Nhờ hành động này của nam thanh niên mà nữ chủ quán thoát việc bị cưỡng hiếp nhiều lần, người em trai bị cắt cổ cũng được đưa đi cấp cứu kịp thời, thoát chết. Tôi nghĩ người thanh niên ấy không khác gì Lục Vân Tiên của thời hiện đại khi cứu nguy cho gia đình nọ. Vậy mà vẫn có những ý kiến cho rằng anh thanh niên sao không gọi cảnh sát, sao lại cầm tuýp sắt đi... cứu người? Và “hành động mới côn đồ làm sao”.
Quán cà phê nơi xảy ra vụ đột nhập đâm em trai, hiếp dâm chủ quán
“Một tên trộm” có hung khí, đâm người, đòi hiếp dâm nạn nhân tới mấy lượt thì không phải là trộm mà là cướp: cướp cả tình lẫn tiền. Và với cướp thì đương nhiên phải tự vệ! Nhưng một người phụ nữ với con nhỏ vừa sinh không đủ sức tự vệ, phải cầu cứu hàng xóm thì sự nghĩa hiệp của chàng thanh niên nọ lại bị... dạy đời.
Gần mười năm trước tôi đã “dẫn giải” một tên giật đồ ở bến xe buýt Đại học Giao thông vận tải Hà Nội đến công an phường Ngọc Khánh sau khi hạ và khóa tay hắn. Khi ấy, cậu sinh viên là tôi, buộc phải làm tường trình bắt cướp dù tôi đã trình bày “sáng nay em phải thi học phần”.
Thế rồi cán bộ công an phường nói: “Nguyên tắc là nguyên tắc”. Và kết quả tôi mất cả buổi sáng ngồi viết tường trình và phải thi lại môn học đó. Thế nhưng, chuyện vẫn chưa kết thúc khi một người thầy của tôi đã nói với tôi rằng: “Cậu là sinh viên. Nhiệm vụ của cậu là học và thi chứ không phải bắt cướp, cậu rõ chưa?”.
Cảm giác uất nghẹn trong lồng ngực tới giờ tôi vẫn không sao quên được. Hôm ấy, tôi chỉ khẽ khàng trước khi bước đi: “Thưa thầy! Không biết thầy có con gái không? Nếu cô bé bị cướp sáng nay là con gái thầy thì thầy nghĩ sao ạ?”.
Giả dụ, nếu có người thân trong gia đình bị cướp có hung khí, đòi hiếp dâm, cướp tài sản thì bạn sẽ mong chờ điều gì nếu có ai đó xuất hiện tại hiện trường? Bạn có yêu cầu họ gọi cảnh sát, không cần tuýp sắt và lịch sự nói: “Anh cướp ơi, anh hãy làm một người lương thiện và tha cho gia đình em đi?”. Tôi đồ rằng tên cướp sẽ bị nhập viện vì xoắn ruột do... cười quá độ!
Trở lại câu chuyện, tôi thấy nhiều sự kỳ lạ trong vụ việc tại Đà Nẵng. Vì sao nạn nhân không gọi công an phường, công an thành phố mà gọi hàng xóm? Cầu cứu và chống trả cũng là những kỹ năng sống cơ mà? Vì sao tên cướp ung dung thoát khi đã lục lọi tài sản, dọa dẫm người mà không có lực lượng chức năng nào tại địa bàn phản ứng trong một thời gian dài như thế, để cho tên cướp thực hiện trót lọt hành vi và tháo chạy?
Nhiều bài báo đã nói về hiện tượng vô cảm của đám đông. Chính tôi đã trải nghiệm cảm giác này khi đang ngồi trên xe ôm và chứng kiến một cảnh cướp giật ở chợ Bà Chiểu (TP.HCM) vào năm 2011. Tôi nói như la lên với người lái xe ôm: “Quay lại đi bác, đuổi theo nó ngay!”. Ông xe ôm ngần ngừ rồi chậm chạp quay đầu, chiếc xe của tên cướp kịp khuất dạng. “Bác ơi bác lẹ đi, nó trốn bây giờ!” - tôi tiếp tục thúc giục. “Thôi tui không chở nữa, cậu kiếm mối khác...”- ông xe ôm lí nhí không dám nhìn vào mặt tôi. Bà hàng vải gần đó nói bâng quơ: “Hơi đâu mà đi bắt cướp, nó quay lại trả thù thì hết đường sống nha...”.
Tâm lý ngại, sợ cướp càng giúp cho cướp giật tung hoành
“Ai sẽ làm việc đó, người đó không phải tôi!” là một tâm lý phổ biến của đám đông. Trong lòng mỗi người đều hiểu rõ họ có hèn trước kẻ mạnh, kẻ ác và ác độc hay thờ ơ trước kẻ yếu, kẻ cô thế hay không. Còn tôi, nếu có dịp gặp anh chàng đuổi kẻ hiếp dâm, cướp tài sản ở Đà Nẵng bằng tuýp sắt, tôi sẽ bắt tay anh ấy. Vì anh ấy chính là hiện thân của tinh thần hiệp nghĩa “cứu khổ, phò nguy”.
Còn những ai trong đám đông đang ngồi “múa bàn phím” dạy thiên hạ phải thế này, thế kia thực sự không làm tôi bận tâm. Gần 20 năm trước, thầy dạy võ của tôi dặn rằng: “Con phải nhớ khi bước chân ra đời rằng bản lĩnh không phải ở lý thuyết mà con học. Đụng chuyện mới biết ai thực sự bản lĩnh”.
Và thực tế mà cá nhân tôi cảm nhận là những kẻ tỏ ra thông thái, tỏ ra “nguy hiểm” trên mạng xã hội bây giờ lại là những kẻ ít “đụng chuyện” nhất. Họ dạy đời người khác, không có nghĩa là họ hiểu biết. Họ hạ thấp người khác, điều đó không làm họ giỏi hơn.
Đôi khi có người hỏi tôi về những người nổi tiếng trên Facebook hay dạy người khác phải bắt cướp thế nào, chống trộm ra sao, biết sống khéo léo thế nào, khoe thành tích ra sao....Tôi chỉ cười không đáp. Bởi lúc ấy tôi nghĩ bụng: “Đời mà, sống đi, đụng chuyện rồi khắc biết”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.