Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 2): Nông dân xuất sắc nổi danh trên “chợ ảo”

Trần Quang Thứ ba, ngày 17/08/2021 10:19 AM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 xuất hiện làm ảnh hưởng đến hoạt động mua bán truyền thống, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp tại các tỉnh, thành đã nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi sang giao dịch trên các kênh "chợ ảo" (bán hàng qua mạng xã hội) mang lại hiệu quả cao.
Bình luận 0

Nông dân Việt Nam xuất sắc nổi tiếng trên "chợ ảo"

Dù đang trong thời điểm dịch Covid-19 nhiều nông dân tại các vùng đang khốn đốn vì sản phẩm làm ra ế ẩm thì Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 Phan Văn Miền (ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình) vẫn bận rộn với công việc sản xuất và giao dịch với khách hàng trên "chợ ảo". 

Trang trại của ông Miền có quy mô lớn nhất nhì ở Yên Mô với nhiều loại con đặc sản như vịt trời, gà Đông Tảo, gà chọi, cá, lợn...

Trước đây, đa phần các sản phẩm làm ra ở trang trại của ông Miền đều dùng phục vụ thượng khách tại các nhà hàng của gia đình, nhưng từ khi xuất hiện đại dịch, ông đã sang nhượng địa điểm kinh doanh và chuyển sang bán hàng qua mạng xã hội.

"Thời thế đã thay đổi, nông dân chúng tôi cũng phải nhanh chóng thích ứng với công nghệ mới tồn tại và phát triển được" - ông Miền nói.

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 2): Nông dân xuất sắc nổi danh trên “chợ ảo”  - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Miền livestream giới thiệu, bán đàn gà chọi tại trang trại của gia đình ở Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Trần Quang

"Dịch Covid-19 cũng là giai đoạn để HTX điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức. Bán hàng qua mạng cũng đã tạo được hiệu ứng tương tác, giúp HTX dễ dàng nắm bắt nhu cầu cũng như cung cấp các mặt hàng, góp phần ổn định doanh thu".

Ông Vũ Tiến Sỹ - thành viên HTX Hải Đăng

Từng dùng Facebook, Zalo nhiều năm nên ông Miền tìm hiểu được nhiều tính năng, phương thức hoạt động của "chợ ảo" để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

 Vừa chủ động chụp ảnh, quay clip các sản phẩm giới thiệu, rao bán trên trang cá nhân "Miền Phan" và "Phạm Hương", hai vợ chồng ông Miền vừa tích cực tương tác, trả lời đối tác, khách hàng nhanh, kịp thời chốt các đơn hàng liên tục.

 "Là mạng ảo, mọi người kết nối với nhau qua không gian ảo nhưng chỉ cần mình chân thành và làm thật, bán hàng thật, chất lượng thì sẽ tạo được uy tín với khách hàng" - ông Miền chia sẻ.

Vào những ngày này, ông Miền thường xuyên livestream (trực tiếp trên mạng) giới thiệu, bán gà chọi, lợn giống, thịt dê tươi, thịt chế biến... mà mỗi lần đều thu hút hàng trăm lượt người theo dõi, mua hàng.

Sau khi chốt xong các đơn hàng, vợ chồng ông Miền lại loay hoay đóng hàng con giống, thực phẩm để gửi xe, chuyển phát nhanh cho khách.

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 2): Nông dân xuất sắc nổi danh trên “chợ ảo”  - Ảnh 3.

Ông Miền chăm sóc gà trống chọi dùng để nhân giống cung cấp cho khách tại trang trại của mình. Ảnh: Trần Quang

Nhờ sự nhạy bén, thích ứng nhanh với mô hình bán hàng kiểu mới nên từ khi xảy ra dịch đến giờ, trang trại của ông Miền vẫn hoạt động bình thường, các sản phẩm làm ra dễ bán. Thậm chí có thời điểm gà, lợn nuôi đủ cung cấp cho khách hàng. 

Từ đầu năm đến giờ, trang trại của ông Miền đã cung cấp trên 1.000 gà chọi với giá trị khoảng 100.000 đồng/con (gà chọi phục vụ người chơi lễ hội truyền thống tại các địa phương), cùng hàng nghìn con lợn giống, hàng tấn chả cá... 

"Hiện, trang trại vẫn còn gần 1.000 con lợn giống, trên 300 con gà chọi giống cao cấp, cũng có nhiều khách đặt nhưng gia đình chưa dám nhận lời" - Nông dân xuất sắc Phan Văn Miền bộc bạch.

Trong thời điểm giá lợn hơi giảm sâu, nhiều chủ trang trại ở địa phương chịu thua lỗ nặng thì trang trại của ông Miền vẫn duy trì trên 700 lợn thương phẩm, với giá xuất bán hiện tại khoảng 56.000 đồng/kg, gia đình vẫn đảm bảo có lãi trên dưới 1 triệu đồng/con.

Cần gỡ khó cho nông dân

Trước đây, HTX Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) thường bán hàng theo phương thức truyền thống, lượng khách đến lấy hàng trực tiếp khá đông. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, HTX tăng cường bán hàng qua website, mạng xã hội cập nhật các sản phẩm của HTX với giá cả, nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng nên thu hút được nhiều khách hàng đặt mua, doanh thu từ bán hàng online cũng tăng hơn so với trước.

Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 2): Nông dân xuất sắc nổi danh trên “chợ ảo”  - Ảnh 4.

Ông Phan Văn Miền đăng status bán gà trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình).

Ông Vũ Tiến Sỹ - thành viên HTX Hải Đăng cho biết, HTX đã đăng bán các mặt hàng trên website của HTX như: Nấm, trứng gà, gà thịt, gà giống, rau… Khách hàng chỉ việc lựa chọn các mặt hàng cần mua trên website thông qua đặt hàng hoặc gọi điện trực tiếp sẽ được HTX tư vấn, chọn mua sản phẩm rồi được giao đến tận nhà, tiết kiệm chi phí, thời gian của người mua, hạn chế đi lại và tập trung đông người trong mùa dịch Covid-19.

Để việc kinh doanh online của các doanh nghiệp, HTX, nông dân chuyên nghiệp và bài bản, hạn chế rủi ro, ông Vũ Tiến Sỹ và ông Phan Văn Miền đều có chung kiến nghị là các cấp, các ngành địa phương và trung ương cần tiếp tục nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như khả năng ứng dụng thương mại điện tử vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp người dân làm ăn hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp cũng đề nghị Nhà nước sớm cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho người dân, các doanh nghiệp, HTX để làm ăn lớn hơn.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem