Đụng đầu cá lớn và “ma biển”

Chủ nhật, ngày 18/05/2014 06:25 AM (GMT+7)
Cho đến bây giờ, tôi đã có 7.000 hải lý lênh đênh trên đủ các vùng biển nhưng tất cả sóng gió ở những chuyến đi đó không đáng kể bằng chuyến đi biển Trung Sa.
Bình luận 0
Cược cả gia tài

Sau cả ngày ngồi thuyết phục ông Trần Luận- Thuyền trưởng tàu QNs 09360 ở xã Định Tân (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) mới đồng ý để cho tôi lên tàu. Nhưng trước giờ xuất bến, 2 phụ nữ khoảng 40 tuổi, mặt đằng đằng sát, khí nổi cơn tam bành cứ nhè mặt tôi mà chỉ trỏ, xỉa xói. Đại loại như thế này: Chẳng biết thông tin ở đâu mà họ cho rằng ông Trần Luận đã nhận của nhà báo 20 triệu đồng, “ăn” một mình mà không cho lưới bạn, nên họ không cho tôi đi. Nếu cứ cố tình ra khơi thì họ bắt chồng ra rút lưới đem về và ở nhà. Nếu không phải vậy thì tôi là người nhà nước đi nhờ ngư dân cũng phải nộp 10 triệu đồng tiền dầu, tiền ăn chứ, chẳng nhẽ lại đi không?

 Phóng viên Gia Tưởng trên chuyến tàu đánh cá ở biển Trung Sa
Phóng viên Gia Tưởng trên chuyến tàu đánh cá ở biển Trung Sa

Trước nguy cơ không qua được cửa “quan bà”, tôi đành quay lại gõ cửa thuyết phục từng bà. Cuối cùng họ cũng đồng ý để tôi ra khơi nhưng kèm điều kiện: “Nếu đi thì nhà báo phải viết cam kết là giữa đường say sóng, cực khổ mà đòi về thì phải chịu toàn bộ phí tổn là 50 triệu đồng. Có như vậy thì mới đồng ý cho đi.”. Chẳng còn đường lựa chọn nào khác tôi cứ viết đại cam kết, và tự thề với mình không thể bỏ cuộc vì cái “án” 50 triệu đồng gấp mấy lần gia tài của một kẻ làm báo như tôi. Có lẽ vì lo mất “gia tài” mà tôi đã vượt được 1.000km ra tới Trung Sa

Giữa sự sống và cái chết

Tôi và 7 người trên tàu đang cần mẫn kéo lưới, nhặt những con cá chuồn cồ to như bắp ngô thì bị giật mình bởi tiếng hét lớn của thuyền trưởng Leo: “Bỏ qua, bỏ qua, cá Lọn, cá Lọn”. Anh Quý leo thoăn thoắt lên nóc tàu, lấy thêm một chiếc khấu nữa (khấu là một loại móc sắt, giống như một lưỡi câu khổng lồ dùng bập vào những con cá lớn để kéo lên tàu- PV). Đây là điều bất thường, vì ngay cả bắt những con cá trăm ký, thì vẫn chỉ cần dùng 1 chiếc khấu, kéo phát một là tóm gọn ngon ơ. Tàu từ từ tiến lại quả cầu lưới, anh Quý và Nhọt là 2 người khoẻ nhất tay lăm lăm khí giới, rồi đồng thanh hô “khấu”. Hai mũi thép sáng xanh sắc ngọt bập vào hai bên vai của con vật đen sì đang bị bọc trong đám lưới. Con cá bị tử thương vùng vẫy điên cuồng nhưng 2 chiếc khấu đã móc sâu vào yết hầu của nó.

Không sớm chịu chết, con Lọn khổng lồ ra sức dùng đôi cánh rộng khoả nước liên hồi làm cho 4 người đang giữ khấu nghiêng ngả. Cứ đà này chỉ mấy cái quạt nữa thôi là con cá kéo cả người và khấu xuống biển. Trước nguy cơ tuột mất cá lớn, tôi cũng bỏ cả máy ảnh lao xuống giúp sức tạo thành một cuộc chiến 9 người với một con cá. Sau 2 giờ quần nhau, cuối cùng con cá cũng được kéo lên mạn tàu. Sau khi ước lượng con cá không dưới 500kg, ông Tám Hùng người nhiều tuổi nhất lắc đầu nói: “Sắp hết đời đi khơi rồi mà tôi chưa lần nào và cũng chưa nghe ai đụng phải con Lọn dữ dằn như thế này”.

... Đầu bếp Nguyễn Văn Nhọt vừa đặt bữa cơm trưa xuống bao tải thì gió thốc tới, kéo theo 1 con sóng ào vào làm ướt hết cả ca bin. Rồi trong phút chốc là vô vàn con sóng bạc đầu, gió giật, mưa quất liên hồi. Những người ngư dân lao ra mạn tàu ra sức kéo để cứu những tấm lưới rộng 4m, dài 1.500m đã bị sóng giằng ra từng đoạn, xoắn tít vào nhau như những sợi dây chão. Mới kéo được 3 tay lưới mà sóng gió mỗi chốc một lớn thêm.Tiếc của nhưng cứ giằng co với biển thế này thì sớm muộn cũng thiệt mạng, anh Leo hô lớn: “bỏ thôi”.

Sau 26 ngày lênh đênh trên biển Trung Sa, tôi trở vào bờ đến vùng biển Lý Sơn lúc 4 giờ sáng. Bốc máy điện thoại gọi cho vợ, vợ tôi oà khóc. Gọi cho bạn bè, bạn bè cũng oà khóc. Và tôi cũng oà khóc khi nhìn thấy đất liền. Nhưng tôi vẫn tự nhủ rằng, nếu phải theo tàu đi đánh cá một lần nữa, tôi vẫn sẵn sàng để chinh phục biển khơi.

“Tàu em dính ma biển rồi các bác ơi, ai sắp chạy vào bờ cho em mấy chục cây đá, để muối anh em ít bữa”. Ngay sau lốc, chúng tôi nghe hết cái thông điệp hãi hùng đó trên máy bộ đàm. Trong một ca xuống biển, không hiểu dây hơi thế nào mà hết giờ lặn rồi, 6 người xuống mà chỉ có 2 người ngoi được lên. Linh tính có chuyện chẳng lành, tàu cử tốp thợ thứ 2 lần theo dây hơi xuống thì 4 người đã cứng đơ bất động ở dưới nước từ bao giờ. Lúc kéo lên tất cả đều giống nhau, mắt lồi ra ngoài, tai, mũi, mồm, những vệt máu đen sì vẫn nhểu ra. Nhìn 4 bạn của mình nằm sóng xoài đợi muối đá, Hưng- người huyện Sơn Tịnh mếu máo: “Dân đi lặn, chết trên biển vẫn còn may vì được chủ tàu đền bù và cả bảo hiểm thuyền viên nữa. Còn chết trên bờ thì chẳng có chi...”.

Vừa chỉ đạo những người còn sống đập 40 cây đá, để muối 4 người xấu số, ông thuyền trưởng mặt thất thần cho biết: Tàu mới ra đây làm 2 bữa, được khoảng 1,5 tấn cá bò gù, chưa đủ tổn chạy vào bờ, nên anh em vẫn phải theo luật biển, muối xác bạn rồi làm tiếp khi nào đủ tổn, đủ lo ma cho bạn thì mới vào bờ. Xong lại tuyển kíp thợ lặn mới rồi tiếp tục ra khơi.

Gia Tưởng (Gia Tưởng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem