Đắc Lắk, Bắc Kạn đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái

Thanh Hà - Thanh Tùng Thứ sáu, ngày 01/04/2022 19:19 PM (GMT+7)
Chiều ngày 1/4 tiếp nối các hoạt động tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2022, tỉnh Đắc Lắk; Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó cả hai địa phương đều phát triển du lịch theo hướng bền vững bao gồm: du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, di tích văn hoá, lịch sử, làng nghề.
Bình luận 0

Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội: Ngày hội quảng bá, xúc tiến du lịch địa phương

Đắc Lắk, Bắc Kạn đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái - Ảnh 1.

Hội nghị quảng bá, xúc tiến do tỉnh Đắk Lắk được diễn ra chiều ngày 1/4 tại Hà Nội nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội VIMT 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Theo đó, nối tiếp các hoạt động tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2022, thì hội nghị quảng bá, xúc tiến do tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Bắc Kạn tổ chức đã mang ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi và phát triển du lịch, cũng như thúc đẩy sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương với các điểm du lịch khác trong cả nước. Đây cũng được đánh giá là ngày hội quảng bá, xúc tiến du lịch của các địa phương.

Với tỉnh Đắk Lắk đã có sẵn tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị cao gắn liền với sự đa dạng bản sắc dân tộc với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội, ẩm thực… 

Các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng... thể hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa và phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc chung sống trong khu vực Tây Nguyên. 

Những lễ hội khá đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh là thiên nhiên ưu đãi, cảnh đẹp hùng vĩ như: Thác Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao, Drai Yông, Drai Dlông,… những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của Vườn quốc gia Yok Don, Vườn quốc gia Chư Yang Sin; Rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường hồ Lắk, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Rừng đặc dụng Nam Ka, gắn với các dòng sông Sêrêpôk, Krông Ana, Krông Bông…

Đắc Lắk, Bắc Kạn đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái - Ảnh 2.

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk, tỉnh đang xây dựng sản phẩm "du lịch thân thiện với voi nhằm tìm hiểu về đặc tính sinh hoạt hàng ngày của voi, ngắm voi từ xa; theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, nghỉ; đi dạo cùng voi trong rừng Yok Don, Rừng Lịch sử Môi trường hồ Lắk, trong Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk…."

Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết: "Trong những năm qua, du lịch Đắk Lắk luôn xác định thế mạnh của mình trong lĩnh vực thông qua hoạt động du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Hầu hết du khách đến với Đắk Lắk đều có nhu cầu trải nghiệm xu hướng du lịch văn hóa gắn với sinh hoạt cộng đồng. Với đặc thù là địa phương có sự giao thoa của 49 dân tộc anh em nên Đắk Lắk được ví như Việt Nam thu nhỏ.

Trong giai đoạn 2021 – 2022, địa phương đã có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó tập trung cho phát triển mô hình du lịch của đồng bào Ê-đê và M'nông. Việc lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực phía Bắc của Tây Nguyên giúp cho du lịch Đắk Lắk xây dựng hình ảnh văn hóa đậm đà bản sắc.

Bên cạnh thị trường nội địa, Đắk Lắk đã tiến hành liên kết hoạt động đón khách quốc tế với nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa... Đồng thời chúng tôi cũng có những cam kết về chia sẻ nguồn khách giữa các địa phương để việc đón khách quốc tế đạt hiệu quả cao nhất.

Vừa qua, chúng tôi đã tiếp đón đoàn khách Hàn Quốc tham gia trải nghiệm mô hình du lịch tại khu du lịch Suối Ong. Đây là mô hình du lịch và nuôi ong lấy mật trong chai vô cùng đặc biệt với vốn đầu từ hơn 100 tỷ đồng. Sau chuyến trải nghiệm, đoàn khách Hàn Quốc tỏ ra vô cùng bất ngờ, thích thú và hào hứng phản hồi cùng địa phương. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực hứa hẹn nhiều thành công của du lịch Đắk Lắk trong tiến trình mở cửa và đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới".

Nói về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho hay, sẽ đi theo phát triển bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, di tích văn hoá, lịch sử, làng nghề.

Đắc Lắk, Bắc Kạn đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái - Ảnh 3.

Hồ Ba Bể, Bắc Kạn, điểm đến cũng rất hấp dẫn và thu hút khách du lịch quốc tế.

Còn với tỉnh Bắc Kạn thì định hướng cho phục hồi và phát triển trong thời gian tới đây, tiếp tục tham gia nhiều chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, trong đó có chương trình liên kết du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Bắc, chương trình liên kết với thành phố Hà Nội, chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc.

Đắc Lắk, Bắc Kạn đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái - Ảnh 4.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, tỉnh cũng đã có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế về di tích lịch sử mà nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử cách mạng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 20 di sản được công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nổi bật là di sản hát Then được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bắc Kạn có nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá hang động, trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa-lịch sử, tâm linh, du lịch cộng đồng và có khả năng kết nối về du lịch với nhiều tỉnh trong khu vực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem