Dự thảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới: Giáo viên đề xuất phương án

Tào Nga Thứ năm, ngày 14/09/2023 14:20 PM (GMT+7)
Trong khi Bộ GDĐT đang hoàn thiện dự thảo, giáo viên cả nước đã đưa ra ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa giảm áp lực, giải được bài toán khi xếp lớp, cân đối được đội ngũ giáo viên.
Bình luận 0

Dự thảo các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Mới đây, Bộ GDĐT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, Bộ trưởng đã giao Cục Quản lý chất lượng chủ trì hoàn thiện dự thảo. Đồng thời, Bộ trưởng giao Cục tiếp tục xin ý kiến bằng văn bản 63 Sở GDĐT để có thêm căn cứ hoàn thiện dự thảo phương án trình lãnh đạo Bộ để trình Thường trực Chính phủ xem xét, cho phép công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trong tháng 9/2023.

Trong dự thảo, một nội dung quan trọng đang được xã hội quan tâm là các môn thi. Trong dự thảo, kỳ thi sẽ tổ chức thi theo môn gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT năm 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Dự thảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới: Giáo viên đề xuất phương án - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hương, Trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội trong tiết dạy Lịch sử. Ảnh: NVCC

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, Bộ GDĐT chưa chốt phương án cuối cùng để trình Chính phủ.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về các môn thi tốt nghiệp sắp tới, thầy Nguyễn văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho hay: "Chiều ngày 16/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hộ khoá XV với đa số phiếu tán thành. Theo đó, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục cấp THPT.

Vì vậy, theo tôi, đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc đối với học sinh THPT là đương nhiên và có phần hơi muộn. Đất nước muốn vươn cao, bay xa thì không thể xây dựng từ những con người thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc".

Cô Lê Thị Hồng Hạnh, giáo viên Trường THPT Đoan Hùng, Phú Thọ nêu quan điểm: "Thi tốt nghiệp 4 môn bắt buộc Toán, Văn, tiếng Anh, Lịch sử là phù hợp vì vừa giảm tải cho học sinh vừa đáp ứng phương châm học gì thi nấy. Những môn tự chọn nên để học sinh thi đại học đăng ký".

Cô Lương Thị Thủy, giáo viên Trường THPT Ý Yên, Nam Định cho biết: "Môn Lịch sử phải là môn thi bắt buộc. Nếu đưa các môn cho học sinh lựa chọn thì nhiều học sinh sẽ chọn Lịch sử, không chọn Toán, Vật lý, Hóa học".

Tương tự, cô Mai Thị Thanh Nga, giáo viên Trường THPT Trần Văn Bảo, huyện Nam Trực, Nam Định bày tỏ: "Nên thi tốt nghiệp 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Tiếng Anh, Lịch sử. Đối với các học sinh có nguyện vọng xét đại học thì có thể đăng ký thi thêm tối đa 3 môn tự chọn. Học sinh học hết THPT có đến gần 50% không có nguyện vọng học tiếp đại học nên thi tốt nghiệp 4 môn sẽ giảm tối đa áp lực cho học sinh, giảm áp lực học thêm nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018".

Giáo viên đề xuất phương án thi giảm áp lực cho học sinh

Cô Nguyễn Thị Thúy Ngọc, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Học viện Biên phòng cho rằng: "Việc Bộ chủ trương đưa 2 môn học lựa chọn (môn học định hướng nghề nghiệp Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý…) vào phương án thi là bất hợp lý, không dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi mang tính chất Quốc gia nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của tất cả học sinh cuối cấp trên cả nước nên việc lựa chọn các môn thi cho kỳ thi này chỉ có thể từ nhóm môn học sinh bắt buộc. Không thể đưa các môn lựa chọn của học sinh vào phương án thi tốt nghiệp được bởi đây là những môn học có tính chất định hướng nghề nghiệp.

Theo thống kê số lượng học sinh dự thi tốt nghiệp THPT mấy năm gần đây cho thấy, có tới gần 60% học sinh chỉ để xét tốt nghiệp (không đăng ký thi ĐH, CĐ). Do vậy, không có bất kỳ lý do gì để ép buộc học sinh chỉ thi tốt nghiệp lại phải thi thêm các môn lựa chọn (thực chất các môn lựa chọn mục đích là để định hướng phân hóa nghề nghiệp).

Như vậy trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn: Việc đưa thêm 2 môn lựa chọn vào kỳ thi tốt nghiệp không những đi ngược lại với triết lý và tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 mà còn tạo nên sự lãng phí, áp lực lớn đối với hơn 60% học sinh cả nước thi chỉ để xét tốt nghiệp".

Thầy Hồ Anh Tuấn, giáo viên Trường THPT Cầm Bá Thước, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa cho rằng: "Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp và các môn học tự chọn. Theo như quy định trên, từ lớp 10-12 sẽ thuộc vào giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Như vậy có thế khẳng định Chương trình GDPT 2018 cấp THPT theo định hướng phân hóa, hướng nghiệp rất rõ ràng. Bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp và các môn học tự chọn.

Dự thảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới: Giáo viên đề xuất phương án - Ảnh 2.

Học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Tào Nga

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi mang tính chất Quốc gia nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của tất cả học sinh cuối cấp trên cả nước nên việc lựa chọn các môn thi cho kỳ thi này chỉ có thể từ nhóm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc học. Về nguyên tắc không thể đưa các môn lựa chọn học của học sinh vào phương án thi tốt nghiệp được bởi việc chọn bất kỳ một môn nào trong các môn học lựa chọn học của học sinh cũng không thể đánh giá được chất lượng chung của tất cả học sinh trong cả nước. Đây là yếu tố bắt buộc của một kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ví dụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Trường THPT Chuyên Lam Sơn có kết quả trung bình các môn là 7,81 - xếp thứ 1 toàn tỉnh, trong đó môn Hóa có điểm trung bình là 6,76 - xếp thứ 45 toàn tỉnh. Trường THPT Thường Xuân 3 (trường miền núi cao của tỉnh) có điểm trung bình là 5,58 (xếp thứ 87), trong đó điểm trung bình môn Hóa của trường là 8,25 (xếp thứ 1 toàn tỉnh - lý do có 1 học sinh tham gia đăng ký thi). Trường hợp này là dẫn chứng rõ nhất cho việc nếu có bất kỳ 1 môn lựa chọn nào xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không có cơ sở để đánh giá được chất lượng và mặt bằng chung của học sinh cả nước.

Theo quan điểm cá nhân tôi để đảm bảo tính khoa học của chương trình mới, Bộ nên chọn 4 môn thi bắt buộc vừa đảm bảo được yêu cầu cốt lõi, vừa giảm áp lực cho hơn 60% học sinh chỉ xét tốt nghiệp, thậm chí còn giải được bài toán nan giải của các trường THPT khi xếp lớp, cân đối được đội ngũ giáo viên trong mỗi nhà trường, giúp học sinh có thời gian nhiều hơn cho các môn học sở trường của mình".

Có giáo viên đề xuất nếu chỉ có 3 môn bắt buộc thì vẫn giữ lại môn Lịch sử. "Môn Lịch sử thi bắt buộc cùng môn Ngữ văn, Toán. Nếu muốn giảm môn bắt buộc thì giảm môn tiếng Anh. Đưa tiếng Anh thành môn lựa chọn vì học sinh có điều kiện học tập sẽ chọn tiếng Anh thay vì 1 số môn khác. Còn học sinh vùng khó, vùng dân tộc, học sinh yếu về tư duy ngôn ngữ sẽ chọn môn khác thay môn tiếng Anh", cô Lê Ánh Hằng, giáo viên Trường THPT Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem