Đủ kiểu lừa công nghệ cao, ngân hàng, công ty tài chính tìm cách ứng phó

P.V Thứ sáu, ngày 12/03/2021 15:13 PM (GMT+7)
Nhiều người bị mất CMND/CCCD hoặc thậm chí bị mua bán, đánh cắp thông tin cá nhân rồi "bỗng dưng" mắc nợ xấu ở ngân hàng, công ty tài chính cho thấy thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian ngày càng tinh vi.
Bình luận 0

Rủi ro từ tội phạm công nghệ với ngành tài chính – ngân hàng

Công nghệ ngày càng phát triển giúp cho ngành ngân hàng ứng dụng nhiều giải pháp vào hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng. Khách hàng không cần phải đến tận quầy giao dịch cũng có thể mở tài khoản trực tuyến; tra cứu thông tin dịch vụ tài chính; liên hệ vay vốn ngân hàng qua các kênh online…

Sự phát triển của công nghệ giúp các khách hàng thuận tiện hơn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực vay tiêu dùng, từ đó góp phần giảm thiểu các khoản vay từ tín dụng đen. Nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi ngành này liên tục phải đối mặt với xu hướng tội phạm công nghệ cao gia tăng sử dụng những thủ đoạn, chiêu lừa tinh vi khiến cả khách hàng lẫn ngân hàng, công ty tài chính "đau đầu".

Đủ kiểu lừa công nghệ cao, ngân hàng, công ty tài chính tìm cách ứng phó - Ảnh 1.

Mới đây, anh Nguyễn Minh Sang (đã đổi tên) khi có vay vốn kinh doanh ở một ngân hàng để kinh doanh đã giật mình khi phát hiện mình bị dính nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Tìm hiểu thêm, anh mới biết khoản nợ xấu này phát sinh do tên của mình từng đứng trên hợp đồng vay vốn tại một công ty tài chính.

Sau khi thông báo vụ việc công ty tài chính, xác minh bước đầu cho thấy có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo. Cụ thể, hồ sơ vay có tên và số CMND trùng khớp với anh Sang, tuy nhiên hình ảnh trên CMND lại không phải là của anh. Mặt khác thông tin tài khoản ngân hàng để giải ngân, thì họ tên cũng trùng khớp với hồ sơ vay, điều này cho thấy kẻ gian đã có được thông tin cá nhân của anh Sang rồi làm giả hồ sơ, đi mở tài khoản ở ngân hàng trước sau đó mới tới công ty tài chính…

Đây là thủ đoạn rất tinh vi của đối tượng lừa đảo có thể qua mặt cả ngân hàng để thực hiện trót lọt việc mở tài khoản tại ngân hàng. Khi sự cố xảy ra, khách hàng tốn thời gian, công sức; các ngân hàng, công ty tài chính nguy cơ bị mất tiền, thậm chí ảnh hưởng uy tín, thương hiệu…

Nhưng, trường hợp của anh Sang không cá biệt. Trên thực tế, việc mua bán thông tin cá nhân, mua bán CMND/CCCD, bằng lái xe… được rao bán công khai thời gian qua, cho thấy tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, dùng đủ mọi thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng.

Gõ từ khoá "làm CMND giả", "làm giấy tờ giả" trên Google sẽ có hàng trăm ngàn kết quả với địa chỉ làm giấy tờ giả cụ thể. Trên mạng xã hội, nhiều trang cá nhân còn rao quảng cáo nhận làm giả mọi loại giấy tờ để vay tiền ngân hàng, công ty tài chính…

Công an tỉnh Bắc Ninh cuối năm 2020 đã phá đường dây làm giả CMND và khởi tố 3 đối tượng, trong đó một đối tượng đã tìm cách làm giả CMND để mở tài khoản tại các ngân hàng nhằm mục đích vay tiền và chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn là khi tìm được người đồng ý chụp ảnh để làm giả CMND, các đối tượng đưa người này đến nhiều ngân hàng mở tài khoản rồi làm thủ tục vay tiền của công ty tài chính qua điện thoại.

Đầu tháng 2-2021, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng triệt phá đường dây làm giả văn bằng, giấy tờ và môi giới mua bán những loại này. Từ 2019 đến nay, mỗi tháng đường dây này "sản xuất" và tiêu thụ 500 - 1.000 "sản phẩm"…

Tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm hạn chế gian lận

Thời gian qua, các công ty tài chính đã không ngừng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng góp phần hạn chế sự phát triển tín dụng đen, nhằm thúc đẩy thị trường tài chính toàn diện. Các công ty tài chính cho vay ở phân khúc đối tượng có thu nhập thấp hơn, giá trị khoản vay ở mức nhỏ với các tiêu chí xét duyệt khoản vay dưới chuẩn so với ngân hàng. Mặt khác, với tiêu chí quy trình đơn giản, thuận tiện để giúp khách hàng dễ sử dụng, thao tác mở hồ sơ khoản vay, thanh toán khoản vay qua ứng dụng… Các công ty tài chính phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định trong vay tiêu dùng khi đối mặt với những đối tượng cố tình sử dụng thủ đoạn để đánh lừa hệ thống nhằm trục lợi phi pháp. Tuy nhiên, phải đảm bảo kiểm soát, xử lý được khi rủi ro xảy ra, nợ xấu không vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước mà vẫn đảm bảo tăng trưởng tín dụng.

Để giảm thiểu rủi ro, hiện nay, nhiều công ty tài chính và các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quy trình cho vay như: giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC), cho vay qua ứng dụng… Theo các chuyên gia, giải pháp eKYC sử dụng các công nghệ như: nhận dạng ký tự quang học (OCR), nhận dạng khuôn mặt (Face Matching), nhận diện người thực (Liveness Detection), và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm so sánh đối chiếu các dữ liệu định danh khách hàng và có thể giúp các tổ chức phát hiện được các gian lận về giấy tờ, giả mạo danh tính.

Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành tài chính ngân hàng trong thời đại 4.0. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hạn chế tiếp xúc trực tiếp, với các hỗ trợ về mặt công nghệ, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính nên nền tảng trực tuyến của khách hàng ngày một gia tăng.

Một cán bộ ngân hàng cho rằng, mỗi khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến công nghệ, bộ phận công nghệ thông tin của ngân hàng đều nhanh chóng "bịt lỗ hổng" này. Tuy nhiên, môi trường công nghệ thông tin và nền tảng internet luôn ẩn chứa những khả năng phát sinh đa dạng về mặt rủi ro, các đối tượng tội phạm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt nhắm tới ngành tài chính, ngân hàng cũng ngày càng tinh vi và có tổ chức.

Đại diện một công ty tài chính chia sẻ: Hiện nay, công ty chúng tôi đã và đang không ngừng cải thiện hệ thống quản trị rủi ro cũng như quy trình vận hành của mình. Cụ thể, chúng tôi đã gia tăng thêm nhiều bước xác thực dữ liệu trong quá trình định danh khách hàng nhằm ngăn chặn tối đa những hành vi gian lận, vi phạm pháp luật. Song song với đó, công ty tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn rủi ro từ các hành vi gian lận ngày càng tinh vi được phát hiện trong thời gian qua.

Vị này cũng cho biết, để hạn chế tình trạng lừa đảo, rất cần các cơ quan chức năng thúc đẩy nhanh và sớm hoàn thiện việc triển khai rộng rãi gắn chip điện tử cho thẻ căn cước công dân. Điều này sẽ góp phần hạn chế, ngăn chặn được các hành vi gian lận, sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để thực hiện hành vi phạm pháp.

Ngay bản thân người dân cũng cần bảo mật thông tin cá nhân, bao gồm CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng… trong mọi trường hợp nhằm tránh những rủi ro. Bởi với các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, áp dụng công nghệ tiên tiến, việc các ngân hàng, công ty tài chính đối mặt với nạn làm giả hồ sơ vay để lừa đảo là một rủi ro khó tránh, bản thân doanh nghiệp phải nâng cao cảnh giác và người dân cũng cần kỹ càng hơn trong việc tự bảo vệ mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem