Dự kiến Việt Nam áp dụng công nghệ của Pfizer để sản xuất vaccine Covid-19 trên quy mô lớn

Vĩnh Nguyên thực hiện Thứ sáu, ngày 28/05/2021 18:37 PM (GMT+7)
Trả lời Dân Việt, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO đã giới thiệu việc sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA (công nghệ do Pfizer-BioNTech áp dụng) với Việt Nam. Một nhà sản xuất vaccine Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ mARN và đang được WHO xem xét.
Bình luận 0

Một số người cho rằng so với các nước châu Á khác, tình hình tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam tương đối chậm. Ông nhận xét thế nào về điều đó?

- Tiêm vaccine Covid-19 là một nhiệm vụ thách thức ở bất kỳ quốc gia nào. Thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với hạn chế nguồn cung vaccine, ít nhất cho đến cuối năm 2021. WHO đã nhiều lần cảnh báo về sự bất bình đẳng rất lớn trong việc cung cấp vaccine giữa các quốc gia. Thế giới chỉ có thể phát huy tối đa sức mạnh của việc tiêm vaccine và chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch này nếu tất cả chúng ta đoàn kết và chia sẻ lượng vaccine sẵn có cho những người cần nhất.

Việt Nam đã và đang sử dụng rất hiệu quả hệ thống tiêm chủng và nguồn nhân lực sẵn có cho công tác tiêm vaccine Covid-19 – gồm bảo quản, vận chuyển, đào tạo, truyền thông, tổ chức buổi tiêm chủng… Với cam kết và chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Y tế, tất cả các địa phương đã sử dụng vaccine tiết kiệm tối đa, thực hiện tiêm chủng an toàn, và xử lý các biến cố bất lợi.  

Việt Nam đã và đang sử dụng rất hiệu quả hệ thống tiêm chủng và nguồn nhân lực sẵn có cho công tác tiêm vaccine Covid-19

Tính đến ngày 23/5, khoảng một triệu người đã được tiêm vaccine tại Việt Nam kể từ khi liều vaccine đầu tiên được tiêm vào ngày 8/3.

Số lượng vaccine Việt Nam đã đặt mua và thực có còn tương đối hạn chế. Việt Nam có thể làm gì trong tình hình các nước đang phải cạnh tranh để có nguồn vaccine?

- WHO tiếp tục khuyến nghị việc tiếp cận công bằng với vaccine cho tất cả các quốc gia trên thế giới để tối đa hóa vai trò của vaccine trong việc chấm dứt đại dịch. Để có thể thực hiện được điều này, chúng tôi khuyến nghị các quốc gia chia sẻ lượng vaccine hiện có nếu họ đã hoàn thành việc tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu chống dịch, thay vì chuyển sang tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên thấp hơn.

Mặc dù vaccine có thể là một công cụ bổ sung quan trọng để chống lại đại dịch, nhưng trong tình huống nguồn cung vaccine hạn chế này, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng Covid-19 cơ bản như thông điệp 5K của chính phủ để ngăn chặn dịch bùng phát.

Dự kiến Việt Nam sẽ áp dụng công nghệ của Pfizer để sản xuất vaccine Covid-19 trên quy mô lớn - Ảnh 2.

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Ảnh: Văn phòng WHO cung cấp.

Một số quốc gia châu Âu đã giãn và ngừng việc sử dụng vaccine Covid-19 AstraZeneca do vấn đề vận chuyển và tác dụng phụ. Việt Nam có nên lo lắng về điều đó?

- Vaccine AstraZeneca rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trên người lớn ở mọi lứa tuổi. Tính đến ngày 22/4, 900 triệu liều đã được sử dụng trên toàn thế giới với rất ít phản ứng phụ nghiêm trọng.

Kinh nghiệm ban đầu cho thấy, một phản ứng phụ nghiêm trọng rất hiếm gặp có thể xảy ra với tỉ lệ khoảng 4-6 ca trên 1 triệu người được tiêm vaccine và ít có khả năng xuất hiện ở người lớn tuổi hơn so với ở người trẻ tuổi – nhưng tỉ lệ rất hiếm.

Lợi ích của việc tiêm vaccine lớn hơn nhiều so với nguy cơ mắc tác dụng phụ hiếm gặp. Vaccine AstraZeneca được khuyến cáo tiếp tục sử dụng.

Song nhiều người vẫn lo lắng về sự an toàn của vaccine. Ông có thể chia sẻ gì về mức độ an toàn của các loại vaccine mà Việt Nam đã và sẽ mua?

 - WHO có cơ chế về danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) để hỗ trợ các Quốc gia Thành viên.

Bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt vào trong danh sách Sử dụng Khẩn cấp của WHO đều phải thông qua quá trình xem xét cẩn trọng của các chuyên gia về tất cả các dữ liệu tiền lâm sàng, lâm sàng (chất lượng, hiệu quả và an toàn) và thực hành sản xuất theo khuyến cáo của WHO.

Tính đến ngày 18/5, các vaccine Covid-19 đã được phê duyệt theo quy trình EUL của WHO bao gồm vắc xin do Pfizer, Astra Zeneca, Viện huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna và Sinopharm sản xuất.

Các vaccine khác hiện đang được xem xét hoặc dự kiến sẽ được xem xét theo quy trình EUL của WHO bao gồm vaccine do Sinovac, Gamaleya, Novavax, Curevac sản xuất hoặc đang phát triển.

Chính phủ Mỹ đã tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19. Điều đó có tạo thuận lợi cho các quốc gia như Việt Nam để nhận chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ?

- WHO và các đối tác đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất vaccine Covid-19 của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) và mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng cường khả năng tiếp cận toàn cầu đối với các công cụ quan trọng này nhằm kiểm soát đại dịch. Sáng kiến này ban đầu sẽ ưu tiên vaccine theo công nghệ mARN (công nghệ được Pfizer-BioNTech và Moderna áp dụng).

Thông báo này của Hoa Kỳ là một tin đáng mừng vì nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sáng kiến chuyển giao công nghệ vaccine mARN.

WHO đang tìm kiếm sự quan tâm từ các nhà sản xuất sản phẩm y tế quy mô nhỏ/vừa (công lập hoặc tư nhân), tốt nhất là từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, có thể trở thành trung tâm Covid-19 mARN. Trung tâm mARN Covid-19 sẽ tổng hợp các công nghệ từ thực hành sản xuất tốt đến sản xuất các lô cho thử nghiệm lâm sàng; và chuyển giao bí quyết và công nghệ thích hợp cho các nhà sản xuất hiện tại hoặc mới trong các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để các nhà sản xuất này có thể phát triển và sản xuất vaccine Covid-19 mARN.

WHO đã giới thiệu sáng kiến này với Chính phủ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam là sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam.

- Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có đủ năng lực sản xuất và hệ thống quản lý quốc gia về vaccine, đóng góp rất nhiều cho sức khỏe của người dân.

Một nhà sản xuất vaccine tại Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 theo công nghệ mARN và đang được văn phòng trụ sở của WHO xem xét. Dự kiến, Việt Nam cũng áp dụng công nghệ mARN để sản xuất vaccine  Covid-19 trên quy mô lớn.

Nếu Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 theo công nghệ mARN, nó sẽ góp phần vào việc sản xuất vaccine Covid-19 theo công nghệ mARN ở Việt Nam cũng như trong Khu vực.

Ông nhận xét thế nào về khả năng của Việt Nam để sản xuất vaccine Covid-19 trong nước?

- Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có đủ năng lực sản xuất và hệ thống quản lý quốc gia về vaccine, đóng góp rất nhiều cho sức khỏe của người dân.

Việc phát triển vaccine cần nguồn lực và thời gian. Và cũng có nguy cơ thất bại.

WHO biết rằng các nhà sản xuất Việt Nam đang phát triển vaccine Covid-19 - một số đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và một số đang thử nghiệm tiền lâm sàng, điều này khá ấn tượng.

Thật đáng khích lệ khi thấy những nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất vaccine trong nước để phát triển vaccine Covid-19.

Ông nhận xét thế nào về chính sách phòng chống Covid-19 hiện nay của Việt Nam? Liệu Việt Nam có thể sớm mở các chuyến bay thương mại, nới lỏng việc du lịch trong nước hay các hoạt động kinh tế khác? 

- Việt Nam đã tăng cường các biện pháp ứng phó đã được chứng minh là có hiệu quả trong các đợt bùng phát dịch vừa qua. Những điều này đã được điều chỉnh hàng ngày theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh.

Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng Việt Nam có thể ngăn chặn các đợt bùng phát dịch hiện nay thông qua cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội.

Và Việt Nam có thể xem xét tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh tế khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Việt Nam đang thực hiện chính sách 5K+vaccine nhưng cũng có những thảo luận về 5K+vaccine+xét nghiệm. Xin cho biết ý kiến của ông về việc này?

- Việt Nam đã thiết lập năng lực mạnh mẽ về xét nghiệm RT-PCR với thời gian có kết quả nhanh. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục sử dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR, và đây vẫn là phương pháp được khuyến nghị để xác nhận Covid-19 vì nó có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất.

Về công tác xét nghiệm hàng loạt, WHO khuyến nghị Việt Nam cần cân bằng một cách tốt nhất giữa tác động về sức khỏe công cộng do việc thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đem lại với nguồn nhân lực và vật tư sẵn có.

Việc xét nghiệm cần thực hiện theo phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ để tránh quá tải ở các phòng thí nghiệm và có thể cần ưu tiên xét nghiệm những người có các dấu hiệu và triệu chứng của Covid-19, nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (SARI) và hội chứng cúm (ILI), những người tiếp xúc gần được xác định thông qua điều tra dịch tễ các trường hợp/chùm ca bệnh và những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế.

 Xin cảm ơn Tiến sĩ Kidong Park. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem