Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội
Xung quanh thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Đưa hối lộ”. Còn các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải cũng bị khởi tố bổ sung về tội “Nhận hối lộ”. Trong khi đó, ông Võ Văn Mạnh, nguyên giám đốc và ông Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX, doanh nghiệp được MobiFone thuê thẩm định giá trị AVG, cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.
Về vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Mù mờ định giá AVG
Thưa ông, sau khi 2 cựu lãnh đạo Bộ TTTT là ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, cùng các cựu lãnh đạo MobiFone như ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vì liên quan tới sai phạm trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và mới nhất, ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch AVG, bị khởi tố vì tội "đưa hối lộ". Những động thái này nói lên đều gì?
Khi cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố khởi bị can đối với ông Phạm Nhật Vũ về tội “Đưa hối lộ”, đồng thời, bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải về tội “Nhận hối lộ” cho thấy, các cơ quan thi hành tố tụng đang làm việc hết sức quyết liệt nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Từ đó, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố bổ sung vì tội "nhận hối lộ"
Tôi đánh giá rất cao hành động vừa nêu của các cơ quan thi hành tố tụng ở khía cạnh không bỏ lọt tội phạm. Bởi trong quá trình điều tra, làm án các vụ án liên quan tới chức vụ, quyền hạn. Thông thường, họ sẽ đưa ra xử lý tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng, sử dụng nguồn vốn Nhà nước sai quy định hoặc một số tội danh mang tính chất chung nhiều hơn, ít khi đi vào hành vi cụ thể. Trong khi hành vi cụ thể thường thấy đối với nhóm tội phạm này lại liên quan tới đưa và nhận hối lộ, vì rõ ràng phải nhận được một lợi ích nào đó mới dẫn tới tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Cố ý làm trái”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”…
Việc khởi tố bị can đối với một số cá nhân trong thương vụ MobiFone-AVG liên quan tới tội danh “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” là một trong những động thái có thấy hệ thống tư pháp đang làm rất tốt.
Theo kết luận của cơ quan thanh tra, ngay từ lúc bắt đầu, thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG đã không đảm bảo bất kỳ tiêu chuẩn nào theo quy định pháp lý. Còn dấu hiệu vi phạm xuất hiện ở nhiều giai đoạn từ lập dự án, báo cáo, thẩm định, đấu thầu, sử dụng nguồn vốn ngân sách trong kinh doanh. Vì sao thương vụ vẫn diễn ra?
"Tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công, sử dụng nguồn vốn NSNN đang là thực trạng điều nhức nhối tồn tại trong khu vực kinh tế Nhà nước. Hàng nghìn tỷ đồng dễ dàng chui tọt qua lỗ kim, để rồi các cá nhân, tổ chức liên quan, thậm chí cả các Bộ, ngành bị ảnh hưởng cho thấy chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát độc lập, minh bạch".
|
Điều này cho thấy hoạt động công vụ tại một số cơ quan quản lý Nhà nước đang có vấn đề. Việc chấn chỉnh các hoạt động công vụ được Tổng Bí thư thực hiện rất quyết liệt trong những năm vừa qua. Nhiều vụ án liên quan đến hoạt động công vụ trong việc quản lý, vận hành, sử dụng các đầu mối của NSNN đã được đưa ra ánh sáng.
Tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công, sử dụng nguồn vốn NSNN đang là thực trạng điều nhức nhối tồn tại trong khu vực kinh tế Nhà nước. Hàng nghìn tỷ đồng dễ dàng chui tọt qua lỗ kim, để rồi các cá nhân, tổ chức liên quan, thậm chí cả các Bộ, ngành bị ảnh hưởng cho thấy chúng ta đang thiếu một cơ chế giám sát độc lập, minh bạch.
Cơ chế giám sát độc lập sẽ bảo đảm hạn chế thực trạng tuỳ tiện, nhũng nhiễu trong hệ thống. Quan trọng hơn là hạn chế tham nhũng. Rõ ràng, pháp luật của chúng ta đã có đầy đủ quy định, hệ thống giám sát của chúng ta có Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Nhưng những tiếng nói giám sát đó được đánh giá tới đâu, được quan tâm như thế nào? Dường như chúng ta chưa có một cơ chế bắt buộc các cơ quan chức năng phải nghe, tiếp thu và đưa ý kiến giám sát vào bản báo cáo cuối cùng. Những người quyết định cuối cùng phải được nghe ý kiến từ tất cả các bên, từ đơn vị lập dự án, đơn vị khảo sát tới đơn vị phản biện. Một vấn đề luôn có 2 mặt, song trong thương vụ này, chúng ta có lẽ chỉ nghe những gì có lợi cho mục tiêu công việc mà quên đi việc phải lắng nghe những ý kiến phản biện.
Từ việc không lắng nghe những ý kiến phản biện đã dẫn tới sai phạm nối tiếp sai phạm. Bởi người có trách nhiệm quản lý chỉ nghe ý kiến một chiều, nghe “một bên tai”, qua đó, tự tước đi quyền năng của mình. Họ có quyền được lắng nghe và phản biện, ký hoặc không ký, phê duyệt hoặc không phê duyệt. Tuy nhiên, trong thương vụ MobiFone-AVG, có rất nhiều mối quan hệ và luồng thông tin đưa tới cho người vạch quyết sách không được đầy đủ.
Phải chăng, bản chất sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân của khu vực kinh tế Nhà nước khiến những người đại diện chủ sở hữu sẵn sàng mua đắt – bán rẻ làm thiệt hại tài sản Nhà nước nhưng lại đem lại lợi ích lớn cho họ trong khi trách nhiệm lại không rõ ràng, quy định thiếu chặt chẽ?
Vấn đề này liên quan tới hệ tư duy. Sau hàng chục năm phát triển khu vực kinh tế Nhà nước, đến lúc buộc phải thay đổi theo cơ chế thị trường, theo xu thế chung. Nhưng những người được quyền ra quyết sách lại lớn lên trong môi trường Nhà nước, hệ tư duy của họ vẫn mang quan điểm các DNNN đang phải chịu rất nhiều chế tài về chính trị; quy định công chức, viên chức; xã hội;… Họ tin rằng những chế tài nêu trên là sự đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định thì có, chế tài hầu như không được thực thi.
Tiếp đó, khi khu vực kinh tế Nhà nước buộc phải chuyển đổi, đưa kinh tế thị trường vào trong DNNN thông qua cổ phần hoá, sẽ có một số đối tượng tranh thủ hệ tư duy để trục lợi. Dễ thấy rất nhiều các DNNN khi tiến hành cổ phần hoá, việc định giá doanh nghiệp bỏ quên rất nhiều giá trị mang tính chất thặng dư. Họ chỉ quan tâm tới giá trị tài sản hiện hữu, mà nhiều khi đối tượng tài sản này cũng không được đánh giá đúng mức.
Chẳng hạn, một DNNN sở hữu hệ thống dây sản xuất chuyền tốt, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội. Nếu tiến hành cổ phần hoá, hệ thống dây sản xuất có tuổi đời sẽ bị đưa xuống giá trị rất thấp. Nhưng các DN tư nhân vẫn quan tâm tới cổ phần của DNNN, chủ yếu bởi khối bất động sản DNNN đang sở hữu.
Một diễn biến ngược trong thương vụ MobiFone-AVG, đó là giá trị cổ phần AVG được định giá rất cao so với giá trị thực tế. Trong đó, giá trị thương hiệu AVG được xác định ở mức rất lớn. Giá trị thương hiệu là loại hình giá trị mới xuất hiện trong tư duy nhà quản lý, nhà kinh doanh Việt Nam những năm gần đây khi phát hiện ra các tài sản cố định, bất động sản chỉ mang lại giá trị sử dụng rất cao, chứ không mang lại giá trị thặng dư về mặt lợi ích kinh tế như giá trị thương hiệu.
Tại thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, giá thị thương hiệu được đẩy lên mức rất cao nhằm bòn rút ngân sách. Số tiền định giá cho AVG chênh lệch rất lớn so với thực tế, và số chênh lệch được đưa vào một yếu tố khá trừu tượng với đa phần công chúng, các nhà kinh tế và các cán bộ, công chức có trách nhiệm. Rất khó để chúng ta định giá thương hiệu một cách chính xác, bởi giá trị của thương hiệu được phản ánh với chính thị trường thương hiệu đó xuất hiện. Một thương hiệu có giá trị ở thị trường Việt Nam nhưng chưa chắc đã có giá trị tại thị trường quốc tế. Ngược lại, có những thương hiệu có giá trị với quốc tế nhưng khi về thị trường Việt Nam lại được định giá rất bình thường. Lợi dụng cái khó và trừu tượng trong việc định giá thương hiệu, một số cá nhân, tổ chức đã đưa giá trị AVG lên cao thông qua các yếu tố lợi thế kinh doanh, giá trị thương hiệu.
Thậm chí, họ còn đưa những yếu tố hành chính vào việc định giá thương hiệu AVG như giấy phép kết nối vệ tinh nhằm thực hiện việc thu-phát sóng các kênh truyền hình của AVG. Thực tế đây chỉ là một thủ tục hành chính, nhưng để thông qua thủ tục hành chính này, doanh nghiệp phải đáp ứng rát nhiều điều kiện, một trong số đó là họ phải có quan hệ và tiền. Vậy nên, một phần giá trị của AVG đã được chuyển đổi từ một loại giấy phép hành chính sang một dạng giá thị vật chất. Điều này không sai, nhưng trong một số trường hợp đã bị lạm dụng bởi các mối quan hệ thân hữu và các yếu tố không thể định lượng, chỉ có thể định tính.
Việc AVG chủ động hủy bỏ hợp đồng với MobiFone trước khi Thanh tra Chính phủ công khai kết luận, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là biện pháp nhằm khắc phục hậu quả và có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét trách nhiệm của những người liên quan. Đặc biệt trong bối cảnh việc khắc phục này chỉ diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra và Ban Bí thư có thông báo chỉ đạo phải làm rõ, còn các hành vi sai phạm đã hoàn thành từ rất lâu. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ngay từ khi xuất hiện thông tin MobiFone và các cổ đông chuyển nhượng đã đi tới thống nhất hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần mua bán AVG sau cuộc họp giữa hai bên, nhiều người cho rằng họ đang cố gắng đưa câu chuyện từ vấn đề vi phạm trong quản lý NSNN sang vấn đề quan hệ dân sự, thương mại giữa 2 đơn vị kinh tế. Song họ đã quên rằng MobiFone là DNNN, dưới quyền quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT), mỗi một đồng tiền được quyết toán, xử lý bằng ngân sách được sử dụng đều phải tuân theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật nhằm tránh thất. Đây là tải sản của nhân dân, giao cho một nhóm người quản lý. Nhóm người này phải tuân thủ đầy đủ quy trình quản lý NSNN. Song nhóm người này đã không tuân thủ quy định quản lý NSNN, thể hiện qua việc mua AVG với giá trị rất lớn.
Việc AVG chủ động hủy bỏ hợp đồng với MobiFone về mặt khoa học pháp lý được coi là hành vi khắc phục hậu quả chứ không có nghĩa hai bên thoả thuận trao trả nhau tất cả những gì đã giao dịch là quan hệ dân sự hay kinh doanh thương mại. Trong khoa học pháp lý, câu chuyện này cần được minh thị rõ ràng rằng, việc thỏa thuận hoàn trả cho nhau những gì đã trao chính là nội dung của “hợp đồng vô hiệu” bởi những điều cấm của luật, hay xét dưới góc độ cấu thành tội phạm “nếu có” thì hành vi trao trả lại chỉ được coi là “tình tiết giảm nhẹ” khi đã có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tức là, dù anh không có thỏa thuận trả lại cho nhau những gì đã trao thì chính những chế tài trong pháp lý cũng buộc anh phải trả lại. Còn hành vi “cố ý làm trái” đã hoàn thành.
Vậy nên, việc các bên có ký biên bản thỏa thuận rằng sẽ trả lại cho nhau nhằm giảm lỗi đã gây ra, những gì đã trao trong đó có hướng đến các ý như “không gây thiệt hại” hay việc gây sức ép lên chính các cơ quan tiến hành xử lý vụ việc với cách đánh tráo khái niệm từ vi phạm pháp luật hình sự sang giao dịch thương mại nhằm tránh phải chịu hệ quả pháp lý ngày hôm nay. Song pháp luật chỉ có một, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, cựu lãnh đạo MobiFone, và ông Phạm Nhật Vũ đã bị khởi tố.
Không chỉ vậy, bản thân nhiều Bộ, ngành đưa ra ý kiến phê duyệt dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG đều phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.
Luật vốn phức tạp nhưng không phải tự thân điều luật, mà xuất phát từ chính những người áp dụng và sử dụng pháp luật. Việc “lách luật” bằng cách đánh tráo khái niệm hay các quy định pháp luật khác luôn phải được hiểu chính là hành vi vi phạm pháp luật. Rõ ràng, doanh nghiệp có quyền làm gì pháp luật không cấm nhưng cũng không có nghĩa được quyền xâm phạm đến tính nghiêm minh của pháp luật, không được xâm hại đến tính thượng tôn của pháp luật.
Quan hệ thân hữu và doanh nghiệp sân sau
Việc ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ bị khởi tố vì tội "nhận hối lộ" và "đưa hối lộ" đã chỉ ra mối quan hệ không minh bạch giữa những cá nhân giữ chức vụ cao trong chính quyền và các công ty thân hữu, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Vậy việc mua bán này có ảnh hưởng như thế nào đối với và lòng tin của phần đông doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường?
Cái mất lớn nhất mà tất cả đang lo lắng là mất niềm tin. Nếu để trình trạng này diễn ra, rõ ràng mức độ tham nhũng đang phát triển ở mức cao. Trước đây, đa phần các giao dịch là bán tài sản công sang phía tư nhân với mức giá rất rẻ. Đã xuất hiện những dấu hiệu của vi phạm, tham nhũng trong các thương vụ này.
Song lần này, tài sản công lại được sử dụng để mua cổ phần của một doanh nghiệp với giá rất đắt, với giá trị cao hơn hàng chục lần so với giá trị thật. Đang tồn tại một câu chuyện là những cá nhân bên trong khu vực Nhà nước tìm cách “móc” thật nhiều tiền ngân sách nhất, chuyển ra cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài khu vực Nhà nước và cho những người chịu trách nhiệm.
Trong một nền kinh tế thị trường, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều muốn phát triển lành mạnh, trong sạch. Chúng ta phải tạo cho họ niềm tin về công lý, về việc họ không phải bỏ thêm các chi phí đen, chi phí bôi trơn, chi phí không chính thức. Hơn nữa, các doanh nghiệp dù của người Việt Nam hay nước ngoài đều mong muốn được đối xử công bằng. Nếu tồn tại một vài nhóm doanh nghiệp dù không có năng lực vượt trội, nhưng vẫn dễ dàng thu về một con số lợi nhuận lớn nhờ các mối quan hệ thân hữu thì rõ ràng sự bất công trong môi trường kinh doanh đã hiện hữu. Những nhà đầu tư, những chủ doanh nghiệp mong muốn đóng góp trí tuệ, tài sản cho xã hội sẽ nản lòng. Từ đó, kéo lùi bước tiến của toàn nền kinh tế.
Thậm chí, gây mất niềm tin của đại đa số người dân khi họ cảm thấy không được đối xử công bằng. Bởi mọi người cảm thấy họ vẫn sẽ bị các cá nhân khác vượt xa, dù có làm tốt tới đâu, bởi không có quan hệ thân hữu.
Với những thương vụ lớn như MobiFone mua 95% cổ phần AVG hay các thương vụ tương tự giữa DNNN và đơn vị kinh tế ngoài Nhà nước, có lẽ chúng ta cần sự vào cuộc của Quốc hội thông qua việc thành lập một ủy ban thẩm định, điều tra nhằm đánh giá rủi ro, tính khả thi cũng như làm rõ thiệt hại để bảo đảm tính khách quan?
"Chúng ta có lập thêm bất kỳ cơ quan nào mà không thay đổi được tư duy, hành động của bản thân từng cán bộ, viên chức sẽ chỉ gây tốn kém tiền của của người dân".
|
Tôi cho rằng việc này không cần thiết. Bởi chúng ta đã có rất nhiều quy định quản lý, nhiều cơ quan giám sát như Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Mặt trận Tổ quốc… Bản thân các cơ quan này đã đủ chức năng và thẩm quyền giám sát. Điều tôi quan tâm là khi đối mặt với từng vụ việc cụ thể, những người có trách nhiệm sẽ làm như thế nào?
Chúng ta có lập thêm bất kỳ cơ quan nào mà không thay đổi được tư duy, hành động của bản thân từng cán bộ, viên chức sẽ chỉ gây tốn kém tiền của của người dân. Bởi khi một cơ quan mới ra đời, phải có đầy đủ vị trí, phòng, ban chức năng, trụ sở… Song hiệu quả hoạt động sẽ không đạt mức như mong muốn nếu không có những con người có bàn tay “sạch”, cái tâm “sáng” để lãnh trách nhiệm giám sát những thương vụ giao dịch liên quan tới tài sản công, liên quan tới lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, đảm bảo luật chơi công bằng, khách quan.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.