Dừng cho vay ngoại tệ: “Đáng phải làm sớm hơn”

Huyền Anh Thứ ba, ngày 01/10/2019 15:16 PM (GMT+7)
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ đáng lẽ ra phải làm sớm hơn. Với những doanh nghiệp khi không được vay bằng ngoại tệ thì sẽ chuyển sang vay bằng tiền đồng. Hiện tại, tiền đồng giá trị rất ổn định và mức lãi suất hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tỷ suất lợi nhuận chung của nền kinh tế.
Bình luận 0

Hôm nay (1/10), các ngân hàng thương mại (NHTM) chính thức chấm dứt việc cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Trước đó, từ ngày 01/4/2019, các ngân hàng cũng đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc dừng cho vay ngoại tệ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế. Đây là chủ trương đã được đưa ra từ khá lâu.

“Đáng ra chúng ta phải làm sớm hơn. Tuy nhiên, trong thời gian nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã thực hiện gia hạn thời gian cho vay ngoai tệ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đặc thù.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, khi điều kiện nền kinh tế ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao (khoảng 70 tỷ USD), có thể cân đối được trạng thái ngoại tệ trong thời gian đủ dài, việc thực hiện chủ trương hạn chế và đi đến chấm dứt cho vay ngoại tệ là hợp lý”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

img

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, do chủ trương đã được hiện thực dần trong một thời gian khá dài nên các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, sẽ không gây nên đột biến nào.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thêm, các doanh nghiệp khi không được vay bằng ngoại tệ thì sẽ chuyển sang vay bằng tiền đồng. Hiện tại, tiền đồng giá trị rất ổn định và mức lãi suất hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tỷ suất lợi nhuận chung của nền kinh tế.

“Đặc biệt là tỷ giá rất ổn định, quan hệ mua/bán ngoại tệ rất thuận lợi. Các NHTM sẵn sàng mua ngoại tệ của các DN và cũng sẵn sàng bán ngoại tệ cho các DN”, phó Thống đốc nhấn mạnh.

Bình luận về vấn đề này, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, cho rằng hiện lãi suất vay vốn VND cao hơn lãi suất vay USD khoảng 3%-4%, trong khi tỷ giá năm nay dự kiến biến động khoảng 2%. Vì thế chi phí vay vốn bằng VND của doanh nghiệp có tăng nhưng sẽ không nhiều.

“Theo quan sát của chúng tôi, sau hơn 9 tháng triển khai Thông tư số 42/2018/TT-NHNN, việc dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra ổn định”, ông Khoa nhấn mạnh.

img

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIB, cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng hiểu rằng chính sách của NHNN đối với tín dụng ngoại tệ sẽ theo chiều hướng thắt chặt lại, buộc doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, thay vì trông chờ vào vay ngoại tệ sẽ chuyển sang vay tiền đồng.

Ngoài ra, giá trị đồng VND duy trì ổn định trong những năm qua, trong khi chênh lệch lãi suất VND với USD không còn lớn… khiến cho dư địa dùng đòn bẩy tài chính dựa trên biến động tiền tệ của doanh nghiệp không còn nhiều như trước kia…

Với ngân hàng, theo ông Trung, phạm vi đối tượng được vay ngoại tệ ngày càng thu hẹp lại đồng nghĩa với dư nợ ngoại tệ tại các ngân hàng giảm.

Tuy nhiên, hiện dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ của các ngân hàng. Đơn cử như tại VIB dư nợ ngoại tệ chỉ chiếm 3,3%, nên khi triển khai quy định tại Thông tư 42 không tác động diện rộng lên thị trường cũng như chỉ tác động rất ít đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem