Đua nhau phá rừng - Kỳ 1: Khóc rừng

Thứ hai, ngày 28/05/2012 07:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm 2007 đến nay, hàng chục ngàn ha rừng ở xã biên giới Mo Ray, tỉnh Kon Tum đã được tẩy trắng, chuyển sang trồng cao su. Hàng ngàn khối gỗ rừng bị đốt, bỏ vùi lấp.
Bình luận 0

Mo Ray tháng 4 trời như đổ lửa. Vậy mà cái nóng ấy còn được tăng nhiệt lên gấp bội bởi sự trơ trụi của rừng và chốc chốc một chiếc “4 chân” (loại xe tải trọng nặng có 4 trục) lại xới bụi lên trời để đưa gỗ về phố.

img
Một bãi chôn, đốt gỗ trong phần đất Duy Tân trồng cao su.

Sợ mất, dân tự chia… rừng

Từ lộ 14C, chỗ đầu làng Tang, xã Mo Ray có một con đường mới mở thênh thang chạy thẳng vô rừng. Con đường này chạy vào tiểu khu 675 (thuộc lâm phần của Lâm trường Mo Ray 2) rồi qua các dự án trồng cao su của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Duy Tân (Duy Tân) đến tận huyện Ia Grai (Gia Lai).

Cách lộ 14C hướng vào rừng chừng 1km chạy miết đến suối của xã Ea Sal là khu rẫy của làng Tang. Người dẫn đường, ông Ksor Trào - Trưởng làng Tang, cho biết, trước đây, rẫy của làng chỉ có một khóm ở phía ngoài. Nhưng từ khi Duy Tân đánh dấu đỏ trên cây, sợ mất đất nên cả làng kéo vào chiếm lại đất. Thấy gỗ rừng ngổn ngang trên nhiều nương rẫy, tôi thắc mắc: “Dân phá rừng thế này mà không ai nói gì sao”, ông Trào phân bua: “Đất cũ của làng Tang mà”.

Ngay bên suối Ea Sal, bà Y Quý dựng một ngôi nhà gỗ và kéo cả gia đình vào ở luôn trong đó để giữ đất. Bà Quý kể, để có miếng rẫy này, bà phải “sống chết” với Duy Tân. Chỗ rẫy của bà Quý rừng bằng lăng với những cây gỗ có đường kính từ 20- 50cm nằm san sát nhau. Ngoài một khoảnh rừng “để dành dưỡng già” trước nhà rộng chừng vài trăm mét vuông còn cây đứng, toàn bộ khu rẫy đã được “cạo” sạch sẽ.

Qua khoảnh rừng của bà Quý, một rừng bằng lăng khác với những gốc cây to quá người ôm nằm khin khít nhau cũng bị hạ trụi, đốt trắng, nhường chỗ cho cao su mọc lên. Theo bà Quý đấy là chỗ của ông Lực. Còn phía sau nhà bà Quý là “lãnh địa” của ông KLơu. Có vẻ như neo người nên chỗ ông KLơu vẫn còn ngổn ngang cây rừng bị đốt cháy đen chưa được dọn dẹp…

Nói chung, từ chỗ bà Quý trở ra là đất của làng Tang. “Đất của làng Tang” rộng thênh thang ước đến vài trăm ha, trước vốn là rừng tái sinh còn giờ là rẫy sắn. Lấy suối Ea Sal làm “biên giới”, bên này suối (thuộc TK 765) là “đất của làng Tang”, còn bên kia là của Duy Tân. Theo người dân thì cách đây 20 năm làng Tang đã từng làm rẫy ở đây nên nó nghiễm nhiên là của họ. Vậy nên họ tự thỏa thuận với nhau chia ra mà làm. Thực ra, làng Tang không thiếu rẫy, nhưng cứ lấy trước cho chắc, làm không nổi thì đem cho thuê.

Biến rừng thành than

Từ nhà bà Quý bước qua khỏi suối là “lãnh địa” của Duy Tân. Ngay trên bờ suối có một trạm bảo vệ có cây sào khoanh đỏ- trắng chắn ngang đường. Chồng bà Quý bảo, người lạ qua đó khó lắm, ngay cả người trong làng như ông mà cũng bị hạch.

Theo chồng bà Quý: “Bọn nó, kiểm lâm chẳng phải, bảo vệ cũng không đúng. Bảo vệ gì mà cứ trần trùng trục đứng chặn người vào. Trên người chúng lại xăm con hổ, con rồng, ăn nói giọng đầu gấu, dân làng sợ lắm”.

Sau khi được “tư vấn” tôi quyết định cải trang thành người thuê rẫy. Nhưng để tránh gặp khó khăn tôi chọn cách đi dọc Ea Sal (bởi theo người dân thì con suối này 2 năm nay chẳng còn nước nữa) để vào khu “lãnh địa” của Duy Tân. Nhưng cũng nhờ đi đường vòng, tôi mới chứng kiến được hết cảnh rừng bị tàn phá đến nhường nào và hiểu nguyên do vì sao Ea Sal không còn nước.

Chẳng thể nào đo đếm được có bao nhiêu cây rừng bị chôn vùi bên bờ suối. Suốt dọc đường tôi đi, bên mép suối dài hàng km thuộc phía Duy Tân chẳng biết có bao nhiêu cây rừng, nhiều cây to quá người ôm, bị đánh bật gốc chôn vùi dưới suối, nhiều nơi gỗ chắn luôn dòng chảy của Ea Sal. Những chỗ do gỗ trồi lên mặt đất quá nhiều người ta lại chọn cách đốt bỏ.

Chẳng thể nào đo đếm được đã có bao nhiêu gỗ rừng ở Mo Ray đã bị đốt bỏ, vùi lấp; trong khi doanh nghiệp chất gỗ đốt bỏ, vùi lấp dưới suối thì người người dân cũng đua nhau hạ rừng làm rẫy.

Nhưng cảnh tượng ấy còn xót xa hơn khi đi sâu vào phần đất của Duy Tân. Ở đấy, hàng loạt bãi gỗ với đủ loại lớn nhỏ, có cây có đường kính đo được gần 3 gang tay, được chất đống đốt cháy nham nhở. Chỉ nhìn phần gỗ còn lại sau khi đốt ở một vài điểm như thế cũng đã đủ để xót xa cho tài nguyên quốc gia.

Trong khi người dân Mo Ray thì than vãn, từ xưa đến nay, muốn lấy một cây gỗ ra khỏi rừng để sửa nhà họ phải rất mệt mỏi vì công đoạn xin- cho thì có người cho rằng việc đốt lấp gỗ như nói trên là chuyện phải làm.

Trong buổi làm việc với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Kim Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, đã tỏ ra rất cố gắng để cho chúng tôi thấy việc đốt bỏ gỗ là bình thường dù tất cả các ý kiến của ông đều bắt đầu bằng từ “có thể”.

Ông Phương cho biết mình chưa hề được báo cáo về hiện tượng này, nhưng cho rằng đó có thể chỉ là một vài trường hợp rất nhỏ. Theo ông Phương thì đó chỉ là những cây gỗ rỗng ruột hoặc phi mục đích mà nếu mang ra ngoài không lợi bằng việc đốt bỏ. Tuy nhiên ông Phương cũng cho rằng lẽ ra, việc làm này (để cho doanh nghiệp đốt gỗ) thì các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải có ý kiến.

Kỳ 2: Độc chiêu phá rừng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem