Đừng là “dịch vụ” của một nền văn hóa khác

Thứ năm, ngày 06/12/2012 07:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sang Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4, nhà Việt Nam học người Nga Anatoly Sokolov đã chia sẻ rất nhiều những suy nghĩ của ông về văn hóa, văn học Việt Nam hiện nay.
Bình luận 0

Thưa ông, cách đây một vài tháng, cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được nhóm biên soạn gồm ông, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và TS Lê Văn Nhân dịch sang tiếng Nga. Ông có thể nói gì về cuốn sách này, những cảm nhận của độc giả Nga với cuốn sách ra sao?

- Cách đây 5-6 năm, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - một người bạn lâu năm của tôi giới thiệu với tôi cuốn sách, tôi đã đọc một mạch và rất xúc động. Có thể nói tôi rất thích cuốn sách này, bởi nó là những tâm sự chân thật của một nữ trí thức trẻ trong chiến tranh.

Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, cận kề với cái chết, cô vẫn một lòng tin tưởng ở tương lai và hòa bình. Lòng tin và tâm hồn cao cả của cô là một giá trị vĩnh cửu, nó thôi thúc tôi suy nghĩ, có thể dịch sách này sang tiếng Nga được không, và khi nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tìm được tài trợ của Câu lạc bộ Dệt may Thăng Long, chúng tôi đã cố gắng để hoàn thành nó thật sớm.

img
Nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov.

Tất nhiên, với một cuốn nhật ký chiến tranh khi ra mắt độc giả, nhất là độc giả trẻ thì cũng không mấy dễ dàng. Bạn biết đấy, những người trẻ thường thích sách giải trí hơn, họ không hiểu biết nhiều về chiến tranh. Thế nhưng khi đọc một vài chương của cuốn sách cho những sinh viên khoa Tiếng Việt ở một số trường đại học mà tôi giảng, họ rất xúc động. Cộng thêm với việc được xem bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong tuần phim VN tại Nga, những sinh viên của chúng tôi lại càng xúc động nhiều hơn về cuộc đời một con người trẻ tuổi đã hy sinh cho Tổ quốc, cho những giá trị vĩnh cửu của nhân loại.

Thưa ông, ở Nga, hiện nay, ngành Việt Nam học mà ông theo đuổi hiện có còn được quan tâm nhiều không?

-Trước đây, thời Xô viết thì Việt Nam học là một ngành khoa học thật sự với một lực lượng nghiên cứu đông đảo về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề chúng tôi gặp phải là thiếu hụt lực lượng kế cận, nhất là những người trẻ. Bởi vì giới trẻ giờ cũng không mấy mặn mà với khoa học, họ thích chọn những ngành như kinh tế, ngân hàng… thu nhập cao hơn.

“Chúng ta cần phải biết tiếp thu có chọn lọc, tức là phải biết lấy những gì tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, nếu ví một cách vui vẻ thì giống như khi ta ăn uống, ta phải chọn những món gì mà cơ thể mình có thể tiêu hóa được, không gây đầy bụng”.

Trong Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4, báo cáo của ông về hình ảnh Việt Nam trong văn học và báo chí Nga gây nhiều sự chú ý, đặc biệt, cụ thể ông có nhắc đến một tác phẩm của Công tước Nga Konstantin Vyazemski viết về chuyến sang VN năm 1892. Ông có thể nói kỹ hơn về tác phẩm này?

- Một trong những điểm hấp dẫn nhất trong nhật ký của Công tước Vyazemski là câu chuyện về thời gian nhà quý tộc này hiện diện ở kinh đô An Nam và nhiều thành phố khác ở VN. Tất cả những ghi chép của ông về chuyến đi các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan… bao gồm 40 cuốn sổ, trong đó phần dành riêng cho những ghi chép về VN là 10 cuốn. Đây là một cuốn sách có nhiều tri thức thú vị. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa Đông Tây sẽ chuyển dịch và xuất bản để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam.

Đã từng 2 lần tham gia các hội thảo quốc tế về Việt Nam học, vấn đề ông quan tâm nhất ở văn hóa VN hiện nay là gì?

- Tôi quan tâm đến văn hóa VN hiện đại, tìm hiểu văn hóa đại chúng, về tình hình giao lưu văn hóa giữa VN và văn hóa châu Âu cũng như với văn hóa Nga. Giới trẻ VN hiện rất quan tâm tới văn hóa các nước phương Đông, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc. Tôi thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc rất rõ nét. Trong thời buổi hiện nay, việc giao lưu giữa các nền văn hóa là chuyện đương nhiên, nhưng điều quan trọng phải cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, đừng để nền văn hóa của đất nước này trở thành nền văn hóa dịch vụ cho một nền văn hóa khác.

Về sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, có một hiện tượng đang gây tranh cãi trong đời sống văn hóa VN thời điểm này, đó là fan cuồng sao Hàn. Ông chia sẻ gì về việc này?

- Tôi nghĩ không nên đặt nặng vấn đề quá, những bạn fan này họ đang còn trẻ, những hành động mà chúng ta cho là ấu trĩ rồi cũng sẽ qua thôi khi họ trưởng thành hơn. Tuy nhiên, những người trưởng thành thì lại phải quan tâm đến vấn đề này một cách thấu đáo. Phải làm cho văn hóa trong nước đủ sức hấp dẫn để thu hút giới trẻ, đó là vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc mình như tôi đã nói ở trên.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem