Chạy đua hút khách du lịch
Đà Nẵng giành quyền đăng cai Diễn đàn Phát triển đường bay Châu Á 2022 vào tháng 6 tới đây. Ông Thomas Atkinson, đại diện Công ty Informa Routes - đơn vị tổ chức, cho biết đến nay đã 810 đại biểu các hãng hàng không, sân bay, công ty lữ hành quốc tế đăng ký tham dự diễn đàn. Trong đó có 71 hãng hàng không quốc tế đã đăng ký tham gia. Dự kiến thời gian tới sẽ còn tăng lên bởi các đại biểu đang rất háo hức cho cuộc gặp gỡ tại Đà Nẵng vào tháng 6 này.
Ông Thomas Atkinson nhận định đây là cơ hội tốt để Đà Nẵng khởi động lại các kết nối quốc tế và dẫn ví dụ sau sự kiện năm 2016 tổ chức tại Philippines đã ghi nhận 10 đường bay mới được kết nối với chủ nhà từ London (Anh), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và các nước châu Âu khác. Sau sự kiện, ngành du lịch và hàng không tăng trưởng 10% mỗi năm.
Du lịch Đà Nẵng trên đà tăng tốc trở lại - Ảnh: Thương hiệu và Pháp luật
Đây chính là cơ hội để Đà Nẵng đón tiếp các hãng hàng không, kết nối với các sân bay tầm cỡ khu vực và quốc tế, chắc chắn sẽ mang hàng chục triệu du khách đến với Đà Nẵng trong tương lai gần. Hiện đã có chín hãng hàng không mở lại 10 đường bay quốc tế trực tiếp tới Đà Nẵng.
Năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu tổng lượng khách lưu trú đạt 3,5 triệu lượt, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6.700 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021.
Cùng nằm ở trung tâm hành lang du lịch miền Trung, Quảng Nam cũng sớm “bứt tốc” đón khách, đưa ngành du lịch bật tăng mạnh mẽ. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, chia sẻ năm 2022 tỉnh dự kiến đón 4,2 triệu lượt khách tham quan và lưu trú. Trong đó, khoảng 1,7 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 6.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ VHTT&DL đã quyết định chọn tỉnh Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 với 192 sự kiện, hoạt động. Trong đó có 10 hoạt động tầm quốc gia do Bộ VHTT&DL, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức. Tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 62 sự kiện, hoạt động theo 6 chương trình suốt năm 2022 và 120 sự kiện hoạt động hưởng ứng do 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức. Đây chính là “cơ hội vàng” để ngành du lịch Quảng Nam phục hồi và tăng tốc mạnh mẽ.
Mở đầu bằng ngày hội khinh khí cầu vừa diễn ra trong hai ngày 25 và 26/3, với 17 quả khinh khí cầu đủ màu sắc và kích thước, trong đó có 12 khinh khí cầu mini, 3 quả khinh khí cầu cấp 7 và 2 quả khinh khí cầu hơi, được bố trí bay treo cố định bên dòng sông Hoài, chương trình đêm hoa đăng, cùng nhiều hoạt động dọc sông Hoài… gây sức hút mạnh mẽ.
Những chiếc khinh khí cầu rực rỡ màu sắc bên bờ sông Hoài, TP.Hội An
Triển vọng BĐS nghỉ dưỡng khởi sắc
Du lịch khởi sắc đang tạo thêm đà tăng trưởng cho thị trường địa ốc. Trong đó, phân khúc bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh.
Một số chuyên gia nhận định, bất động sản sẽ hồi phục và trỗi dậy trong năm 2022. Giới chuyên gia phân tích, hiện COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, người dân cũng dần quen sống chung với dịch, du lịch sẽ là ngành được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ, các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn. Kéo theo đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nóng lên.
Đánh giá về các sản phẩm sẽ hút khách thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng, sau thời gian BĐS nghỉ dưỡng “đóng băng” vì dịch bệnh, thị trường sẽ có sự điều chỉnh, hướng vào giá trị trải nghiệm của du khách, đồng thời mở ra cơ hội để nhà đầu tư sở hữu sản phẩm với mức giá thật.
Ngay khi “bình thường mới”, những nơi được đầu tư du lịch bài bản, chuyên nghiệp đang trở thành thỏi “nam châm” hút khách. Tín hiệu vui từ dòng khách du lịch vừa qua sẽ tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển, cộng thêm những “lực đẩy” khác như gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ đồng.
Cơ hội lớn cho Đà Nẵng, Quảng Nam
Theo các chuyên gia, khi du lịch mở cửa trở lại, các địa phương có lợi thế về du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết… sẽ hưởng lợi. Bởi những địa phương này với hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng, chu kỳ đầu tư và khai thác dài lên tới hàng chục năm đã có sẵn cơ sở để đón khách và các dự án vẫn triển khai xây dựng ngay cả trong dịch bệnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường khi trạng thái bình thường được thiết lập.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có đường bờ biển dài, tiềm năng du lịch tốt, tuy nhiên chúng ta chưa khai thác được đủ tiềm năng đó. Dẫn chứng là Đà Nẵng khối lượng khách sạn 3 - 4 - 5 sao chỉ từ 20 nghìn căn cho cả thành phố, nếu đón tiếp đoàn rất lớn từ châu Âu và Trung Quốc sẽ không đủ.
Các dự án nghỉ dưỡng mặt biển đang được săn đón.
Hay như Quảng Nam, hiện chỉ có khoảng 840 cơ sở lưu trú với gần 17.000 phòng, trong đó, 51 khách sạn được xếp hạng 3-5 sao với hơn 7.000 phòng vẫn chưa đủ để đón lượng lớn khách quốc tế ồ ạt đổ bộ sau dịch. Đặc biệt là các sản phẩm nghỉ dưỡng mặt biển, có tính pháp lý an toàn và được đưa vào vận hành trong tương lai gần là các sản phẩm được các nhà đầu tư săn đón.
Vì vậy, sau giai đoạn dịch bệnh, sự xuất hiện của những sản phẩm nghỉ dưỡng độc đáo, đầu tư chuyên nghiệp, nhiều đột phá, đón đúng nhu cầu nghỉ dưỡng mới của du khách sẽ là “đích ngắm” của các nhà đầu tư khu vực này. Đặc biệt là các sản phẩm nghỉ dưỡng mặt biển, có tính pháp lý an toàn và được đưa vào vận hành trong tương lai gần là các sản phẩm được các nhà đầu tư săn đón.
Thị trường nghỉ dưỡng khởi sắc cũng củng cố thêm niềm tin để các nhà làm BĐS nghỉ dưỡng tại Quảng Nam, Đà Nẵng cơ cấu lại sản phẩm, đón đúng “khẩu vị” nhà đầu tư từ đó đem lại lợi nhuận bền vững, ổn định, lâu dài cho nhà đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.