Đêm hội Mường Lò
Tây Bắc đã và luôn là xứ sở hấp dẫn của du lịch, khám phá, sáng tác nghệ thuật. Tây Bắc là chủ đề lớn của phim tài liệu dài tập nhất từ trước tới nay do Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất - Khát vọng Tây Bắc (20 tập) về 6 tỉnh Tây Bắc do NSƯT Vi Hòa, (thường được đồng nghiệp gọi vui với biệt danh "Vua Mèo" vì là đạo diễn làm phim nhiều nhất về đề tài miền núi), làm Tổng đạo diễn đã phát sóng nhiều lần trên VTV1, VTV4.
Khi làm bộ phim lớn này, trên nền kinh phí eo hẹp, đạo diễn Vi Hòa phải vất vả vận dụng uy tín, quan hệ để phục dựng các phong tục truyền thống nổi trội đặc trưng của đồng bào các dân tộc chính ở Tây Bắc, bởi theo những biến động của kinh tế thị trường, từ trang phục đến nếp sống của bà con đã bị "Kinh hóa", đô thị hóa... Để có hình ảnh "nguyên chất" như vốn có của phong tục, người làm phim rất tâm huyết, kỳ công.
Sân khấu chính đêm hội Mường Lò với hình ảnh danh thắng ruộng bậc thang. Ảnh: Lê Văn Kha.
Kế thừa truyền thống đại gia đình nghệ thuật, nữ đạo diễn thế hệ 8X, sinh trưởng ở Hà Nội Lê Hải Yến đã có duyên với miền núi qua các chương trình đã thực hiện cho Yên Bái. Yến chủ trương mỗi sự kiện phải làm độc đáo, ấn tượng và không làm kiểu "quen tay" dù đề cao tính chuyên nghiệp.
Công chúng cả nước sẽ được khám phá, du ngoạn Tây Bắc qua đêm hội khai mạc “Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019” chủ đề “Tinh hoa từ huyền thoại” do Lê Hải Yến viết kịch bản và đạo diễn.
Chương trình diễn ra lúc 20h ngày 20/9/2019 tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV5 với các hoạt cảnh, màn trình diễn cuốn hút. Các phóng sự chiếu kèm, thiết kế mỹ thuật sân khấu, công nghệ đồ họa hiện đại 3D mapping trên màn hình Led tạo nên hiệu ứng hình ảnh vô cùng mãn nhãn.
Chương trình được đạo diễn Lê Huyền Thanh làm cố vấn nghệ thuật; Dàn dựng âm nhạc và phối khí: Mạnh Tiến, Bùi Minh Đạo, Hữu Vượng, Phạm Việt Tuân; Biên đạo múa: NSND Ngọc Bích, NSƯT Phan Lương. Dàn ca sỹ ngoài Tùng Dương, Nhật Minh, Thu Hằng, nhóm OPlus, PB Nation, còn có Sèn Hoàng Mỹ Lam (dân tộc Tày) đến từ Tuyên Quang.
Đạo diễn Lê Hải Yến đã nhiều lần lên Mường Lò - Nghĩa Lộ trong quá trình xây dựng kịch bản và chị cùng êkip đã có mặt tại Yên Bái từ chiều 14/9, "nằm vùng" đến khi chương trình diễn xong.
Đạo diễn Lê Hải Yến tại sân vận động Nghĩa Lộ, Yên Bái duyệt màn đại xòe hình hoa ban khổng lồ. Ảnh: Lê Văn Kha.
Đường lên Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng hôm nay không như câu mở đầu trong các ca khúc: "Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó" (Đường lên Tây Bắc, nhạc sĩ Văn An, 1953), hay "Đường lên Tây Bắc vút xa mờ, Đường lên Tây Bắc trập trùng như mơ" (Hành quân lên Tây Bắc, nhạc sĩ An Thuyên, 1984). Tây Bắc, Yên Bái giờ đây chỉ cách Hà Nội 2 giờ xe chạy đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Dễ dàng đến và ngắm Yên Bái theo đường bộ, đường sắt, đường sông, và những năm gần đây còn có đường không nữa, theo nghĩa bay lên bằng dù lượn để ngắm Mù Cang Chải mùa lúa chín - điểm nhấn của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình đầy chất thơ của Yên Bái. Sắp tới sẽ có đường quốc lộ nối dài từ cao tốc IC 14 đến thẳng Mường Lò đến Yên Bái.
Yên Bái - một trong những cái nôi của người Việt cổ, với các di chỉ thời tiền sử, nổi bật là hiện vật thạp đồng, trống đồng Đào Thịnh (Trấn Yên), hang Hùm, trống đồng Minh Xuân (Lục Yên). Miền thơ Tây Bắc hùng vĩ núi rừng, thiên nhiên diễm lệ say đắm hồn người.
Ánh sáng lịch sử, huyền thoại đang khúc xạ thời gian nhiệm màu qua hoa văn thổ cẩm 30 dân tộc hội tụ đất này. Lớp lớp thế hệ, cảnh sắc đan hòa, đồng hiện, Yên Bái mở vòng tay. Dân tộc Tày sinh sống lâu đời tại đây từ ngày mở đất. Và những con người quả cảm, bạn của những đỉnh núi cao, sống và canh tác giữa bạt ngàn đá và khắc nghiệt tự nhiên - là những người Mông - một trong các dân tộc cổ nhất ở châu Á, sống tại lưu vực sông Hoàng Hà trên 3.000 năm trước và có đợt di cư lớn từ Vân Nam sang nước ta gần đã 170 năm, sau khởi nghĩa triều Thanh.
Nghĩa Lộ từ đầu thế kỷ 20 (1907) từng là một tổng, năm 1952 là tỉnh dưới thời Pháp thuộc, thuộc Khu Tự trị Thái Mèo, nay là thị xã nổi tiếng hàng đầu miền núi phía Bắc bởi kề bên danh thắng quốc gia ngoạn mục, trữ tình hiếm có. Yên Bái có một kiệt tác của thiên nhiên và con người, một họa phẩm thu tuyệt mỹ khi sóng lúa múa gió, ruộng nương lượn theo mây biếc sắc rừng, sắc hoa, sắc áo.
Xòe bàn tay đón đóa ban trắng ngần như những nụ hôn của trời với đất đan bay. Gió Yên Bái cuốn hương của hoa trái, quế rừng, nếp nương Tú Lệ, hương của những sơn nữ đẹp hơn hoa. Yên Bái tụ sinh triệu người quần cư đời này kiếp khác, Yên Bái là bối cảnh của nhiều tác phẩm, gợi cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ qua các thế kỷ và tất cả chồng nén, khuếch tán vào đời sống hiện thực năng lượng của một miền ảo huyền, trong khiết...
Màn Đại Xòe hình hoa ban khổng lồ.
Mường Lò - Cội nguồn người Thái Tây Bắc
Mường là vựa lúa, vùng dân cư đông đúc. Tây Bắc có 4 Mường lớn: Mường Thanh (tức Mường Then - Mường Trời), Mường Lò ở Yên Bái, Mương Than (Than Uyên - Lào Cai), Mường Tấc (Phù Yên - Sơn La). Trong đó Mường Lò - Nghĩa Lộ là đất tổ của người Thái. Dân tộc Thái có Thái đen và Thái trắng, phân biệt theo sắc áo cóm (áo của phụ nữ Thái)
Mường Lò, tên gọi này còn để nhớ ông Tổ của người Thái với họ Lò là dòng họ lớn nhất: Lò Lạng Trượng. Theo sử thi và truyền thuyết "Quan tô Mường", Mường Lò là cội nguồn, thánh địa thờ phụng tổ tiên của dân tộc Thái và Tạo Xuông, Tạo Ngần...
Tổng duyệt màn Đại Xòe.
Từ truyền thuyết lẫn sự tích Quả bầu nguồn gốc đồng bào, thì người Thái đã được coi là tộc người nhanh nhẹn, thông minh, dân tộc Thái có chữ viết từ sớm và đến nay vẫn còn vạn trang sách, bản chữ Thái cổ đang bảo tồn và truyền dạy lớp mầm non. Một dân tộc thiểu số gần như duy nhất đã minh chứng được sự phát triển của mình qua bao biến thiên, đến hôm nay.
Những nếp nhà sàn lợp ngói với biểu tượng "khau cut": hai thanh gỗ bắt chéo, chạm trổ hình hoa sen và hai vầng trăng khuyết hướng vào nhau qua nghìn năm lịch sử vẫn hiển hiện như ý thức cội nguồn trao truyền không mai một, chứa đựng lời thiêng nhắn gửi: anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần và con cháu họ dù ở đâu cũng phải tìm đến nhau, hướng về nhau, về nguồn cội và hướng về đất tổ Mường Lò mỗi dịp mùa xuân hoa ban nở khắp.
Khắp Thái là những bài ru, dân ca cùng Hạn Khuống - những bài hát giao duyên lứa đôi, của người Thái, đời này qua đời khác, hòa thanh với dân ca của các dân tộc anh em. Này đây sli, lượn cọi của người Tày, Nùng, nào dân ca Mông, Khơ Mú, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ...
Bối cảnh quả bầu biểu tượng. Ảnh: Lê Văn Kha
Lê Hải Yến đã thông minh khi chọn được quả bầu làm biểu tượng chính để chiếu lên những danh thắng của Yên Bái và hoa văn thổ cẩm. Từ quả bầu nguồn cội, biểu tượng thuở sơ khai chung gốc, những người Thái và người Tày tụ cư trên đất Yên Bái. Họ đều ở nhà sàn lợp lá cọ, cùng sống, lao động bên nhau. Áo cóm khăn piêu bên áo chàm mộc mạc, dân tộc Tày - Thái có mối lương duyên gắn kết đặc biệt trong tư duy, ngôn ngữ, làm nên ngữ hệ Tày - Thái. Xem chương trình này, công chúng được hưng phấn, thỏa mãn nhiều giác quan đặc biệt là ấn tượng thị giác. Ngoài các phóng sự phát kèm là các hoạt cảnh múa công phu.
Lời bình đêm hội tuyệt đẹp này do Vi Thùy Linh viết. Bởi tác giả là nhà thơ, nên lời bình đầy chất thơ, công phu câu chữ, dữ liệu văn hóa lại được thể hiện qua giọng đọc trữ tình hào sảng của NSƯT Lê Chức, nay đã ở tuổi 72 vẫn giữ được năng lượng sống tràn đầy và một nội lực thanh âm hiếm có.
Cảnh múa bóng tắm trăng. Ảnh: Lê Văn Kha.
Màn đại xòe hoành tráng và lộng lẫy
"Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò và Khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019" được tổ chức với quy mô cấp tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Yên Bái tới du khách gần xa, bạn bè thế giới, đồng thời tạo lập mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các huyện trong tỉnh và các tỉnh vùng Tây Bắc.
5.000 người sẽ tham gia màn Đại Xòe.
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn mang dấu ấn riêng có của Yên Bái như: Biểu diễn đường phố kéo dài 90 phút, từ 17 giờ 30 chiều 20/9 từ khu vực trước khách sạn Nghĩa Lộ theo trục đường Điện Biên - Nguyễn Quang Bích về sân vận động với sự tham gia của 9 huyện, thị xã; Chương trình trải nghiệm Hành trình Di sản mùa thứ II; Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đất và người Yên Bái"; Lễ hội Giã cốm Tú Lệ tại huyện Văn Chấn, nơi bạn có thể trải nghiệm quy trình làm cốm thủ công, hay nhâm nhi hương núi rừng tại Lễ hội vinh danh vùng chè di sản.
Tài sản được trao truyền qua bao thế hệ người Thái đã thành báu vật của dân tộc Thái, của đồng bào Tây Bắc, của Việt Nam, là những điệu xòe. Thiên nhiên, vũ trụ, tạo hóa đã ban tặng Yên Bái nhiều tinh hoa. Tại đất tổ của người Thái đen, công diễn màn Đại Xòe lớn nhất Việt Nam, với sự tham gia của nửa vạn nghệ nhân dân gian và diễn viên quần chúng.
Các diễn viên quần chúng nhiệt tình tập luyện cho màn Đại Xòe.
Mường Lò hiện còn lưu truyền được hơn 30 điệu Xòe say lòng người ngắm, người múa, phát triển từ 6 điệu Xòe cổ. Sáu điệu Xòe cổ gồm: 1. Khắm khen (Nâng khăn đón bạn, đón khách); 2. Khắm khăn mời lẩu (Nâng khăn mời rượu vui vẻ ngày gặp mặt); 3. Phá xí (Một vòng Xòe lớn chia thành 4 vòng nhỏ như cánh hoa ban), với ý nghĩa cùng cội nguồn, do điều kiện sống mà phải chia tay nhau nhưng vẫn cùng cộng đồng; 4. Đổi hôn (Tiến lùi, gặp gỡ rồi lại chia ly rồi lại gặp gỡ không rời); 5. Nhôm khăn (Tung khăn, giao lưu tưng bừng vui vẻ); 6. Ỏm lọn tốp mư (Nối vòng tròn, vỗ tay vui vẻ quyến luyến trước lúc chia tay và mong gặp lại) triển khai bằng 5 đội hình: Vòng tròn hội tụ, Vòng xoáy thời gian, Hoa văn Tây Bắc, Mùa hoa ban nở (châm đuốc), Vòng tròn đồng tâm (đại đoàn kết dân tộc).
Màn Đại Xòe đêm 2019 với chủ đề "Tinh hoa dân tộc" hội tụ 5.000 vũ công địa phương. Họ là diễn viên quần chúng, nghệ nhân dân gian. 5.000 người trên sân vận động Nghĩa Lộ là một vạn cánh tay chào đón bạn bè năm châu đến với Yên Bái, xứ sở của yên bình và tình người thắm thiết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.