Nói về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Nếu như chờ đợi đến khi có SGK mới thì không biết đến bao giờ trong khi dư luận và bối cảnh mới đang đòi hỏi cần nhanh chóng làm rõ.
Chúng ta có thể có những biện pháp tăng cường trong thời gian tới như có thêm phần phụ lục, hướng dẫn thêm cho giáo viên để họ bổ sung vào giáo trình giảng dạy trên lớp. Những bài học về chiến tranh sẽ giúp chúng ta phát triển hòa bình hữu nghị vì vậy không nên e ngại. Hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, Pháp chúng ta giải dạy rất đầy đủ nhưng hiện vẫn có những quan hệ tốt, tại sao với Trung Quốc lại không thể?”
Đồng tình với quan điểm này, thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: “Một điều rất lạ là chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ thường xuyên, thường trực của dân tộc ta hàng ngàn năm qua, tại sao nhắc đến chiến tranh chống các vương triều phong kiến Trung Quốc trước đây và cuộc chiến tranh biên giới 1978, 1979 là bị xem là “ nhạy cảm”, là ảnh hưởng đến quan hệ Việt Trung, là tác động không tốt đến “vấn đề đại cục” trong xu thế hội nhập, khu vực hóa, toàn cầu hóa ?” – thầy Hiếu đặt câu hỏi.
Những người lính đầu tiên bảo vệ đất nước là bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Ảnh tư liệu/Vnexpress
Theo thầy Hiếu, sự thật lịch sử bao giờ cũng là sự thật, càng che đậy, giấu diếm thậm chí viết không đúng thì sẽ tạo nên hiệu ứng trái chiều, phản giáo dục. Bây giờ không nên đặt ra vấn đề “nếu hay không”, mà phải kịp thời chỉnh sửa, bổ sung những kiến thức cơ bản đó vào chương trình giảng dạy môn Lịch Sử.
Thầy Hiếu cũng cho rằng, không thể chờ đến khi có SGK mới mà: “Trước tiên Bộ GD ĐT nên có những công văn chỉ đạo và hướng dẫn về cho các Sở GD ĐT bổ sung những kiến thức đó vào chương trình giảng dạy môn Sử thông qua việc lồng ghép kiến thức liên quan của từng cấp học, khối học; có thể tổ chức thêm các chương trình ngoại khóa, chuyên đề theo từng chủ đề phù hợp hoặc học tập, tham quan tại các trung tâm triển lãm, bảo tàng tại địa phương.
Sau khi Bộ công bố Chương trình phổ thông tổng thể, Bộ nên phối hợp với các chuyên gia của Hội KHLS bàn bạc và hoạch định nội dung cụ thể nên sửa chữa, bổ sung nhưng thiếu sót như thế nào, thêm phần gì và bớt phần gì cho phù hợp với lưu lượng, thời gian số tiết học theo quy định”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.