Dự kiến đóng bảo hiểm xã hội 10 năm được hưởng lương hưu: Nhân văn nhưng còn nhiều băn khoăn!

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 23/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất quy định rút bớt số năm đóng BHXH, chỉ cần đóng đủ 10 năm là có thể nhận lương hưu. Đề xuất này ngay lập tức được sự ủng hộ của lao động, nhưng vẫn còn đó nhiều ý kiến băn khoăn.
Bình luận 0

Nhiều điểm mới nhân văn

Báo cáo đánh giá tác động Luật BHXH năm 2014 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chính bởi vậy, trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này, Bộ LĐTBXH đưa ra nhiều điểm mới. Trong đó, điểm mới được cho là nổi bật, nhân văn nhất chính là đề xuất quy định giảm thời gian đóng BHXH theo lộ trình từ 20 năm xuống còn 15 năm, 10 năm để lao động được nhận lương hưu.

Nếu Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua, lao động hết tuổi lao động, đủ tuổi về hưu có số năm đóng BHXH đủ 10 năm có thể nhận lương hưu. Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Hướng tới thực hiện BHXH toàn dân, dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này cũng tính đến bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...

Dự kiến đóng Bảo hiểm xã hội 10 năm được hưởng lương hưu: Nhân văn nhưng còn nhiều băn khoăn! - Ảnh 1.

Người lao động rất mong chờ đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm sẽ được thông qua. (Ảnh: Lao động làm việc tại Công ty Gang thép Thái Nguyên). Ảnh: Nguyệt Tạ

Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có ký hợp đồng lao động.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có ký hợp đồng lao động.

Đây chỉ là 2 trong nhiều giải pháp, đổi mới nhằm tăng tính ưu việt của BHXH, từ đó tăng người vào, giảm người rời khỏi hệ thống BHXH.

Còn nhiều những băn khoăn, lo lắng

Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu mang tính rất nhân văn, nhưng bên cạnh niềm vui, nhiều lao động vẫn bày tỏ băn khoăn về nội dung này.

Lao động Nguyễn Thụy Anh - công nhân sản xuất linh kiện điện tử trong Công ty Canon Việt Nam cho biết: "Nếu được giảm thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu thì tôi rất vui mừng. Bản thân tôi và các công nhân nữ ở khu công nghiệp đều không chắc mình có thể làm tới lúc nghỉ hưu được không, khi mà tuổi nghỉ hưu bị nâng lên, tuổi nghề của lao động nữ làm công nhân ở các khu công nghiệp thì quá ngắn".

Chị Thụy Anh chia sẻ, nhiều công nhân nữ ở khu công nghiệp chỉ làm được 10-15 năm thôi là phải nghỉ việc rồi. Lý do là bởi sức khỏe giảm sút, tuổi tăng lên, khó có cơ hội xin việc nếu bị sa thải. Chính bởi vậy, nếu làm tới năm 60 tuổi e là không thể.

img

Nâng mức lương đóng bảo hiểm để tăng mức lương hưu

"Hiện nay, chúng ta đang đóng BHXH dựa trên mức lương tối thiểu vùng và lương cơ bản. Vì thế mức đóng BHXH rất thấp. Để giải quyết bài toán đóng ngắn, lương hưu không quá thấp, chỉ cần nâng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH lên. Khi mức đóng tăng lên, thì mức hưởng đương nhiên cũng tăng theo. Vì vậy, dù đóng BHXH chỉ 10 năm nhưng nếu đóng trên mức sàn cao thì số tiền lương hưu của lao động khi về hưu cũng không quá thấp".

Ông Phạm Minh Huân -

nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

img

Cần chỉnh sửa một cách đồng bộ

" Thực tế, thực hiện Luật BHXH năm 2014, lao động đủ tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH bị trừ rất nhiều tiền. Vì thế nếu đề xuất này được áp dụng thì lao động tuổi cao chưa có đủ số năm đóng BHXH sẽ rất vui mừng. Tuy nhiên, cần xem xét, tính toán để kết hợp tăng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; xem xét dựa trên tuổi về hưu; ngành nghề độc hại...".

Ông Lê Đình Quảng -

Phó trưởng ban Quan hệ lao động

(Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Tuy nhiên, chị Thụy Anh cũng băn khoăn về mức lương hưu mà mình sẽ được nhận, cũng như mức tiền đóng BHXH liệu có vì thế mà tăng lên.

Tương tự, anh Vũ Đình Thụ - công nhân Công ty FeCon Việt Nam cho rằng, lao động làm trong ngành xây dựng là ngành đặc thù, có nguy cơ cao tai nạn lao động. Vì thế anh cũng rất mong sẽ được rút ngắn số năm đóng BHXH để về hưu sớm.

Về vấn đề này ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, chính sách nhân văn tuy nhiên nó chỉ áp dụng cho người hết tuổi lao động, không có nhu cầu đóng tiếp BHXH. Với những người còn tuổi lao động, thì phải tiếp tục đóng BHXH, nếu về sớm hơn thì sẽ bị giảm trừ tiền lương hưu. Mức giảm trừ sẽ được tính toán bằng hoặc cao hơn hiện nay, dù chưa có công bố.

"Chính sách Luật BHXH không cho phép lao động về hưu nếu chưa tham gia BHXH đủ năm, và chưa đủ tuổi. Nếu chưa đủ năm, chưa đủ tuổi đóng BHXH, lao động muốn về hưu thì sẽ bị trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, trừ lao động làm trong một số ngành đặc thù được về hưu trước tuổi là 5 năm"- ông Huân khẳng định lại một lần nữa.

Thực tế, khi thực hiện Luật BHXH năm 2014, có nhiều lao động chưa đóng đủ số năm BHXH, dù đã hết tuổi lao động. Vì vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì sẽ được lao động rất ủng hộ. Mặt khác quy định này có thể tạo ra động lực, khuyến khích lao động tham gia BHXH nhiều hơn, hạn chế lao động rút BHXH hưởng một lần.

Khẳng định tính cần thiết, sự nhân văn nhưng bản thân ông Huân cũng bày tỏ lo ngại khi số năm đóng giảm đi thì liệu mức lương hưu có đủ đảm bảo cuộc sống cho lao động sau khi về hưu.

Ông Huân nhẩm tính, hiện nay đóng 20 năm mới được 45%, nếu giờ hạ xuống còn 10 năm đóng BHXH thì lương hưu chỉ được hơn 22 - 25%. Mức này quá thấp. Đương nhiên đóng thấp thì hưởng thấp, chúng ta phải xử lý một số tình huống. Nhưng vẫn phải xử lý điều này để tạo điều kiện cho lao động có tuổi đời cao nhưng số năm đóng BHXH thấp.

Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực BHXH thì cho rằng, không có khái niệm BHXH toàn dân, chỉ có khái niệm an sinh - xã hội toàn dân. Hiện nay một số văn bản đang đề cập sai vấn đề. Từ việc đề cập sai, có thể dẫn tới nhận diện sai và hoạch định chính sách sai.

Theo khái niệm quốc tế thừa nhận, BHXH là công cụ để bù đắp một phần tiền lương khi lao động mất đi thu nhập. Nó không có nghĩa vụ phải đáp ứng đủ mức sống cho người dân.

"Hiện nay trong báo cáo đánh giá tác động, chúng ta vẫn nhận định hiện nay số năm đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng dài. Vậy tại sao lại hạ thời gian đóng xuống?"- vị chuyên gia này băn khoăn.

Thậm chí, chuyên gia này cũng băn khoăn, nếu không cẩn thận, khi giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm thì tình trạng lao động rút ra khỏi hệ thống, hưởng BHXH 1 lần càng nhiều. Hoặc giả có một bộ phận sẽ có tâm lý không cần đóng BHXH, đợi lúc nào gần hết tuổi lao động rồi đóng BHXH đủ 10 năm để hưởng lương hưu cho xong.

"Tôi cho rằng không cần thiết phải rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm hay 10 năm. Bởi vì hiện nay, BHXH của chúng ta được thực hiện nhiều tầng, nhiều bậc. Có BHXH bắt buộc, có BHXH tự nguyện, cho phép đóng trước hoặc lùi để lao động có đủ số năm đóng BHXH để nhận lương hưu. Tuổi nghỉ hưu lại tăng lên vì thế việc đóng BHXH 20 năm là không dài" - vị này nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem