“Du lịch làng”... lên ngôi!

Thứ ba, ngày 12/02/2013 07:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lượng khách quốc tế "đổ" về Vĩnh Bảo tăng tới 34%. Con số tăng trưởng đáng mơ ước này có được nhờ huyện biết khai thác các tour du lịch du khảo đồng quê.
Bình luận 0

Làng ta "hút"… khách Tây

Từ trung tâm TP.Hải Phòng, dọc theo Quốc lộ 10 chừng 40km theo hướng Tây Nam là tới huyện Vĩnh Bảo, một vùng nông thôn rộng lớn, yên bình với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Ông Nguyễn Viết Bính - Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Bảo cho biết: "Những năm gần đây, lượng du khách về Vĩnh Bảo tăng nhanh, đạt trên 22 vạn lượt khách/năm. Riêng năm 2012, khách quốc tế tăng 34% so với năm 2011. Trong số này, lượng khách đổ về thăm các nhà cổ, nghề cổ là khá đông".

img
Du khách nước ngoài xay thóc tại một trang trại du lịch đồng quê .

Lý giải về sự tăng trưởng đột biến du khách quốc tế đến với Vĩnh Bảo thời gian qua, theo ông Nguyễn Văn Quyn- Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Bảo, là bởi không gian văn hoá ở đây vừa rộng mở, đa dạng, vừa thăm thẳm chiều sâu tâm linh. Chính điều này đã thoả mãn được khát khao muốn khám phá, tìm tòi, thậm chí muốn được tắm mình trong đó để được trải nghiệm những điều thú vị của du khách…

Một trong những điều mà các vị khách nước ngoài thú vị nhất, hút hồn họ nhiều nhất, chính là những sản phẩm văn hoá làng quê, gần gũi với đời sống của người nông dân vùng lúa nước sông Hồng. Tiêu biểu như múa rối cạn, rối nước và chơi đánh pháo đất…

Chị Vũ Thị Miền - cán bộ Phòng VHTT huyện Vĩnh Bảo "khoe" với chúng tôi, chỉ cách đây ít ngày, một tour "du khảo đồng quê" gồm 34 người, hầu hết là khách châu Âu đã đề nghị chị dẫn về thẳng làng Bảo Hà, xã Đồng Minh để tìm hiểu nguồn cội nghề tạc tượng, điêu khắc gỗ ở đây. Về đến làng, được tận mắt chứng kiến các thợ tạc tượng người làng trổ tài, ai cũng trầm trồ, thán phục. Nhất là khi họ được xem pho tượng cụ tổ nghề Nguyễn Công Huệ (do chính những thợ của làng tạc) đứng lên, ngồi xuống được mỗi khi có người chạm vào. Anh Ivan, một du khách Nga bày tỏ: "Tôi rất ngạc nhiên khi được nghe hướng dẫn viên nói cụ tổ làng chỉ quan sát quần thần trong triều vài phút, về tạc người nào, người nấy giống như in. Đó thực sự là kỳ tài".

Với khách du lịch nước ngoài, khát khao khám phá đối với họ là vô tận. Vì thế, khó mà thoả mãn nếu chưa đưa họ về xem rối nước Nhân Hoà, do chính những nông dân vừa bước từ dưới ruộng lên thủ vai. Cả khách Tây lẫn khách ta cùng ngồi xem chật cứng chung quanh thuỷ đình (sân khấu rối nước) làng Nhân Mục. Tiếng vỗ tay dào dạt nổi lên không dứt.

Có người cười ngất khi xem chú Tễu ra trò. Lại cũng không ít người lắng đọng, xa xăm khi thấy cô Màu đong đưa trên sân khấu với giọng hát chèo ngọt như mật… Tất cả những nhân vật rối ấy, tưởng chừng như bằng xương, bằng thịt thật chứ không phải bằng tre, bằng gỗ phơi ở vườn nhà. Và đây chính là điều đã làm du khách ngẩn ngơ, thán phục. Một khán giả là người Thụy Điển ngất ngây khi xem chú bé (bằng rối) chăn trâu, thổi sáo trên đồng: "Nhìn hình ảnh chú bé chăn trâu trong buổi chiều tà thật sinh động".

Di tích níu chân du khách

Có một sản phẩm văn hoá hiện cũng đang "cuốn" đông khách Tây về thăm và tìm hiểu, đó là những ngôi nhà cổ ở làng Cổ Am (tên cũ là Úm Mạt). Ở đây có tới trên 100 ngôi nhà cổ lợp toàn bằng loại ngói mũi đặc trưng. Tuy không "thâm cung bí sử", nhưng ẩn chứa bên trong những ngôi nhà cổ đó là cả một nền nếp gia phong đã được kết tụ từ nhiều đời nay. Nó mang đậm cốt cách của người xứ Đông: Cần mẫn, ham học và học giỏi.

Lại có những làng cổ khác nổi tiếng hữu tình, như làng Hà Dương (xã Cộng Hiền), khách nước ngoài đến đây, đứng ngắm mãi không chán bởi những vườn chè tươi, ao cá rộng, đẹp đến nao lòng đã đành, còn bởi quy hoạch làng từ thời xa xưa nhưng rất khoa học. Làng được sắp xếp ở thành dãy, tất cả cùng quay một hướng ra sông cái (trừ 2 ngôi nhà ở đầu và cuối dãy). Trước cửa nhà nào cũng có sân rộng, ao vuông với ngõ đi riêng. Hơn thế, lòng người lại rộng, khiến du khách quyến luyến, khó rời.

“Tour "Du khảo đồng quê" về với những làng cổ, nhà cổ cùng những hệ thống di tích đình, chùa, đền, miếu ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang trở thành tour du lịch độc đáo, thu hút hàng vạn du khách nước ngoài đến vào dịp tết. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía các cấp, bộ, ngành để địa phương có điều kiện khai thác hết thế mạnh về du lịch của mình”.

Hết thăm làng cổ, du khách có thể thăm các di tích lịch sử. Huyện Vĩnh Bảo có 20 di tích cấp quốc gia và 48 di tích cấp thành phố. Hầu hết, ngoài giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, còn có ý nghĩa về tâm linh.

Điển hình đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở làng Trung Am, xã Lý Học. Du khách về đây thăm viếng đền, ngoài được chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, còn là dịp để tỏ bày lòng ngưỡng mộ, thành kính của mình đối với vị quan Trạng đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đào tạo nhân tài của đất nước.

Ngoài ra còn nhiều địa chỉ "đỏ", được các hướng dẫn viên du lịch "chấm", đưa khách về thăm viếng thường xuyên như đình Cung Chúc (xã Trung Lập), đình Nhân Mục, miếu Cựu Điện (xã Nhân Hoà), đình An Quý (xã Cộng Hiền). Chị Vũ Thị Miền cho biết, không ít khách du lịch tới thăm mảnh đất Vĩnh Bảo nhiều lần, và như vậy, ngành du lịch còn nhiều việc để làm, từ việc lo chỗ ăn, ở, các dịch vụ liên hoàn… để níu chân du khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem