Con Rắn Chàm miền Đông non thứ hai vừa được phát hiện, cho thấy dự án Eastern indigo dẫn tới kết quả là một số rắn được thả đã sống sót, đang sinh sản và phát triển. (Ảnh: Billy Pope, ADCNR)
Đưa những "kẻ săn mồi trên đỉnh" trở lại quê hương bản quán Alabama
Rắn Chàm miền Đông (Eastern Indigo Snake) là loài rắn lớn nhất có nguồn gốc từ Mỹ, từng được nhìn thấy trên khắp Alabama. Nhưng chúng đã tuyệt chủng tại bang này thời thập niên 1950, chủ yếu do mất môi trường sống (theo Cục Bảo tồn và Tài nguyên thiên nhiên Alabama).
Rắn là một yếu tố quan trọng của hệ sinh thái. Đặc biệt rắn Chàm miền Đông vốn nổi danh là những kẻ "săn mồi trên đỉnh" trong rừng thông lá dài nơi chúng sinh sống. Sự suy giảm số lượng loài rắn gây ra "hiệu ứng domino" đối với các loài khác, gây bất lợi với hệ sinh thái.
Rắn Chàm miền Đông nổi danh là loài "săn mồi trên đỉnh", có thể dài tới hơn 240cm khi trưởng thành. (Ảnh: CNN)
Để góp phần cân bằng trở lại hệ sinh thái, năm 2006 một nhóm chuyên gia bảo tồn ở Alabama đã khởi động dự án đưa những kẻ "săn mồi trên đỉnh" - rắn Chàm miền Đông - trở lại vùng đất bản địa của chúng. Khởi đầu từ những cá thể rắn Chàm miền Đông bắt được trong tự nhiên từ bang Georgia cũng ở vùng Đông Nam nước Mỹ, các chuyên gia đã hình thành nên một quần thể rắn Chàm miền Đông nuôi nhốt.
Năm 2010 những con rắn Chàm miền Đông nuôi nhốt đầu tiên được thả vào Rừng Quốc gia Conecuh (Conecuh National Forest). Mục tiêu cuối cùng của dự án là từ 300 con rắn nuôi nhốt được thả vào tự nhiên, sẽ tạo ra một quần thể rắn Chàm miền Đông khỏe mạnh và tồn tại khả thi ở bang Alabama.
Phát hiện bất ngờ kẻ "săn mồi trên đỉnh" - rắn Chàm miền Đông - tại hang rùa Gopher
Sự việc phát hiện con rắn Chàm miền Đông non thứ hai hôm 16/3, được chuyên gia Jim Godwin thuộc Chương trình Di sản tự nhiên Alabama đánh giá: "Đây là một dấu hiệu tuyệt vời, cho thấy những con rắn Chàm miền Đông nuôi nhốt mà chúng tôi thả ra đã có thể thích nghi, sống được trong môi trường hoang dã và đang sinh sôi nảy nở".
Rắn Chàm miền Đông nổi danh là loài "săn mồi trên đỉnh", đã tuyệt chủng tại bang Alabama từ thời thập niên 1950. (Ảnh: CNN)
Cũng theo ông Jim Godwin, con rắn Chàm miền Đông non thứ hai vừa phát hiện, được xác định là sinh ra trong tự nhiên dựa trên 2 yếu tố - kích thước nhỏ và không gắn thẻ PIT (bộ phát tín hiệu tích hợp thụ động). Những con rắn Chàm miền Đông non nhỏ hơn số rắn được thả - vốn thường dài ít nhất 61cm và có thể dài tới hơn 240 cm khi trưởng thành. Rắn Chàm miền Đông được thả có thẻ PIT gắn những vi mạch nhỏ, cho phép các chuyên gia xác định từng cá thể qua mã (code) duy nhất của nó.
Cũng như con rắn Chàm miền Đông sinh ra trong tự nhiên, được phát hiện lần đầu tiên tại Alabama vào năm 2020, con rắn Chàm miền Đông thứ hai này được phát hiện tình cờ khi nhóm chuyên gia dự án theo dõi suốt mùa Đông hang của loài rùa Gopher - nơi rắn Chàm miền Đông trưởng thành sinh sản khi thời tiết lạnh hơn.
Rùa Gopher cũng là loài vật khá nổi tiếng, bởi hang của chúng đủ chỗ cung cấp nơi trú ẩn cho hơn 300 loài vật khác mỗi khi xảy ra cháy rừng, mưa bão hoặc thời tiết khắc nghiệt. (Ảnh minh họa: Pinterest)
"Con Rắn Chàm miền Đông non được phát hiện hôm 16/3 cho thấy dự án Eastern indigo dẫn tới kết quả là một số rắn được thả đã sống sót, đang sinh sản và phát triển, đúng như chúng tôi mong muốn… Đưa một loài trở lại phạm vi bản địa của nó là nhiệm vụ khó khăn, nên chúng tôi kỷ niệm từng bước thành công của nhiệm vụ đó" - Bộ phận Thủy sản nước ngọt và động vật hoang dã viết trên Facebook ngày 17/3.
Linh Quyên (CNN, WSFA)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.