Đây là khẳng định của ông Vũ Trọng Lợi - Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao (TDTT) Quần chúng, Tổng cục TDTT với NTNN về Hội thi trâu kéo khỏe và Giải đua ngựa phong trào nông dân phía Bắc 2015 sắp được tổ chức tại Bắc Ninh.
Ông có thể cho biết ý nghĩa của môn đua ngựa trong đời sống lao động, sản xuất của người dân?
-Các môn thể thao đều bắt nguồn từ lao động, sản xuất, chiến đấu, tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng… Ban đầu, đó có thể chỉ là trò chơi phù hợp với nhu cầu giải trí của con người, tăng cường vận động, cải thiện sức khỏe, chống lại bệnh tật. Và đua ngựa không nằm ngoài quy luật đó.
Pha nước rút quyết liệt tại một giải đua ngựa ở Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: I.T
Ở Việt Nam, đua ngựa có ở nhiều địa phương chứ không phải là môn thể thao của riêng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Ngựa là loài gắn liền cuộc sống lao động, người ta cưỡi ngựa đi chăn thả trâu, bò, các loại gia súc. Để hoạt động này hiệu quả hơn, người ta thấy cần thiết phải tập luyện, điều khiển ngựa cho thuần thục. Trong quá trình tập luyện mới nghĩ tới việc cần phải thi đấu, xem ai chăm sóc, huấn luyện, cưỡi ngựa giỏi hơn ai. Người giỏi nhất sẽ được cả cộng đồng tôn vinh...
Ông đánh giá thế nào về việc Báo NTNN phối hợp Trung tâm Du lịch văn hóa thể thao Phú Sơn tổ chức Hội thi trâu kéo khỏe và Giải đua ngựa phong trào nông dân phía Bắc 2015 ở Bắc Ninh vào đầu tháng 12 tới?
-Những năm qua, chúng tôi được biết Báo NTNN đã liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-thể thao, mang đến những “đặc sản” tinh thần cho nông dân cả nước như Giải bóng đá nông dân toàn quốc 2010, Hội chọi trâu Báo NTNN-huyện Phúc Thọ 2014, 2015, Hội chọi trâu Báo NTNN-Phú Sơn Bắc Ninh 2015. Việc Báo NTNN tổ chức Hội thi trâu kéo khỏe và Giải đua ngựa phong trào nông dân phía Bắc 2015 thật sự đáng quý, đáng trân trọng.
" Trước đây đã có những hội thi trâu kéo, song chưa có ai hay đơn vị, tổ chức nào thực sự tâm huyết, tìm hiểu, khơi dậy và phát triển nó. Báo NTNN làm được điều này thật đáng ghi nhận”.
Ông Vũ Trọng Lợi
|
Hiện nay, đua ngựa vẫn xuất hiện như một hoạt động nằm trong lễ hội của nhiều địa phương, nhưng quy mô nhỏ lẻ, phụ thuộc vào điều kiện của địa phương. Chỉ còn giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà (Lào Cai) là gây được tiếng vang.
Giải đua ngựa do Báo NTNN tổ chức ở Bắc Ninh năm nay có thể chưa huy động được ngựa từ nhiều địa phương khác trên cả nước tới so tài. Nhưng trong tương lai, với uy tín của Báo NTNN, chúng tôi tin sẽ huy động được nhiều nguồn xã hội hóa để tổ chức giải ở quy mô lớn hơn. Ngoài ý nghĩa duy trì, phát triển một hoạt động thể thao có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa, đua ngựa sẽ động viên nông dân thi đua chăm sóc, huấn luyện ngựa để cải thiện đời sống của chính mình.
Nhiều năm nay, các tệ nạn xã hội đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh ấy, những hoạt động thể thao như đua ngựa càng trở nên có ý nghĩa, thưa ông?
- Đúng vậy. Đua ngựa là môn rèn kỹ năng tổng hợp. Chỉ riêng việc ngồi vững trên yên ngựa đã là một vấn đề, cần biết cách giữ thăng bằng. Đua ngựa cũng thu hút được hàng chục nghìn người tới xem, qua đó khơi dậy niềm đam mê thể thao trong mỗi người dân.
Tùy vào khả năng của mình, mỗi người sẽ lựa chọn những môn phù hợp với bản thân để rèn luyện sức khỏe. Tôi ví dụ như ngoài đua ngựa, một số lễ hội còn có cuộc thi bắt vịt. Muốn bắt được vịt, trước hết cũng phải biết bơi đã… Hay cuộc thi câu cá thể thao những năm qua cũng thu hút được nhiều hội viên tham gia.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.