Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, cho biết: "Các trường đại học Việt Nam hiện nay đang nỗ lực tăng cường năng lực ngoại ngữ cho sinh viên qua nhiều hoạt động khác nhau. Về xây dựng chương trình đào tạo, nhiều trường đã xây dựng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, xuất sắc trong đó giảng dạy hoàn toàn hoặc một phần bằng tiếng Anh hoặc bằng một ngoại ngữ khác. Đây là hoạt động đào tạo góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng sử dụng ngoại ngữ vì sinh viên phải nghe giảng, trao đổi trên lớp, làm bài tập bằng ngoại ngữ.
Một hình thức khác đó là tăng cường giờ dạy ngoại ngữ và yêu cầu sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ. Hầu hết các trường đều yêu cầu sinh viên phải đạt chuẩn ngoại ngữ bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Một số trường dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ có thể yêu cầu tới bậc 4/6; các trường đào tạo chuyên ngữ yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ tối thiểu là bậc 5/6. Bên cạnh đó, một số trường tích cực mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy, tăng cường trao đổi sinh viên đi học một học kỳ hoặc 1 năm tại trường nước ngoài.
Ví dụ về Trường Đại học Hà Nội hiện đào tạo 26 ngành, trong đó có 11 ngành ngôn ngữ và 11 chuyên ngành giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Mỗi năm Nhà trường mời giảng khoảng 30 giảng viên nước ngoài và cử khoảng 300 sinh viên đi học trao đổi nước ngoài tại hơn 40 trường thuộc 10 quốc gia".
Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học đang nhận được nhiều quan tâm. Nội dung này được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục. Kết luận số 91-KT/TW đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học...". Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 cũng đặt ra yêu cầu: "Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".
Phó Thủ tướng Lê Thành Long mới đây vừa ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030. Theo đó, đề án phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực dạy các môn học khác bằng tiếng nước ngoài cho giáo viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Sinh viên giỏi tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội việc làm
PGS. TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết: "Tiếng Anh là công cụ quan trọng đối với hầu hết những người làm khoa học kỹ thuật. Trong thời đại ngày nay, tiếng Anh còn rất cần thiết trong giao tiếp".
Giữ cương vị lãnh đạo ở một số trường đại học, hơn 20 năm qua, PGS Cần luôn xem việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Năm 2015, ông đã thử nghiệm cho sinh viên học chương trình toàn tiếng Anh với quan điểm muốn nâng cao trình độ cần có thời lượng nhiều và liên tục mới hiệu quả.
Đối với Trường Đại học Gia Định, PGS Cần cũng đề cao nhiệm vụ này. Năm học 2023-2024, nhà trường thiết lập lại chương trình đào tạo, nâng thời lượng tiếng Anh gần gấp đôi so với quy định cho sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ dạy tiếng Anh cùng thực hiện nhiệm vụ này. Mục tiêu của nhà trường là làm thế nào để sinh viên có vốn tiếng Anh tốt, có thể sử dụng trong công việc và giao tiếp.
"Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030 thực sự là bài toán khó. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu việc triển khai phổ cập tiếng Anh cho sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ là khả thi và đúng đắn. Tôi ủng hộ chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học và bước đi của trường hiện nay cũng đang theo định hướng này", PGS Cần cho hay.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho hay: "Nhà trường cho sinh viên hiểu được lợi ích của việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Đó là cơ hội việc làm được nâng cao. Sinh viên tốt nghiệp đại học có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm trong môi trường quốc tế hoặc tại các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, sinh viên cần hiểu rằng tiếng Anh là ngôn ngữ của khoa học, công nghệ, học thuật và sẽ giúp các em dễ dàng tiếp cận với các tài liệu, nghiên cứu, khóa học quốc tế. Cuối cùng là có thể cạnh tranh tốt hơn trong các chương trình trao đổi quốc tế hoặc hợp tác nghiên cứu".
Theo Thạc sĩ Sơn, giải pháp khả thi để tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường Đại học là: Không bắt buộc hoàn toàn ngay từ đầu mà áp dụng dần dần, ví dụ: Các môn chuyên ngành giảng dạy song ngữ hoặc bằng tiếng Anh cho một số khóa học cụ thể.
Thứ nữa là nên đào tạo giảng viên, tổ chức các khóa bồi dưỡng tiếng Anh cho giảng viên, khuyến khích học thêm chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, nếu bắt buộc được thì càng tốt.
Cộng thêm đó là xây dựng các trung tâm hỗ trợ tiếng Anh, tổ chức các lớp ngoại khóa hoặc câu lạc bộ giao tiếp để cải thiện kỹ năng. Kết nối với các trường đại học quốc tế để chia sẻ giáo trình, kinh nghiệm và chương trình giảng dạy. Đó là bài toán dễ nhưng phải đầu tư bài bản.
Tổ chức giáo dục Education First Việt Nam (EF Việt Nam), chính thức công bố Chỉ số thông thạo Anh Ngữ toàn cầu năm 2024 (English Proficiency Index 2024-EPI 2024). Theo đó, chỉ số thông thạo về trình độ tiếng Anh của người Việt Nam đứng thứ 63 trên tổng số 116 quốc gia, với 498 điểm, với độ thông thạo ở mức "thấp". Thứ hạng này đã giảm 5 bậc so năm 2023, từ 58 xuống 63. Trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 8 về mức độ thông thạo tiếng Anh với 498 điểm, lần lượt sau Singapore (609 điểm), Philippines (570 điểm), Malaysia (566 điểm)…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.