Đưa NGO đến vùng sâu, vùng xa

Thứ sáu, ngày 29/11/2013 08:41 AM (GMT+7)
Nâng cao vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang giảm đi, là chủ đề thảo luận tại Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác Việt Nam và các NGO được tổ chức tại Hà Nội ngày 28.11.
Bình luận 0
Khoảng 800 đại biểu đã tham dự hội nghị, trong đó có đại diện của 400 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ hợp tác với Việt Nam (VN). Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đưa ra 4 gợi ý để các đại biểu trao đổi, bàn biện pháp tăng cường quan hệ trong thời gian tới, gồm: Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển với VN trong giảm nghèo; tạo công ăn việc làm, cải thiện dịch vụ y tế, giáo dục, ngăn chặn dịch bệnh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; mở rộng sự giúp đỡ phát triển, xóa đói giảm nghèo; củng cố và tăng cường các cơ chế hợp tác với các cơ quan và địa phương của VN.

Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác Việt Nam và các NGO được tổ chức tại Hà Nội ngày 28.11.
Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác Việt Nam và các NGO được tổ chức tại Hà Nội ngày 28.11.

Tại hội nghị, các đại biểu nhận thấy các NGO gặp khó khăn khi hỗ trợ vùng sâu, vùng xa. Cụ thể là thủ tục hành chính phức tạp, năng lực cán bộ quản lý yếu, cơ sở hạ tầng kém, phương pháp, ngân sách từ các NGO chưa hiệu quả… Các đại biểu đã có những kiến nghị tích cực nhằm cải cách thủ tục hành chính giúp hỗ trợ các dự án của các NGO, tăng cường sự tham gia của các NGO vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục tại vùng sâu, vùng xa.

Phát biểu với báo chí bên lề hội thảo, ông Đôn Tuấn Phong –Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Hữu nghị VN cho biết, viện trợ phi chính phủ nước ngoài cũng giúp giới thiệu và nhân rộng khá nhiều mô hình phát triển rất có tác dụng với Việt Nam như mô hình khuyến nông, khuyến lâm, các mô hình tín dụng vi mô…

Trong 10 năm qua, số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ với VN tăng từ khoảng 500 tổ chức năm 2003 lên đến trên 950 tổ chức năm 2013. Số lượng các dự án được triển khai là hơn 28.000 dự án, với tổng giá trị giải ngân gần 2,4 tỷ USD.

Về việc gần đây, nhiều nước đã hủy các dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giảm nghèo cho VN, hoặc chuyển sang hình thức khác, ông Đôn Tuấn Phong cho rằng, VN đã bước sang giai đoạn mới, thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Theo ông Phong, việc VN trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp cũng làm cho một số nhà tài trợ khó khăn về mặt tiêu chí khi giúp đỡ VN. Ví dụ, một tổ chức chỉ có tiêu chí là hỗ trợ các nước có thu nhập thấp mà chúng ta lại là thu nhập trung bình thì về mặt tiêu chí là không phù hợp. Ông Phong nhấn mạnh, các NGO hoạt động tại VN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ viện trợ ODA, vì thế tác động có nhưng không phải là nhiều (khoảng 15%).

Ông Phong đặt ra câu hỏi: “Với việc giảm ODA, xét về mặt phát triển có thể tạo ra một khoảng trống về nhu cầu mà không được đáp ứng. Chúng tôi đang đặt câu hỏi đó có thể chính là việc mà chúng ta phải nâng cao vai trò của các NGO hay không? Hay khi ODA giảm vai trò của các NGO tăng lên chứ không phải giảm đi”.
Thúy Hằng (Thúy Hằng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem