Đưa giáo dục công dân vào thi là chưa từng có trong lịch sử

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 09/09/2016 14:42 PM (GMT+7)
"Năm 2017, bài thi giảm mà môn thi lại tăng thêm 1 môn nữa là Giáo dục công dân, môn thi này chưa từng có trong lịch sử thi cử. Đầu tiên là thí sinh sẽ bị bỡ ngỡ về kiến thức cần học, sau đó là thiếu hụt về tài liệu ôn thi”...
Bình luận 0

Thầy Nguyễn Văn Tính – giáo viên bộ môn Toán tại TP.Thái Bình đã nhận định như vậy sau khi Bộ GD ĐT công bố dự thảo về Đổi mới phương án thi THPT và xét tuyển ĐH CĐ năm 2017.

Theo Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga, năm 2017, thời gian thi được rút ngắn xuống còn 2 ngày (so với trước là 4 ngày) trong khi đó, 8 môn thi trước đây sẽ chỉ còn gói trọn trong 5 bài thi, với hình thức thi trắc nghiệm, thời gian thực hiện các bài thì cũng rút ngắn sẽ làm giảm bớt áp lực căng thẳng cho thí sinh trong các ngày thi. Ngoài ra, việc chấm thi trắc nghiệm trên máy tính tiện lợi hơn sẽ giúp giảm bớt chi phí cho cán bộ chấm thi, máy tính chấm khách quan và đảm bảo không tiêu cực.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, thầy Nguyễn Văn Tính – giáo viên bộ môn Toán tại Tp Thái Bình cho rằng, có rất nhiều vấn đề... nhìn vậy mà không phải vậy. Cụ thể, theo thầy Tính, Bộ GD ĐT cho rằng thực hiện 5 bài thì là giảm tải nhưng thực ra lại là tăng số lượng môn thi.

Các năm trước, có 8 môn thi bao gồm: Văn, Toán, Ngoại Ngữ, Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa. Thí sinh thi với mục đich xét  tốt nghiệp chỉ bắt buộc thi 3 môn và 1 môn tự chọn. Thí sinh thi với mục đích xét tuyển ĐH CĐ hầu hết chọn tối đa cũng chỉ 5 – 6 môn thi. "Tuy nhiên, năm 2017, bài thi giảm mà môn thi lại tăng thêm 1 môn nữa là Giáo dục công dân, môn thi này chưa từng có trong lịch sử thi cử. Đầu tiên là thí sinh sẽ bị bỡ ngỡ về kiến thức cần học, sau đó là thiếu hụt về  tài liệu ôn thi” – Thầy Tính nói.

Ngoài ra, theo thầy Tính, hiện rất nhiều học sinh hoang mang vì chưa rõ cách xét tuyển ĐH của các trường năm nay như thế nào? Các trường sẽ dùng khối thi như năm trước để xét hay dùng tổ hợp bài thi? Nếu dùng tổ hợp môn thi như năm trước thì tách các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa ra khỏi bài thi tính điểm như thế nào trong khi số câu hỏi trắc nghiệm mỗi môn chỉ 20 câu?

img

Thí sinh còn rất nhiều băn khoăn xung quanh dự thảo thi THPT quốc gia năm 2017 (ảnh minh họa: internet)

Em Trần Thu Hà – Học sinh lớp 12 tại Việt Trì (Phú Thọ) cũng băn khoăn: “Đối với các bài thi trắc nghiệm như Lý, Hóa, Sinh trước đây cấu trúc đề mỗi môn gồm khoảng 50 câu làm trong thời gian là 90 phút bây giờ thi tổng hợp 3 môn đó 60 câu trắc nghiệm cũng 90 phút. Thời gian chỉ có vậy mà số câu hỏi tăng thì làm sao các em làm kịp được. Như thế không phải là giảm áp lực mà còn tăng nhiều hơn” – em Hà nói.

Thầy Đặng Việt Hùng – giáo viên tại trường học trực tuyến Moon.vn thì lo lắng, năm nay các bài thi đều thể hiện dưới dạng thi trắc nghiệm, đặc biệt môn Toán lần đầu tiên thực hiện việc này sẽ gây bỡ ngỡ rất nhiều cho học sinh. Theo thầy Hùng, mặc dù Bộ GD ĐT sẽ công bố đề thi mẫu nhưng các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sau khi thi sẽ được thu lại, thí sinh sẽ không còn bước giải đề thi để rút kinh nghiệm cho các khóa sau như trước nữa.

Cùng băn khoăn này, em Trần Thu Hà cho biết: “Nếu Bộ GD ĐT nói lấy các câu hỏi từ  ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội. Hai năm trước trường này tuyệt đối giữ bí mật các câu hỏi trong ngân hàng đề thi, như vậy, sau khi thi Bộ sẽ không còn bước công bố đáp án nữa, thí sinh làm cách nào để tin tưởng rằng kết quả chấm thi bài thi cuả mình khách quan khi không được đối chiếu?” – em Hà đặt câu hỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem