|
Nông dân xã Chiềng Đông, Yên Châu phá ngô vì không có hạt. |
Trồng ngô làm... cỏ cho bò !
Trên chiếc xe trâu kéo chở đầy ắp những thân ngô héo rũ vừa chặt từ nương về, anh Quàng Văn Lăm ở bản Luông Mé xã Chiềng Đông (Yên Châu, Sơn La) nói như khóc: “Chết đói đến nơi rồi. Lúa đã mất mùa, ngô lại không có hạt.
Hàng ngày tôi phải đi chặt ngô về cho trâu, bò ăn". Nhà anh chỉ trông chờ vào vụ lúa chiêm xuân và ngô xuân hè nhưng vụ lúa này do thiếu nước thất thu. Nay cây ngô lại bị triệt phá đi, nguồn lương thực cho gia đình anh bị đe doạ nghiêm trọng.
Vựa ngô liên huyện vùng ngã ba Tà Làng với diện tích hàng nghìn ha cũng đang trong tình trạng chặt thì tiếc, để cũng không xong. “Mưa muộn quá, để thì chưa chắc đã được ăn gì. Trâu, bò ăn không kịp nên hơn chục ngày nay, mỗi ngày tôi chỉ chặt mấy trăm cây, cả vùng này đều thế cả" - bà Lò Thị Hương ở Lóng Phiêng cho biết.
Bên vườn ngô tại chân dốc Chiềng Đông, chị Hoàng Chị Thơm lắc đầu: “Mưa muộn thế này chỉ làm khổ mình thêm thôi chứ có cứu được ngô đâu. Muốn đi cắt cây về cho trâu bò thì lại đất trơn, dễ ngã”.
Ông Lò Văn Định, nông dân bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, Mai Sơn, cho biết: Nhà ông trồng khoảng 2ha ngô nhưng đến nay đã chết khô mất nửa ha, số còn lại bị ảnh hưởng nặng, bắp không có hạt hoặc có rất ít mà hạt lại lép. “Nhà tôi cũng chặt dần cho trâu, bò ăn nhưng nay thấy mưa, lại tiếc.
Chả biết để lại có thu được thêm gì không nhưng nếu chặt đi thì trồng cây gì vào đấy? Dân trong xã này đang hoang mang như thế cả, chưa biết làm thế nào mà chính quyền thì cũng chưa có định hướng gì cho chúng tôi” - ông Định thở dài. Gia đình ông năm nay mất hơn nửa sản lượng, tương đương trên 10 tấn ngô, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
Lục tìm trong đống ngô vừa chặt về cho trâu, bò ăn, anh Hoàng Văn Lửa ở bản Chiềng Đông nắn những bắp nào cứng thì bẻ ra để riêng vào rổ để tận dụng luộc ăn hoặc để dành cho gà.
Nhưng bắp có hạt cũng chẳng được bao nhiêu. “Nhà tôi trồng hơn 1ha ngô nhưng vụ này coi như mất trắng. Muốn trồng lại ngô đông hoặc đậu tương nhưng bây giờ không có vốn nữa. Đi vay cắm nợ thì các chủ nợ không cho vay tiếp vì nợ cũ của vụ này không có khả năng trả được” - anh Lửa than thở.
Lý giải về tình trạng hoãn cho dân vay nợ tiếp trong vụ mùa này, anh Nguyễn Văn Sứ - một trong những chủ của hàng trăm "con nợ" ở khu vực ngã ba Tà Làng Thấp (Yên Châu), cho biết: “Mỗi năm chúng tôi tung ra hàng tỷ đồng vốn để cho dân vay theo kiểu bán chịu phân bón, giống... Tất cả trông chờ vào vụ ngô xuân hè để trả nợ. Nay dân đồng loạt phá ngô, đến chủ nợ như chúng cũng có nguy cơ phá sản vì không thu được vốn, nói gì đến cho vay tiếp”.
Giải pháp vẫn ở ... trên trời
Ngô Sơn La chiếm tới 80% sản lượng ngô vùng Tây Bắc và là nguồn thu chủ yếu của nông dân Sơn La. Nay vụ ngô thất bát, khả năng đói nghèo đe doạ tới cả nghìn hộ dân. Bà Nguyễn Thị An - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về ngô bị hạn, nặng nhất là 7 xã dọc trục quốc lộ 6 nhưng số liệu cụ thể ra sao thì chưa biết vì huyện vừa triển khai các cơ sở thống kê để báo cáo tỉnh và tìm giải pháp khắc phục”.
Nhận được những thông tin về nông dân đang phá ngô ngay cả khi trời đã cho "mưa vàng", ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, thành thật: Rất cảm ơn báo NTNN đã thông tin cho chúng tôi biết về việc này. Chúng tôi sẽ báo cáo ngay với lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh để có giải pháp tháo gỡ cho nông dân".
Thanh Hoá: Mưa nhưng không cứu được lúa
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh?Hoá, rạng sáng ngày 14-7, tại Thanh?Hoá đã có mưa nhưng lượng mưa lớn nhất chỉ đạt 62,2ml. Ông Mã Văn Gần- Chủ tịch UBND xã Nga Thạch, nơi có diện tích lúa chết lớn nhất nhì của huyện Nga Sơn, cho biết: Lượng mưa này chưa thấm vào đâu. Nếu trong những ngày tới lượng mưa không tăng thì tình hình lúa chết vẫn diễn ra và Nga Thạch sẽ phải gieo cấy lại toàn bộ diện tích lúa. Tính đến ngày 12-7, chỉ riêng 6 huyện ven biển Thanh Hoá đã có 4.165ha lúa bị chết cháy hoàn toàn do khô hạn kéo dài và bị ảnh hưởng nhập mặn”
Thế Lượng
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.