Du lịch sinh thái từ 40 cọn nước trên cánh đồng thẳng cánh cò bay
Du lịch sinh thái từ 40 cọn nước trên cánh đồng "di sản" xứ Nghệ
Trần Văn Việt (Chuyên viên Ban Kinh tế Trung ương)
Thứ tư, ngày 27/04/2022 16:45 PM (GMT+7)
Cọn nước là hình ảnh quen mắt với sản xuất lúa nước của đồng bào miền núi cao miền Tây Bắc. Nhưng cọn nước trong một câu chuyện cụ thể lại là guồng quay chuyên chở nhiều điều, từ du lịch sinh thái và con người bình dị đến những vấn đề về chiến lược quốc gia, về văn hóa dân tộc...
Bất ngờ với câu chuyện nơi miền biên cương Xứ Nghệ về người cán bộ trẻ nhiệt huyết phát triển kinh tế từ du lịch sinh thái khiến cho ta liên tưởng để "vận" những lời của đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào vùng sâu – vùng xa và đồng bào các dân tộc anh em.
Đó là cách làm du lịch sinh thái từ những cọn nước của anh cán bộ trẻ, đương kim Chủ tịch xã Lô Thanh, một người con của đồng bào đích thực, nơi bản Coọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Bản Coọc hẻo lánh tới mức từ trung tâm xã của nó ra huyện phải hơn 45km, chưa nói từ huyện xuống thủ phủ tỉnh (Thành phố Vinh) cũng hơn 170km.
Du lịch sinh thái từ những "cọn nước"
Chuyện là anh Lô Thanh đã dùng hơn 40 cọn nước vốn có bao đời nay của làng bản anh để phát triển du lịch sinh thái cho xã nhà, trở thành tâm điểm cách làm mới cho cả một miền Xứ Nghệ, và có thể được nhân rộng ra phong trào cả nước.
Có người đã ví những cọn nước của anh Lô Thanh là "đẹp nhất Việt nam", dù biết rằng danh xưng này là bản quyền của các tỉnh vùng núi phía bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn hay Lai Châu...
Quả thật, ai về thăm quê hương anh Lô Thanh đều trầm trồ vì trên con suối tên Ngân với hơn 40 chiếc cọn khổng lồ đang hoạt động trải dài gần một cây số, vừa tưới nước cho cánh đồng lúa đang mùa xanh ngắt, vừa tạo cảnh quan, điểm đến check-in cho khách du lịch khi bất chợt đặt chân đến vùng đất hoang sơ này.
Thú vị hơn nữa là lại gặp cả các cô gái Thái đang mê mải "check in" bên những chiếc cọn xinh xắn, ấn tượng, và có người đã phải thốt lên "Tuyệt vời, tuyệt vời quá Nghệ An ơi!"
Không thốt lên sao được vì không chỉ những cọn nước mà còn đánh thức cả một vùng miền với hệ thống những cánh đồng lúa "tí hon" và nên thơ, bên những con suối hiền hòa đến bao cánh rừng nguyên sinh xanh ngút của đại ngàn xen với âm sắc của văn hóa đồng bào các dân tộc anh em.
Cán bộ là "then chốt của then chốt"
Chuyện chỉ có vậy nhưng càng ngẫm càng thấm những lời đồng chí Tổng Bí thư cũng như tâm huyết về công tác cán bộ mà đồng chí hiến dâng trọn vẹn cho Đảng.
Trong một hội nghị gần đây đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh "cán bộ là then chốt của then chốt". Quả vậy trong câu chuyện về anh Lô Thanh. Bao nhiêu đời nay hơn 40 cọn nước đó đã ở đấy nhưng chỉ khi anh về mới cùng chính quyền xã và làng bản "thức tỉnh" cái tiềm năng để bước đầu cho những điều kỳ diệu như vậy.
Anh Lô Thanh chính là ví dụ thực tiễn về mẫu cán bộ "3 giám" trong chủ trương mà đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo trọng mấy năm qua, là "khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm", để Bộ Chính trị ra Kết luận số 14-KL/TW (năm 2021).
Như đôi lần tâm sự anh Lô Thanh đã nói "muốn làm hết sức mình vì biết ơn vì là số ít con em đồng bào được học hành bài bản". Đây chính là lòng biết ơn, một giá trị sống và vẻ đẹp nhân cách con người gắn với đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta gắn với câu tục ngữ "uống nước nhớ nguồn".
Anh cũng tâm sự là rất hiểu quê mình nên luôn đau đáu phải "thức tỉnh" tiềm năng thay vì cứ trông chờ hỗ trợ từ "ngoài huyện cũng như dưới tỉnh". Đây chính là yêu cầu "phải đúng vai, thuộc bài" mà đồng chí Tổng Bí thư đã nói về công tác cán bộ, nêu trong cuốn sách xuất bản gần đây "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Nông nghiệp sinh thái là cốt lõi
Chuyện không chỉ có thế vì điều anh Lô Thanh làm chính là "nông nghiệp sinh thái", một vấn đề Đảng ta coi là cốt lõi và luôn có tính thời sự ở mọi quốc gia trên thế giới.
Nông nghiệp sinh thái là một trong "3 trục" quan điểm của Đảng "hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại". Đây là vấn đề có tính lý luận và thực tiễn được Hội đồng Lý luận trung ương lấy làm điểm nhấn trong một hội nghị gần đây về "tam nông".
Ở khía cạnh cụ thể, gần đây Chính phủ đã quyết tâm đưa Việt Nam thành "cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon năm 2050". Quyết tâm này một lần nữa nhấn mạnh tính "trụ đỡ" của tam nông trong cam kết mà Thủ tướng nêu ra tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu tháng 11/2021 (COP26), phấn đấu đưa nước ta tiến tới "phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Điều anh Lô Thanh làm là gắn với những trăn trở của cả nước khi nhìn về tiềm năng thiên nhiên và văn hóa thì to lớn nhưng thực trạng phát huy cho du lịch sinh thái thì rất khiêm tốn.
Thế mạnh du lịch sinh thái của Việt Nam thì UNESCO đã công nhận 10 khu dự trữ sinh quyển cấp thế giới; được xếp hạng thứ 16 toàn cầu về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật… Trong khi đó, thực trạng đã được tổng kết là "chưa có chiến lược cũng như quy hoạch" bài bản, "thiếu kinh nghiệm trong tổ chức và quản lý" phát triển du lịch sinh thái…
Gắn với Xứ Nghệ, đã có những đúc rút là miền của "nàng công chúa còn ngủ yên, chờ đợi thức giấc, và khoe sắc". Đúc rút này từ thực tế Xứ Nghệ có muôn "sắc màu văn hóa" cũng như thiên nhiên "hùng vĩ và hiểm trở" gắn với khoảng 30 lễ hội truyền thống, trong đó phần lớn là của các dân tộc ít người.
Nơi anh Lô Thanh "đánh thức" mới thực sự là tiềm năng du lịch của Xứ Nghệ, ngoài những gì thường biết đến là thương hiệu như biển Cửa Lò hay khu dich tích Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đó là cả một Miền Tây với 10 huyện miền núi cao, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là cái rốn của hơn 37 đồng bào dân tộc an hem, với các lễ hội như Hang Bua, lễ hội Xàng Khan, lễ Mừng nhà mới, lễ Uống rượu cần...
Tam nông là "trụ đỡ"
Điều anh Lô Thanh làm cũng chính là chăm lo cho "miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số". Đây được đồng chí Tổng Bí thư coi là vấn đề "chiến lược", như trong bài phát biểu rất gần đây về vùng trung du và miền Bắc Bộ. Đồng chí Tổng Bí thư còn nhấn mạnh về tính bức thiết với cụm từ phải "tạo chuyển biến mới và có tính đột phá".
Liên quan đến điều này, Thường trực Ban Bí thư cũng đã giao nhiệm vụ "phải tạo chuyển biến mạnh mẽ" khi chủ trì một hội nghị gần đây để chuẩn bị ra một nghị quyết mới về vấn đề "tam nông".
Xa hơn, "tam nông" được coi là "trụ đỡ" của nền kinh tế cũng như "cứu cánh" trong chiến tranh cho đến hoạn nạn thời bình như Đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua. Tầm nhìn này đã nhất quán với Đảng ta trong suốt chiều dài lịch sử gần 100 năm qua.
Văn hóa là nền tảng
Điều anh Lô Thanh làm thực ra là vấn đề "văn hóa". Mà văn hóa thì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ví với vấn đề an ninh quốc gia, "văn hóa còn là dân tộc còn". Đây là nhấn mạnh của đồng chí trong một bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, nhân kỷ niệm 76 năm ngày diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946.
Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng phản ánh trong nội hàm nhân văn của đồng chí Tổng Bí thư về "một xã hội phát triển thực sự vì con người". Đồng chí Tổng Bí thư nhấn nhạnh "con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển". Đây là nội hàm cốt lõi trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.