Dự thảo Luật Nhà giáo "lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất": Thầy cô nói gì?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 29/09/2024 06:30 AM (GMT+7)
Lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất đang là chủ đề được nhiều giáo viên mong đợi trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Bình luận 0

Dự thảo Luật Nhà giáo: Lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất 

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện nay, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương giáo viên, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo.

Để giải quyết việc này, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ".

Dự thảo Luật Nhà giáo "lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất": Thầy cô nói gì?- Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: Tào Nga

Dự thảo cũng quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục không ít hơn tiền lương nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đồng thời, để đảm bảo nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi Nhà nước có hướng dẫn mới về chính sách tiền lương, dự thảo Luật quy định tại Điều khoản chuyển tiếp.

"Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới", ông Phạm Ngọc Thưởng nói.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục";

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Tăng lương nhưng vẫn còn thấp

Trước thông tin dự thảo Luật Nhà giáo quy định chính sách tiền lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất, một số giáo viên đã nêu ý kiến.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Hoàng Mai Lan, một giáo viên ở Hà Nội cho hay: "Việc lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương dĩ nhiên là việc đáng mừng nhưng cần có những chỉ đạo, quy định rõ ràng hơn về vấn đề này và cụ thể cao nhất là bao nhiêu. Ngoài ra còn có những yêu cầu nào kèm theo?

Sở dĩ tôi đưa ra ý kiến như vậy bởi vấn đề này đã đc đưa ra nhiều lần nhưng vẫn chỉ là bàn bạc. Hay như lần trước, xếp lại bậc lương giáo viên, tưởng rằng sẽ giúp nâng cao thu nhập nhưng kèm theo nó là vô vàn những yêu cầu khó khăn mà nhiều người không thể đạt được. Thậm chí phải bỏ 1 khoản tiền ra để bổ sung bằng cấp, chứng chỉ cho đủ. Nhưng rồi vẫn có rất nhiều người không được nâng hạng và giáo viên cũng đang chờ đợi mà không biết bao giờ sẽ có đợt nâng hạng tiếp theo, yêu cầu sẽ là gì?

Vậy nên, là 1 giáo viên, tôi mong mọi thứ được đưa ra cần phải rõ ràng, nhất quán và đồng bộ. Đặc biệt, đó thật sự là quan tâm đến lợi ích chính đáng của giáo viên".

Thầy Trần Thanh Tùng, một giáo viên ở Hà Nội cũng bày tỏ: "Mặc dù tháng 7 vừa qua, lương của nhà giáo đã được tăng lương cơ sở, mức lương đã được cải thiện song mức tăng chưa thực sự giúp giáo viên yên tâm công tác, chi tiêu, trang trải đời sống sinh hoạt. Chúng tôi mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành".

Trước đó, đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền.

Đại biểu cho rằng Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu quy định lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem