Đưa hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hiện đại nhất Việt Nam vào vận hành, nhiều vùng đất của "chảo lửa" Ninh Thuận hết khát
Đưa hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hiện đại nhất Việt Nam vào vận hành, nhiều vùng đất của "chảo lửa" Ninh Thuận hết khát
Đức Cường
Thứ hai, ngày 11/09/2023 13:33 PM (GMT+7)
Để giải bài toán khô hạn, Ninh Thuận đã cụ thể hóa hành động bằng các công trình thủy lợi. Đặc biệt, từ khi hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hoàn thành đã giải hạn cho nhiều vùng đất "khát", những cánh đồng nứt nẻ, khô hạn do thiếu nước ngày nào nay đã phủ một màu xanh mát rượi...
Thủy lợi Tân Mỹ tưới mát cho vùng đất khát nước ở Ninh Thuận
Một ngày đầu tháng 9, PV Dân Việt trở lại cánh đồng Chà Vum ở làng Chăm thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Tại đây, chúng tôi chứng kiến một màu xanh thăm thẳm trải dài ngút tầm mắt.
Nhìn cánh đồng lúa xanh rộng bạt ngàn, ít ai biết rằng những năm trước vùng đất này từng là nơi đồng khô cỏ cháy, đất đai khô cằn, nứt nẻ do thiếu nước sản xuất.
Đang tất bật chăm sóc ruộng lúa 5 sào (5.000 mét vuông) của gia đình, nông dân Đạo Văn Hạ ở làng Chăm thôn Lương Tri cho hay, trước đây khu vực này chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm còn lại là phơi đất cho nắng hạn do thiếu nước.
Thế nhưng, từ cuối năm 2021 đến nay, dòng nước mát từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tràn về đã "giải hạn" cho vùng đất "khát" nơi đây. "Nông dân chúng tôi mừng hơn bắt được vàng, không còn thấp thỏm lo thiếu nước tưới trong mùa nắng hạn nữa…", ông Hạ cho hay.
Cũng theo ông Hạ, có nước tưới quanh năm nên bà con rất phấn khởi sản xuất 3 vụ/năm. Việc sản xuất có tính chủ động nên năng suất lúa cũng tăng cao, bà con nơi đây ai cũng vui mừng. Nhà nhà rủ nhau ra đồng trồng lúa, không còn bỏ đất như trước.
Màu xanh đã phủ trên những cánh đồng khô cỏ cháy
Nhiều bà con trong vùng này cho biết, trước đây, việc sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nhiều người phải "tha hương cầu thực". Nay nhờ có nguồn nước quanh năm nên bà con rủ nhau "hồi hương" làm nông nghiệp sạch.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn cho hay, việc hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã hồi sinh những vùng đất khô cằn nơi đây.
Đặc biệt là ở cánh đồng Chà Vum rộng hơn 300ha. Có nước sản xuất, bà con nơi đây có thể sản xuất lúa 2 – 3 vụ/năm, trồng cỏ nuôi bò, trồng nhiều loại rau xanh khác. "Đời sống người dân vì thế ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương…", ông Tú cho hay.
Cũng hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là cánh đồng của đồng bào Raglai thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận).
Những năm trước, nơi đây cũng từng là tâm hạn lớn nhất nhì Ninh Thuận. Cây cỏ chết khô, nhiều đàn gia súc, gia cầm không có nước uống khiến nông dân chăn nuôi khổ sở trăm bề...
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện nay cho dù đang trong mùa khô nhưng bà con nông dân cũng không phải âu lo như trước bởi nguồn nước tưới đã có quanh năm. Nhờ có nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ xuôi về tuyến kênh TN9, TN11, TN13 đã "hồi sinh" hơn 40 ha đất nông nghiệp ở thôn Đồng Dày.
Bà Chamaléa Thị Thiêu ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung cho hay, trước đây khu vực này sản xuất rất khó khăn nên bà con chỉ sản xuất được một vụ vào mùa mưa, còn mùa nắng ruộng rẫy phải bỏ hoang do thiếu nước tưới. "Giờ nước về nhiều mát lắm, bà con không còn lo cây bắp chết khô nữa", bà Thiêu cho hay.
Những cánh đồng trù phú nhờ có nước
Ngược dòng sông cái lên các thôn Nha Húi, Phú Thạnh, Mỹ Hiệp, Phú Thuận xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn), PV Dân Việt có dịp chứng kiến một màu xanh bạt ngàn của cánh đồng mía, bắp, táo và cây đậu.
Nông dân Bùi Đức Tấn ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn( huyện Ninh Sơn) cho hay, cách đây hơn 2 năm ông phải đào ao tích nước để chạy máy dầu tưới cho 4,5 ha trồng mía và bắp vào mùa nắng hạn Việc chạy máy cứu cây trồng cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, mùa được mùa mất nên ông không mấy mặn mà.
Kể từ khi có nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ qua hồ chứa Cho Mo về các kênh nhánh, gia đình ông không còn nỗi lo về nguồn nước. Hệ thống nước được ông nối trực tiếp từ kênh nhánh về đất sản xuất.
"Giờ đây tôi chỉ cần mở van là nước đến chân ruộng, không cần phải tốn máy bơm như trước. Nước đến đâu, màu xanh đến đó, nước về giúp người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất…", ông Tấn phấn khởi cho hay.
Các đó không xa, nông dân Lương Thiên Trường đang tất bật lắp đường ống nước để tưới nhỏ giọt cho 1ha ớt vừa xuống giống.
Theo anh Trường, nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên anh quyết định thuê hơn 1ha đất hoang rồi cải tạo để trồng ớt xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Ông Trần Văn Hội – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết, nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tiếp nước về hồ Cho Mo để tưới trực tiếp cho 1.600ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã. "Hiện nay, ngoài hệ thống nước tự chảy thì các tuyến từ TM1 – TM10 của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã phủ khắp các cánh đồng trên địa bàn xã. Bà con chỉ việc đấu nối đường ống vào rồi mở van là nước tự chảy vào rẫy…", ông Hội cho hay.
Theo ông Trương Khắc Trí – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận, hiện nay nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã cơ bản giải quyết được bài toán khô hạn ở nhiều vùng phía Bắc của tỉnh như: Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải…
Cũng nhờ chủ động được nguồn nước nên bà con đã sản xuất được 2-3 vụ/năm, góp phần tăng thu nhập, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận trong thời gian tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận nằm trong khu vực khô hạn nhất nước. Để giải bài toán an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Bộ NNPTNT đã quyết định đầu tư cho tỉnh Ninh Thuận Dự án thủy lợi Tân Mỹ.
Công trình được khởi công năm 2010, nhưng đến 2011 tạm dừng. Đến năm 2015, tình trạng hạn hán gay gắt diễn ra, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NNPTNT đã hỗ trợ đầu tư khởi động lại dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
Công trình đầu mối hồ chứa nước có dung tích chứa 219 triệu m3 nước. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Dự án thủy lợi Tân Mỹ đưa vào sử dụng đã giải quyết bài toán an ninh nguồn nước cho tỉnh Ninh Thuận khi cung cấp nước cho toàn bộ khu vục phía Bắc và một phần phía Nam tỉnh Ninh Thuận thông qua hệ thống thủy lợi Đa Nhim - Lâm Cấm, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho toàn tỉnh.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, công trình có hệ thống kênh chính kín bằng đường ống thép dài 29km. Ngoài việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống này còn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ khác…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.