Đủ luật, vẫn chưa bảo vệ tốt trẻ em khỏi bị xâm hại

Diệu Linh - Mỵ Lương Thứ tư, ngày 01/06/2016 06:20 AM (GMT+7)
Các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Tuy nhiên, các em không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu khi mà người xâm hại có khi lại chính là cha mẹ, thầy cô...
Bình luận 0

Gia tăng nghiêm trọng

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm (2011-2015), hơn 8.200 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 5.300 vụ xâm hại tình dục. Số vụ xâm hại trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Còn theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), tội phạm xâm hại trẻ em đang gia tăng theo từng năm: Năm 2010 có 867 vụ, bắt 923 người; năm 2011 có 940 vụ, bắt 1.025 người; năm 2014 có 1.382 vụ, bắt 1.433 người.

img

Những đứa trẻ ở xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy, Hòa Bình.   Ảnh:  Mỵ Lương

Mới đây, Luật Trẻ em 2016 sửa đổi từ Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em 2004 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1.6.2017. So với luật cũ, Luật Trẻ em tăng thêm 46 điều, với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ trẻ em một cách toàn diện hơn. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan cho biết, Luật Trẻ em vừa được thông qua có quy định cụ thể đến việc phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em. Căn cứ vào từng mức độ sẽ có các luật liên quan để giải quyết hành vi vi phạm. “Các vụ bạo hành trẻ em không chỉ gây thương tích về mặt thực thể con người, mà còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của trẻ. Cho nên, ngoài những quy định về tỷ lệ chung theo quy định của luật hình sự, tôi nghĩ cần có biện pháp nhằm giảm thiểu những vụ vi phạm này” – bà Lan chia sẻ.

Đừng “bảo hộ” trẻ em

img

Tuy nhiên, bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số (CCHIP) nhận định, Việt Nam không thiếu luật để bảo vệ trẻ em, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. “Luật pháp Việt Nam đang nhìn trẻ em theo hướng bảo hộ chứ không phải bảo vệ. Luật Trẻ em vừa thông qua mới đặt hướng tiếp cận tập trung vào bảo vệ đặc biệt là bảo vệ cấp độ 1, tức là bảo vệ thông qua giáo dục. Chính vì chỉ chú trọng vào bảo hộ, trẻ em Việt Nam không có được các kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình và gia đình cũng thiếu kỹ năng này. Còn chờ được sự can thiệp của hệ thống trợ giúp trẻ em thường “sự đã rồi” hoặc can thiệp nửa vời” – bà Tú Anh nhận định.

Theo bà Tú Anh, xã hội đang né tránh vấn đề về tình dục và xâm hại tình dục trẻ em. Các vụ việc này đều bị coi là tiếng xấu cho các em, cho gia đình nên mọi người thường không báo cáo, che giấu. Chưa kể một số trường hợp bị đánh lận con đen, người bị hại trở thành... người bị lên án. Hoặc trẻ em có “phàn nàn” về việc thầy này không nghiêm túc, chú nọ sờ soạng thì cha mẹ lại không tin các em, cho rằng đó chỉ là hành động “quý mến” hoặc cho rằng các em bịa đặt. Đó chính là lý do khiến một nữ sinh lớp 8 (Trường THCS Nguyễn Trãi, TP.Châu Đốc, An Giang) phải chụp ảnh cảnh thầy giáo “luồn tay qua nách” chỉ bài để tố cáo, mẹ mới tin. Trước đó em đã  nhiều lần tâm sự với mẹ nhưng mẹ không nghe. Còn vụ thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phú Đông (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu) xâm hại học sinh cũng bị phát hiện nhờ một clip được quay do một em học sinh lớp 5 mượn điện thoại của chị. Có lẽ trước đó em này cũng đã nói với cha mẹ, thầy cô nhưng không được tin tưởng. Và em đã phải tự tìm bằng chứng để ngăn chặn hành vi xấu xa của thầy giáo.

Còn việc đánh đập, chửi mắng con, nhiều cha mẹ vẫn cho rằng “yêu cho roi cho vọt” mà không cần biết đã vi phạm rất nhiều luật. Thậm chí không ít cán bộ, chính quyền cũng cho rằng đó là “việc nhà”, không có các hành vi bảo vệ trẻ khi các vụ đánh đập trẻ diễn ra ngay trước mắt. “Việc thực thi luật chưa nghiêm ở địa phương khiến cho trẻ em không được bảo vệ mà còn khiến kẻ phạm tội nhờn luật và tội ác càng leo thang hơn” – bà Tú Anh nhận định.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan:

"Bộ LĐTBXH đang thí điểm triển khai mô hình chăm sóc trẻ em tại cộng đồng phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Một số địa phương đã thành lập ban phối hợp liên ngành để giao trách nhiệm đảm bảo an toàn cho trẻ em. Qua những mô hình trực tiếp tại địa phương như vậy, việc phát hiện và hỗ trợ các em sẽ hiệu quả, thiết thực hơn rất nhiều”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem