Ông Đinh Sỹ Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, DTLG vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ ràng. Ví dụ, DTLG bắt buộc phải niêm yết giá liệu có phù hợp với thực tế? Bởi niêm yết giá mà không buộc phải bán theo giá niêm yết mà vẫn có thể thỏa thuận về giá thì quy định như vậy chẳng có ý nghĩa gì. Hay hành vi cấm thỏa thuận giá trái pháp luật trong DTLG này cũng rất "mênh mông", bởi DTLG không quy định cụ thể thế nào là thỏa thuận trái pháp luật.
|
Theo dự luật, niêm yết giá là việc làm bắt buộc. |
Ngay các điều khoản về bình ổn giá trong DTLG cũng còn nhiều ý kiến khác nhau như việc sử dụng Quỹ bình ổn. Ông Dũng nói: "Nhiều quỹ bình ổn của ta hiện nay, như xăng dầu, thực tế liệu có đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng? Quỹ bình ổn không cẩn thận sẽ trở thành quỹ xin-cho, không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà chỉ có lợi cho chính doanh nghiệp kinh doanh".
Chuyên gia luật Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty Luật VFAM cũng nêu ý kiến, việc quy định có tổ chức thẩm định giá của Nhà nước trong DTLG này là một điểm mới so với Pháp lệnh Giá nhưng là một "bước lùi". Bởi trước đây, các trung tâm thẩm định giá Nhà nước đều đã chuyển thành doanh nghiệp. Đến nay lại "phục hồi" có phải là đi ngược lại với chủ trương tăng cường xã hội hóa đối với những dịch vụ công được phép xã hội hóa?
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng nêu quan điểm rằng, DTLG lần này vẫn chưa tạo được khuôn khổ pháp lý cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. DTLG "quên mất vai trò của người đi mua". Giá cả là vận động khách quan nên nó phải liên quan đến người mua chứ không chỉ đứng về người bán như DTLG xây dựng. Ông Ánh cho rằng, DTLG nên chỉ rõ Nhà nước cần làm gì để bình ổn giá chứ quy định chung chung là điều tiết cung - cầu, áp dụng chính sách tài chính, tiền tệ thì "bó tay, không làm được".
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.