán tại Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội). Mỗi tháng chị chỉ phải chi trả hơn 1 triệu đồng tiền thuê mà chị vừa bán hàng vừa ăn, ngủ, nghỉ được. Còn dụng cụ làm, chị chi hết khoảng 30-50 triệu bao gồm: máy xay, nồi nấu, bát đũa, tủ lạnh…
Theo chị Thu, nghề bán cháo dinh dưỡng rất bận rộn nhưng bù lại thu nhập cao.
“Mới bán, khách hàng chưa quen nên số lượng bán ra rất ít. Chỉ sau 3 tháng, quán của tôi bán đông khách hẳn, tôi phải gọi cả gia đình (tổng 4 người) lên làm và chia thành 2 quán khác nhau”, chị cho hay.
Mỗi ngày, gia đình chị Thu bán được từ 4-5kg gạo nấu thành cháo, trung bình mỗi kg gạo được khoảng 20 cốc cháo. Một cốc cháo bình thường bán giá 10.000 đồng, còn loại cháo đặc biệt là dùng cá hồi, cua biển… sẽ có giá từ 30.000 – 50.000 đồng/cốc. Trong đó, khách hàng thường mua loại cháo đặc biệt hơn loại thường.
Chị chia sẻ những ngày thường gia đình chị bán được khoảng 100 cốc cháo cả loại thường và đặc biệt, thu nhập dao động từ 3 - 4 triệu đồng. Trừ các chi phí, chị thu lãi trung bình khoảng gần 2 triệu đồng/ngày.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, lượng cháo bán ra tại quán của chị giảm sút không đáng kể. Chị cho biết: “Khách hàng đều là những người đã mua quen nên họ có số điện thoại của tôi. Họ gọi điện đặt hàng, còn phần còn lại tôi sẽ lo”.
Lãi cao là vậy nhưng công sức của gia đình chị bỏ ra không hề nhỏ. Chị bộc bạch: “Làm nghề này không khác gì chăm con mọn, phải thức khuya dậy sớm. Vì cháo dinh dưỡng không được để đông lạnh nên mọi nguyên liệu đều phải tươi sống, chỉ dùng trong ngày. Hết ngày hôm đó, mọi thứ đều phải bỏ đi nếu còn thừa”.
Hàng ngày, gia đình chị đều phải dậy từ 2-3h sáng để chuẩn bị các đồ nấu cháo dinh dưỡng, khoảng 9-10h mới ăn sáng. Còn khoảng 7-8h tối, các gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm thì gia đình chị vẫn đang nấu cháo để bán cho khách. Khi mọi nhà đi ngủ, gia đình chị mới được ăn tối.
Chia sẻ thêm về những khó khăn khi làm nghề này, chị cho hay nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ em không hề đơn giản, mọi người nhìn vào tưởng dễ kiếm ăn nhưng không phải ai cũng làm được. Người nấu phải am hiểu về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, biết độ tuổi nào ăn những thứ gì để tư vấn cho khách. Vì đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ nên việc lựa chọn nguyên liệu cũng rất lưu tâm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.