Du lịch nông nghiệp chắp cánh cho nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu vươn xa

Trần Khánh Thứ hai, ngày 11/12/2023 08:53 AM (GMT+7)
Dù là mô hình mới nhưng sự hài lòng của du khách tham gia du lịch nông nghiệp đang trở thành động lực mới để các chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục cải tiến sản phẩm, đầu tư công nghệ mới để nâng chất lượng nông sản.
Bình luận 0

Cây trái Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm đến thu hút du khách

HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) có 120 thành viên canh tác trên diện tích 200ha, với tổng sản lượng 5.000 tấn/năm. Ông Hồ Hoàng Kha - Phó Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cho biết, các hộ thành viên đang mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu bưởi Sông Xoài.

Bưởi da xanh của hộ thành viên HTX Bưởi da Sông Xoài. Ảnh: Trần Khánh

Bưởi da xanh của hộ thành viên HTX Bưởi da Sông Xoài. Ảnh: Trần Khánh

Một điểm mới của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài trong 2 năm trở lại đây là mở rộng đầu tư mô hình du lịch vườn với tổng diện tích 20ha liền kề, phục vụ đón khách tham quan trải nghiệm vườn bưởi. Mô hình du lịch tham quan trải nghiệm vườn bưởi hướng đến phát triển bền vững, tạo ra chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững cho HTX.

Chị Lê Thị Hoàng Yến, thành viên HTX cho biết, các hộ thành viên rất hứng thú với ý tưởng xây dựng vườn bưởi thành điểm dừng chân cho du khách khi đến với Phú Mỹ.

Hiện nay, cứ những dịp cuối tuần, các nông hộ thành viên của của HTX lại tất bật chuẩn bị đón những đoàn du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm.

Trước đây, HTX đã thực hiện nhiều hình thức quảng bá chất lượng sản phẩm bưởi da xanh của nông dân xã Sông Xoài. Nhưng với du khách, không có hình thức nào trực quan và hiệu quả hơn là được tham quan trực tiếp.

"Ngay tại vườn, du khách tìm hiệu thực tế mô hình trồng, cách chăm sóc bưởi theo phương pháp hữu cơ nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm", chị Yến chia sẻ.

Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, nhãn xuồng cơm vàng ở Bà Rịa-Vũng Tàu khác biệt hẳn so với nhãn xuồng cơm vàng của khu vực khác. Và xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) lâu nay là địa phương nổi tiếng với các vườn trồng nhãn xuồng.

Du khách tìm hiệu thực tế mô hình trồng, cách chăm sóc bưởi ngay tại HTX Bưởi da Sông Xoài. Ảnh: Vân Huỳnh

Du khách tìm hiệu thực tế mô hình trồng, cách chăm sóc bưởi ngay tại HTX Bưởi da Sông Xoài. Ảnh: Vân Huỳnh

Xã Lộc An có gần 40 hộ trồng nhãn, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn nhãn. Nhãn ở đây không chỉ mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon mà còn là sản phẩm đặc trưng của huyện.

Ông Phạm Thẩm, nông dân xã Lộc An cho biết, cây nhãn có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các cây trồng khác trong khu vực. Sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 và được cấp mã vùng trồng, tạo thuận lợi để người dân Lộc An tận dụng, xây dựng thành các mô hình du lịch sinh thái.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thép – Giám đốc HTX Nhãn xuồng Lộc An (xã Lộc An), HTX có 12 hộ, diện tích 237ha. Trong đó HTX có 10 hộ đã tổ chức đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.

Từ tháng 6/2022, vườn nhãn Hòa Thuận ấp An Điền, thành viên của HTX đã trở thành điểm tham quan du lịch cộng đồng. "HTX hướng tới canh tác theo quy trình hữu cơ để thu hút thêm lượng khách du lịch", ông Thép chia sẻ.

Du lịch nông nghiệp giúp cải thiện đời sống nông thôn

Tham quan quy trình trồng và chăm sóc ca cao tại vườn, tự tay chế biến các sản phẩm chocolate là những dịch vụ mới lạ, hấp dẫn của Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt ở xã Xà Bang (huyện Châu Đức).

Ông Trịnh Văn Thành - Giám đốc công ty cho biết, thương hiệu ca cao Châu Đức vốn đã có chỗ đứng trên thị trường. Du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, và ông đã xây dựng mô hình phát triển cây ca cao Organic kết hợp du lịch.

Đoàn công tác của  Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan và thưởng thức hương vị trái ca cao ngay tại vườn của Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt. Ảnh: Trần Khánh

Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan và thưởng thức hương vị trái ca cao ngay tại vườn của Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt. Ảnh: Trần Khánh

Cách làm này giúp doanh nghiệp tận dụng những lợi thế về mô hình kinh doanh nông sản sẵn có để kết hợp với hoạt động du lịch. Trong khi đó, khách du lịch sẽ nhận về những trải nghiệm mới mẻ, đồng thời gia tăng niềm tin khi mua các sản phẩm nông sản sau khi tham quan trực tiếp.

Theo ông Thành, nông nghiệp là ngành nghề mang lại thu nhập chính cho nông dân và du lịch phát triển dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm cho các sản phẩm nông nghiệp và tăng giá trị.

Để mô hình du lịch nông nghiệp phát huy hiệu quả, các ngành chức năng và địa phương cần tạo thêm điều kiện về vốn, xây dựng thương hiệu, liên kết các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách đến tham quan mua sắm tại vườn.

"Việc này sẽ góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, nâng cao giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn", ông Thành chia sẻ.

Theo ông  Mai Minh Quang - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các cá nhân khi phát triển mô hình du lịch nông nghiệp cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu phục vụ của khách du lịch, vừa phải thiết kế mô hình sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ấn tượng tốt cho khách tham quan.

Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có nhiều mô hình sản xuất, nuôi trồng có hiệu quả. Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 30 mô hình sản xuất nông nghiệp triển vọng gắn với du lịch.

Tiêu biểu trong số đó như mô hình nuôi ong dú lấy mật, nhãn xuồng cơm vàng, tiêu bầu mây ở huyện Xuyên Mộc; các vườn trồng nhãn măng cụt và dừa ở huyện Đất Đỏ; hay mô hình trang trại nuôi cá chình, cá nước ngọt, trồng nấm linh chi, chế biến có sản phẩm từ trái ca cao ở huyện Châu Đức.

Vườn nhãn Hòa Thuận, thành viên HTX Nhãn xuồng Lộc An (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) trở thành điểm tham quan du lịch cộng đồng từ tháng 6/2022. Ảnh: Trần Khánh

Vườn nhãn Hòa Thuận, thành viên HTX Nhãn xuồng Lộc An (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) trở thành điểm tham quan du lịch cộng đồng từ tháng 6/2022. Ảnh: Trần Khánh

Sản xuất nông nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu có bước tiến vượt bậc về phương thức canh tác, nhiều vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao hình thành. Theo ông Quang, đây là cơ hội lớn để bà con nông dân và các doanh nghiệp có điều kiện phát triển du lịch ngay trên mảnh đất của mình.

Hội Nông dân các cấp đã khảo sát, có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tạo điều kiện về vốn, quảng bá hình ảnh, hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nông nghiệp.

Hội Nông dân cũng sẽ liên kết với các doanh nghiệp du lịch để giới thiệu sản phẩm độc đáo này đến với người tiêu dùng. Trong đó, Hội chú trọng đến phát triển du lịch sinh thái, kết hợp giới thiệu các đặc sản địa phương đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP.

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp được xem là giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.

"Vì thế, phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn tỉnh", ông Quang chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem