Mới đây, dự thảo lần 1 Thông tư về nội dung chính của văn bằng đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, văn bản này ghi rõ quy định nội dung chính trên văn bằng giáo dục đại học bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. Cụ thể, 10 nội dung được ghi trong văn bằng giáo dục đại học như sau:
- Tiêu đề: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ);
- Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng;
- Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;
- Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;
- Quốc tịch của người được cấp văn bằng;
- Ngành đào tạo;
- Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;
- Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;
- Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng;
Thông tư loại bỏ xếp hoại, hình thức đào tạo trên bằng đại học vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Có thể dễ dàng thấy rằng thay đổi lớn nhất của cách thức ghi trên văn bằng chính là việc loại bỏ phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình. Ngoài ra, không phân biệt rõ hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn như văn bằng giáo dục đại học hiện thời. Việc phân biệt rõ các khối ngành như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ... cũng không còn được sử dụng,. Theo quy định mới chiếu theo thông tư kể trên, tất cả sẽ được gọi chung là cử nhân.
Ngay sau khi thông tin về dự thảo này được công bố rộng rãi, thông tư này đã vấp phải hàng loạt những ý kiến trái chiều của dư luận. Một bộ phận không nhỏ bày tỏ sự ủng hộ đối với thông tư này. Nhiều ý kiến cho rằng loại bỏ việc xếp loại bằng đại học sẽ tránh được tiêu cực không đáng có.
Trưởng bộ phận tuyển dụng của một công ty tư nhân vận tải cho biết: "Thực tế, việc loại bỏ xếp loại văn bằng đại học không phải là mới, hình thức này được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc học tại đại học về bản chất là để nghiên cứu tự thân, vì vậy chỉ nên áp dụng theo ngưỡng "qua - không qua", không nên có xếp loại dễ gây tiêu cực. Về phần tuyển dụng, nhà tuyển dụng sẽ mất công phân loại hồ sơ hơn. Tuy nhiên, việc phân loại hồ sơ tuyển dụng còn phụ thuộc vào bảng điểm, chứ không chỉ nhìn vào xếp loại bằng cấp.
Nhưng trên thực tế, chúng tôi chưa bao giờ đánh giá thấp hơn những người có bằng đại học khá so với bằng giỏi. Kiến thức thực tế phải sử dụng các bài test, phỏng vấn trực tiếp mới là thước đo chính xác nhất chứ không phải tấm bằng".
Nhà tuyển dụng quan tâm nhiều tới bảng điểm và kiến thức thực tiễn của người ứng tuyển. (Ảnh: IT)
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nên chiếu đúng theo luật để xếp loại bằng cấp. "Bằng là để chứng nhận hoàn thành trình độ cử nhân, thạc sĩ... Nhiều người nói bằng không quan trọng, tại sao phải hỏi xếp loại quan trọng? Tôi thấy hơi mâu thuẫn. Hơn nữa, trong tuyển dụng, doanh nghiệp còn phải xem xét kỹ bảng điểm mới đánh giá trọn vẹn được cá nhân ứng tuyển".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn xếp loại, đặc biệt là hình thức đào tạo là chưa hoàn toàn công bằng với người học. Ông Trần Văn Huân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh (TP.Thanh Hóa) băn khoăn về việc bỏ xếp loại sẽ không tạo ra được sự khác biệt rõ ràng đối với người học. Đặc biệt, việc nỗ lực để đạt được tấm bằng giỏi cũng là một mục tiêu phấn đấu của sinh viên, trong quá trình phấn đấu đó, họ sẽ tự rèn giũa được bản thân. "Tôi cho rằng việc không ghi rõ hình thức đào tạo trên tấm bằng đại học là bất hợp lý, không thể cào bằng hệ đào tạo chính quy với hệ đào tạo tại chức, từ xa được. Ví dụ, ngành Y đang có đề xuất học 4 năm và 6 năm, 4 năm thì sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân khoa học y học, 6 năm thì sẽ được cấp bằng bác sĩ. Nói như vậy là để thấy được sự quan trọng trong việc ghi rõ hình thức đào tạo trong tấm bằng đại học".
Chia sẻ về thông tư kể trên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, dự thảo thông tư vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi của dư luận theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Trinh cũng phân tích rõ trong Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học quy định rõ người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT.
Phụ lục văn bằng giáo dục Đại học được quy định cụ thể trong Mục 2, Điều 8 của "Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân":
- Thông tin của người được cấp văn bằng: họ và tên; ngày tháng năm sinh; mã sinh viên; số chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân.
- Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy;
- Thông tin về trình độ đào tạo theo khung trình độ quốc gia: Trình độ đào tạo đã hoàn thành theo khung trình độ quốc gia; Loại hình của chương trình đào tạo; Thời gian đào tạo; Trình độ đào tạo kế tiếp;
- Kết quả học tập: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.