Đưa thực phẩm sạch “đến tận mâm” người tiêu dùng Tết 2018

Thu Hà Thứ sáu, ngày 15/12/2017 10:25 AM (GMT+7)
Nhằm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền trên cả nước đến với người dân Thủ đô, Ban chỉ đạo Chương trình “Bữa ăn an toàn” TP.Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai “Tuần lễ An toàn thực phẩm Tết 2018” trên địa bàn TP.Hà Nội.
Bình luận 0

Nỗi lo ATTP mỗi mùa tết đến

Dịp cuối năm và Tết cổ truyền, ngoài nỗi lo về giá cả “leo thang”, người tiêu dùng còn đang phải đối mặt với nỗi lo về các loại thực phẩm “bẩn” và hàng hoá không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…

img

Người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm tại các hội chợ, triển lãm có truy xuất được nguồn gốc. Ảnh: S.N

Ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội: Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến kinh doanh thông qua việc lấy mẫu giám sát điều kiện an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 899 mẫu sản phẩm do Hà Nội sản xuất và các tỉnh mang tới. Đến nay, đã có kết quả kiểm nghiệm 810 mẫu, trong đó 71/541 mẫu phát hiện vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chiếm 8,76% các mẫu vượt ngưỡng cho phép ở các tỉnh: Bắc Giang, Lào Cai…

Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên địa bàn Hà Nội vào những tháng cuối năm, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại từ bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, nông sản. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ… cũng có không ít các loại hàng hóa thực phẩm được nhập khẩu tràn lan, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn. Điều này khiến cho người tiêu dùng cảm thấy lo lắng nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Hòa An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Hàng hóa thì đa dạng nhưng rất khó lựa chọn vì nhiều mặt hàng, chủ yếu là thực phẩm, nông sản rất khó truy xuất được nguồn gốc. Tôi chỉ dám mua hàng ở những nơi quen biết, nhưng cũng không chắc mình mua được toàn bộ là hàng hóa bảo đảm chất lượng”.

Còn chị Nguyễn Thị An Tâm, quận Cầu Giấy lại chỉ tin tưởng mua thực phẩm tết từ người quen tự làm, hoặc tại các cửa hàng thực phẩm sạch và nói không với các loại thực phẩm, hoa quả bán tràn lan ngoài thị trường. Theo chị Tâm: “Thực phẩm handmade của bạn bè, người quen làm hay trong các siêu thị, chuỗi cung cấp lớn thì yên tâm hẳn vì mình biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và cũng thấy hài lòng về chất lượng”.

 Không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn là tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Hà Nội trong những ngày tết. Và rõ ràng lo lắng đó của họ là có cơ sở khi mà cận tết, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện số lượng lớn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị được tung ra phục vụ thị trường tết. 

Đưa đặc sản các vùng miền về hội tụ

Trước nhu cầu tăng cao, các hội chợ, tuần lễ mua sắm an toàn … là một cách đưa các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đến tận tay người tiêu dùng. Theo đó, “Tuần lễ an toàn thực phẩm Tết 2018” sẽ diễn ra từ ngày 1 – 7.2.2018, tại Khu đô thị Royal City, Hà Nội. Dự kiến sẽ có 200 gian hàng tại “Tuần lễ an toàn thực phẩm Tết 2018”, trong đó có 100 gian hàng của Hà Nội và 100 gian hàng của các tỉnh, thành trên cả nước. Ban tổ chức bố trí các khu giới thiệu và bán thực phẩm an toàn có kiểm soát.

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố kết nối, cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở NNPTNT đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản khi đưa về tiêu thụ tại Hà Nội theo chuỗi. Sở NNPTNT đã xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QRcode cho 250 dòng sản phẩm, trong đó có sản phẩm đến từ các tỉnh.

Bà Hồ Thị Mai Chinh - Chủ nhiệm Chương trình “Bữa ăn an toàn” cho biết: Tuần lễ được tổ chức với mục tiêu kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm và tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều như rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, dịch vụ ăn uống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem