Đua nhau nhận con nuôi, ông nội biến thành... cha

Thứ sáu, ngày 22/04/2011 14:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở Quảng Nam đang xôn xao những câu chuyện thật như đùa về việc nhận con nuôi. Từ việc này mà thứ bậc trong họ hàng bị xáo trộn: Cô, dì tự dưng thành mẹ, ông nội bỗng biến thành... cha.
Bình luận 0

Cháu thành... con

Chúng tôi về xã Quế Cường (Quế Sơn) - địa phương có 20 trường hợp nhận con nuôi “ngược đời” như thế. Bà Nguyễn Thị Ngân (SN 1935) - người đã nhận cả hai đứa cháu nội của mình là Nguyễn Phạm Duy Thịnh (SN 1993) và Nguyễn Phạm Duy Phước (SN 1996, cùng trú xã Quế Cường) làm con nuôi, bối rối muốn giấu sự việc khi chúng tôi hỏi thăm.

img
Bà Trần Thị Vang cho rằng việc nhận cháu mình làm con nuôi không phải để hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước (!?).

Nhưng rồi bà phân trần: “Thiệt tình cũng rất khó coi, nhưng nhà khó khăn nên làm thế để kiếm chút tiền cho cháu nó học.” Bà Ngân được Nhà nước công nhận có công với cách mạng, theo quy định, con của bà sẽ được hỗ trợ khi đi học. Khổ nỗi bà lại không có con đang đi học nên để “giúp” mấy đứa cháu nội nghèo đang tuổi ăn tuổi học lại không có tiền đóng học phí bà bèn nhận chúng làm... con.

Trường hợp em Nguyễn Phước Thiện (SN 1998, Quế Xuân 2, Quế Sơn) cũng tương tự như vậy. Cha Thiện thấy nuôi con ăn học vất vả quá mới tìm đến nài một người bà con trong tộc là ông Nguyễn Công Tuần (SN 1952, cùng trú Quế Xuân 2) từng tham gia cách mạng cho Thiện được làm con nuôi. Vậy là em Thiện từ hàng cháu chắt đã nhảy lên thành con ông Tuần. Nếu gọi cho đúng thì Thiện với cha là... anh em.

Các trường hợp chấp nhận “tréo ngoe” về tôn ti huyết thống, dòng họ như vậy, như nói ở trên là để được hưởng ưu đãi trong giáo dục. Theo quy định, những trường hợp con (kể cả con nuôi) các gia đình có công cách mạng, nếu đang học mẫu giáo sẽ được trợ cấp mỗi năm 200.000 đồng; cấp TH, THCS và THPT mỗi năm là 250.000 đồng. Khi vào trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học, cũng có hỗ trợ tùy theo.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Quảng Nam, đến thời điểm này đã phát hiện tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có 137 trường hợp vi phạm trong nhận con nuôi, số tiền đã chi cho các đối tượng này gần 500 triệu đồng.

Cán bộ tư pháp “mù” luật (!?)

Để xảy ra 137 trường hợp nhận người trong họ hàng làm con nuôi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ tịch UBND các xã, phường; cán bộ tư pháp xã, phường. Thậm chí những cán bộ này có dấu hiệu vi phạm Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Thượng tá Lê Văn Hồng - Phó phòng PC46 Công an tỉnh Quảng Nam- cho biết: “Theo Thông tư số 01 của Bộ Tư pháp, ban hành ngày 2.8.2008, “việc nhận nuôi con nuôi mà làm thay đổi thứ bậc trong gia đình (như trường hợp ông, bà nhận cháu hoặc anh, chị nhận em làm con nuôi), thì không giải quyết.”

Như vậy, để xảy ra 137 trường hợp nhận người trong họ hàng làm con nuôi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ tịch UBND các xã, phường; cán bộ tư pháp xã, phường. Thậm chí những cán bộ này có dấu hiệu vi phạm Điều 285 Bộ luật Hình sự”.

Tuy nhiên, khi trao đổi với NTNN thì những cán bộ này ai nấy đều chối bay, chối biến trách nhiệm. Ngày 21.4, ông Nguyễn Duy Trinh – Trưởng ban Tư pháp xã Quế Cường, người trực tiếp làm 18 bộ hồ sơ công nhận con nuôi sai quy định ở xã này, phân bua: “Ở xã có một mình tôi làm tư pháp nên việc thay đổi các quy định của pháp luật tôi không nắm rõ được hết (?)”.

Ông Đoàn Xuân Hòa – cán bộ tư pháp xã Duy Hải (Duy Xuyên) cũng nói tương tự: “Chúng tôi không lường trước được vấn đề. Do có nhiều sự thay đổi trong các quy định về thủ tục nhận con nuôi nên chúng tôi không nắm bắt kịp thời”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những sai phạm về nhận con nuôi của các cán bộ liên quan nhiều khả năng là “huề cả làng”, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm. Và tiền đã chi sai cho những trường hợp này cũng không thể thu hồi đồng nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem