Vì sao trường phổ thông Nhật Bản vẫn là "cái nôi" của các cầu thủ bóng đá ngôi sao?
Vì sao trường phổ thông Nhật Bản vẫn là "cái nôi" của các cầu thủ bóng đá ngôi sao?
Trọng Hà (Theo JP Today)
Thứ hai, ngày 30/12/2024 11:00 AM (GMT+7)
Người Nhật yêu thích những câu chuyện cảm động hơn là chỉ tập trung vào chất lượng của cuộc chơi. Chính vì vậy, các trận bóng đá phổ thông vẫn đông nghịt người xem.
Giải bóng đá trung học quốc gia Nhật Bản, tổ chức lần đầu vào năm 1917, vẫn duy trì sức hấp dẫn đặc biệt sau hơn một thế kỷ. Đây là sân chơi đỉnh cao của bóng đá nghiệp dư tại Nhật Bản, nơi hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình và hàng chục nghìn người đến sân cổ vũ. Dù đối mặt với sức ép từ các học viện bóng đá chuyên nghiệp, giải đấu vẫn thu hút tài năng trẻ từ khắp đất nước.
Mỗi năm, các đội bóng đại diện cho 47 tỉnh thành Nhật Bản, cùng hai đội từ Tokyo, tranh tài theo thể thức loại trực tiếp trong 18 ngày. Đỉnh cao của giải đấu là trận chung kết tại Sân vận động Quốc gia Tokyo, với sự cổ vũ náo nhiệt từ các nhóm cổ động viên học sinh.
Theo lời Junpei Fukuda, trưởng nhóm cổ động viên của trường trung học Ryutsukeizai Kashiwa, “Các đội đều có trình độ kỹ thuật tương đồng, nên chiến thắng thuộc về đội khát khao nhất. Chúng tôi muốn tiếng hò reo của mình lớn nhất.”
Vì sao trường phổ thông Nhật Bản vẫn là "cái nôi" của các cầu thủ bóng đá ngôi sao?
Giải đấu không chỉ là nơi phát triển tài năng mà còn là niềm tự hào địa phương. Nhà báo Masashi Tsuchiya nhận xét: “Dù không phải đội cũ của tôi, tôi luôn cổ vũ đội tỉnh nhà Gunma. Giải đấu gắn kết tình yêu quê hương và ký ức học trò.”
Trong bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp ngày càng phát triển, nhiều cầu thủ trẻ Nhật Bản đã chuyển sang tham gia các đội trẻ của J.League – giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu quốc gia. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của giải trung học, nhưng sức hút truyền thống và giá trị nhân văn vẫn còn nguyên vẹn.
Một số cầu thủ, như Kanaru Matsumoto của trường Ryutsukeizai Kashiwa, vẫn coi đây là đích đến mơ ước. Matsumoto, người sẽ gia nhập câu lạc bộ Shonan Bellmare thuộc J.League vào năm sau, chia sẻ: “Tôi chọn trường này vì muốn được chơi tại giải trung học quốc gia.”
Không phải mọi cầu thủ đều mơ ước sự nghiệp chuyên nghiệp. Một số tiếp tục chơi ở cấp đại học, trong khi nhiều người dừng lại sau khi tốt nghiệp. Theo huấn luyện viên Masahiro Enomoto của đội Ryutsukeizai Kashiwa, giải đấu là cột mốc chuyển tiếp: “Đây là nơi những đứa trẻ đã cống hiến hết mình trở thành người trưởng thành.”
Các trận đấu không chỉ thu hút bởi chất lượng bóng đá, mà còn bởi yếu tố cảm xúc. Truyền hình Nhật Bản khai thác câu chuyện cá nhân của các cầu thủ, từ niềm vui chiến thắng đến nước mắt thất bại. Ông Enomoto nhận định: “Người Nhật yêu thích những câu chuyện cảm động hơn là chỉ tập trung vào chất lượng của cuộc chơi”
Dù bị cạnh tranh bởi các đội trẻ J.League, các đội trung học vẫn chứng tỏ được khả năng. Điển hình là đội trường Ohzu đã vô địch giải Prince Takamado Under-18 Premier League, nơi quy tụ cả đội trung học và đội J.League. Nhà báo Masashi Tsuchiya khẳng định: “Bóng đá trung học không chỉ là bước đệm để vươn tới chuyên nghiệp. Đây còn là nơi bạn có thể thưởng thức tinh thần cống hiến hết mình của các cầu thủ trẻ.”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.