Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi đang mắc tất cả các căn bệnh của một lão già sắp chết"

Tuệ Lâm Thứ bảy, ngày 23/11/2024 10:28 AM (GMT+7)
"Tôi đang mắc gần như tất cả căn bệnh của một lão già sắp chết. Vì thế, tôi xin được nghỉ tất cả các chức vụ sớm hơn để tập trung chữa bệnh, lo việc cho vợ con và viết nốt những cuốn sách đang viết dở", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Bình luận 0

Nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ từ bỏ hết các chức vụ

Chia sẻ với Dân Việt, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng, ông hiện là người giữ nhiều chức vụ nhất nhì Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tếu táo: "Người ta bảo lắm chức thì nhiều của, nhiều quyền… tôi lắm chức thấy nặng, bước đi không nổi". Theo thống kê của nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông từng giữ đến 11 chức vụ cả chính lẫn phụ, cả có danh lẫn không có danh.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi đang mắc tất cả căn bệnh của một lão già sắp chết" - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tuyên bố sẽ từ bỏ hết các chức vụ. Ảnh: Tần Tần

Cụ thể, chức danh lớn nhất mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đang đảm nhận là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 2016 đến nay), Phó chủ tịch hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và cuộc sống. Ngoài ra, ông nguyên là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc Hệ Phát thanh có hình VOVTV của Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông đồng thời là Trưởng Ban Chung khảo, Hội đồng Giám khảo Quốc gia của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ với Dân Việt rằng, ông sẽ từ bỏ hết các chức vụ và công việc tại các tổ chức, đoàn thể để dành cho sự viết. Đã lâu lắm rồi, ông không có được sự thảnh thơi đúng nghĩa để thả hồn cho câu chữ văn chương.

"Tôi đã bỏ xa cái tuổi 65 và nhận thấy mình đã già lắm rồi. Tôi đã qua cả hai khóa Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Hội tôi đang mang trong mình rất nhiều loại bệnh và cả tật của người già nữa. Tôi đang mắc gần như tất cả các căn bệnh của một lão già sắp chết. Vì thế, tôi xin được nghỉ sớm hơn để tập trung chữa bệnh, lo việc cho vợ con và viết nốt những cuốn sách đang viết dở".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói lịch trình từ bỏ các chức vụ và công của ông như sau, năm Ất Tỵ (2025) này, ông sẽ xin nghỉ chức Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.

"Số cuối cùng tôi làm với tư cách Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống là số báo xuân Ất Tỵ. Sau đó Hội phải tìm người thay lão già này tiếp nối công việc ngay, để các nhà văn còn biết họ, hiểu họ và lựa chọn bầu họ vào BCH khóa mới hòng gánh vác công việc của Hội.

Sau đó, tôi tiếp tục trao chức vụ Bí thư Đảng bộ Hội Nhà văn Việt Nam và đến tháng 4/2025, nếu không có gì thay đổi, sẽ tiến hành Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam toàn quốc, tôi sẽ bàn giao nốt những chức vụ cuối cùng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để nghỉ hoàn toàn.

Tôi phải công khai, minh bạch nói rõ điều này như thế, vì hiện nay, đang bắt đầu Đại hội các chi hội Nhà văn cơ sở, mở đầu là Đại hội các nhà văn công an, khai mạc sáng nay (23/11), rồi sau đó lần lượt đến các chi hội cơ sở khác. Tôi phải nói để anh em hiểu rõ, không đề cử tôi, giới thiệu tôi vào Ban Chấp hành khóa tới, giành vinh dự cao quý đó cho các nhà văn trẻ. Ai thay tôi cũng sẽ tài giỏi hơn lão Khoa, giỏi hơn lão Khoa nhiều. Tôi tin chắc chắn như thế.

Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay rất vui. Cơ quan tôi là Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống cũng vui như Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc sống vốn rất tốt đẹp dù vô cùng vất vả, gian nan… nên mọi thứ vẫn phải tiếp diễn theo vòng quay của nó", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.

Cách điều hành kỳ lạ của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Một đồng nghiệp của nhà thơ Trần Đăng Khoa từng chia sẻ rằng, mặc dù giữ đến 11 vị trí trong các tổ chức và đoàn thể khác nhau nhưng nhà thơ Góc sân và khoảng trời làm việc rất nhẹ nhàng, linh hoạt.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi đang mắc tất cả căn bệnh của một lão già sắp chết" - Ảnh 2.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa có cách điều hành công việc rất linh hoạt, nhẹ nhàng. Ảnh: FBNV

"Thông thường, nếu không phải đi công tác các tỉnh, ông sẽ đến trụ sở Hội Nhà văn Hà Nội tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội làm việc. Nhà ông ở bên Gia Lâm, ông đi xe máy, vượt qua sông Hồng, qua vài con phố, dừng lại ở quán phở ngon quen thuộc và chỉ đến cơ quan lúc 9 giờ sáng, thậm chí muộn hơn.

"Thần đồng thơ" sẽ đủng đỉnh dựng xe, chào hỏi niềm nở từ ông bảo vệ cho đến bất cứ nhân viên văn phòng trẻ trung nào đó, hoặc một bác nhà văn già đến Hội thăm nom đồng nghiệp. Gặp ai hợp chuyện, Trần Đăng Khoa có thể ngồi ngay ở phòng khách tầng 1 văn phòng Hội để uống trà và trò chuyện ít nhất nửa tiếng rồi mới thong thả bấm thang máy lên tầng 5, tới văn phòng Ban Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.

Buổi chiều ông sang tầng 2 (văn phòng riêng dành cho Phó Chủ tịch Hội Nhà văn), nhưng các nhà văn, nhà thơ và khách khứa chẳng chịu buông tha, họ vẫn tìm ra ông để nghe trò chuyện, chụp ảnh, đòi ông đọc tác phẩm và viết lời giới thiệu sách".

Theo người này, dù có vẻ ngoài thư thái, thong dong… nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa lại có khả năng làm việc hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ qua cách ông điều hành Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Trong bối cảnh ngành báo chí gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính và suy giảm số lượng độc giả, việc duy trì một ấn phẩm in ấn định kỳ, không chỉ tồn tại mà còn phát triển là một thách thức lớn nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa đã làm được điều đó.

Dưới sự lãnh đạo của ông, tạp chí không chỉ giữ được sự ổn định mà còn đảm bảo được nguồn thu nhập đều đặn cho cán bộ và nhân viên, nhuận bút cho các tác giả. Ông không chỉ là một nhà thơ có tâm hồn nghệ sĩ mà còn là một người lãnh đạo có tầm nhìn và khả năng đưa ra quyết định chính xác trong môi trường kinh doanh phức tạp.

"Nhà thơ áp dụng một phong cách lãnh đạo mà nhiều người miêu tả là "quản lý mà như không quản lý". Thay vì áp đặt một khuôn khổ cứng nhắc, ông cho phép mỗi thành viên trong đội ngũ tự do phát huy sở trường và làm việc theo cách riêng. Điều này tạo nên một môi trường linh hoạt, nơi mỗi người có thể khám phá và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Trần Đăng Khoa không gò bó nhân viên vào các cuộc họp hoặc những quy trình làm việc phiền phức. Ông tin rằng mỗi cá nhân, khi được trao quyền và không gian, có thể tự chủ và tự giác đạt được mục tiêu mà không cần sự giám sát.

Có lẽ do Trần Đăng Khoa mang bản năng nghệ sĩ và thấu hiểu một điểm mấu chốt trong quản lý những người tài - đó là tạo không gian tự do cho họ tích cực sáng tạo và sự đổi mới được khuyến khích. Mặc dù có vẻ như là một cách tiếp cận lỏng lẻo song kết quả đáng kinh ngạc. Nhân viên không chỉ cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao, mà còn gắn bó và cam kết với công việc.

Nhà thơ đặt mình vào vị trí hỗ trợ và phục vụ nhân viên, thay vì chỉ đạo và kiểm soát. Điều này không chỉ thể hiện tầm nhìn về quản lý hiện đại mà còn phản ánh triết lý con người sâu sắc và nhân văn của ông", vị này kể thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem