Đưa nông sản đến tay khách du lịch

Thứ bảy, ngày 15/03/2014 16:58 PM (GMT+7)
Tất cả các sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Ninh đều phải được đưa vào các điểm bán hàng. Điểm bán hàng sẽ tập trung ở các chợ lớn, khu du dịch, điểm dừng chân đưa đón khách du lịch để thuận lợi cho việc tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm.
Bình luận 0
Đây là yêu cầu của ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại phiên họp lần thứ nhất của Ban điều hành Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (viết tắt là OCOP) vào sáng 11.3.

Xây dựng hệ thống bán hàng OCOP

Phát biểu cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu đánh giá: Chương trình OCOP là một trong những nội dung cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn Quảng Ninh. Chỉ trong một thời gian ngắn, các địa phương đã bắt nhịp và tích cực triển khai đề án. Tuy nhiên, để Chương trình OCOP trong năm 2014 đạt được kết quả tốt nhất, ngay trong tháng 3.2014, các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh cần phải tập trung hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng sau: Hoàn thiện tổ chức bộ máy của ban điều hành các cấp; rà soát lại các nhóm sản phẩm mang tính đặc trưng riêng, loại các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu ra ngoài Chương trình OCOP và hạn chế các sản phẩm tươi sống chưa qua chế biến; hoàn thiện thiết kế bộ nhận diện chương trình và chốt danh sách phát triển sản phẩm OCOP của từng địa phương.

Đối với việc xây dựng, hình thành hệ thống bán hàng OCOP, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu hệ thống bán hàng phải đáp ứng những tiêu chí cơ bản như: Tất cả các sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Ninh đều phải được đưa vào các điểm bán hàng; điểm bán hàng sẽ tập trung ở các chợ lớn, khu du dịch, điểm dừng chân đưa đón khách du lịch để thuận lợi cho việc tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm. Song song với những việc nêu trên, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống bán hàng OCOP ở ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Ban điều hành OCOP tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định số 270/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 21.1.2014. Sau đó, Ban điều hành đã thành lập 4 tiểu ban trực thuộc. Kế hoạch năm 2014 được xây dựng dựa trên kế hoạch tổng thể giai đoạn 2013-2016 với các nội dung trọng tâm: Tuyên truyền và truyền thông về Chương trình OCOP; thành lập hệ thống tổ chức bộ máy chương trình; hình thành hệ thống điểm bán hàng, xúc tiến thương mại; tổ chức trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại Lễ hội Du lịch Hạ Long năm 2014 và Hội chợ Thương mại cuối năm 2014 tại TP.Hạ Long...

Người dân đóng vai trò chủ đạo

Với việc triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” xuống cấp huyện và cấp xã, Quảng Ninh kỳ vọng chương trình này sẽ trở thành một trong những nội dung cốt lõi, mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Động lực cơ bản để Chương trình OCOP phát triển bền vững chính là phải đặt người dân nông thôn vào vị trí trung tâm của quá trình triển khai, phát triển mọi hoạt động.

Trách nhiệm của các chủ thể tham gia OCOP cũng đã được Ban điều hành đề án làm rõ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính quyền các cấp (UBND cấp huyện, xã): Hình thành, quản lý hoạt động cho các bộ phận, cá nhân thuộc hệ thống tổ chức OCOP cùng cấp; ban hành và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ; phân bổ, điều chỉnh các nguồn lực thực hiện; tuyên truyền về OCOP qua hệ thống của mình; tổ chức cuộc thi sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm thi cấp tỉnh.

Các tổ chức chính trị - xã hội - ngành nghề: Liên minh các HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Xây dựng và phát triển tổ chức HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong đề án; Hội Nông dân: Chịu trách nhiệm tuyên truyền và động viên các hội viên tham gia đề án; các trường dạy nghề trong tỉnh: Tham gia đào tạo các ngành nghề liên quan đến dự án, quản trị kinh doanh, tiếp thị cho các cộng đồng tham gia dự án.

Người dân, tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, HTX) đóng vai trò chủ đạo trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Người dân và tổ chức kinh tế chính là người phát hiện ra tiềm năng của quê hương mình, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh nhất, đồng thời lập kế hoạch để phát triển, tập trung sản xuất, chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Minh Tuấn - Thu Nga (Minh Tuấn - Thu Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem