Dùng mưu hiểm tiêu diệt tướng tài của địch, nhà Thanh ung dung thôn tính toàn bộ Trung Hoa

Vương Nam Thứ hai, ngày 11/11/2019 00:25 AM (GMT+7)
Sau nhiều lần thất bại thảm hại trước nhà Minh, vua Thanh là Hoàng Thái Cực đã hiểu rõ được vấn đề mấu chốt của thất bại là nằm ở Viên Sùng Hoán. Ông ta ngày đêm lo nghĩ kế sách để tiêu diệt bằng được vị tướng tài này.
Bình luận 0

img

Viên Sùng Hoán bị hãm hại và chết oan (ảnh minh họa)

Lợi dụng sự ngu tối và độc đoán của hoàng đế Sùng Chinh, cùng với sự lộng hành của những gian thần trong nội bộ nhà Minh, Hoàng Thái Cực không tiếc vung tiền bạc và công sức, cố phao tin rằng Viên Sùng Hoán tư thông với địch, mưu đồ tạo phản.

Nhiều kẻ gian thần trước đó vốn đã ghen tị với công lao của Viên Sùng Hoán, nhanh chóng chớp lấy cơ hội này. Họ đua nhau dâng tấu, vu cáo cho Viên Sùng Hoán, cố tình dẫn quân Thanh qua cửa ải, tiến đánh Bắc Kinh.

Những kẻ này còn nói, Viên Sùng Hoán đã tự ý thỏa thuận với quân Thanh việc nghị hòa, với nhiều điều khoản bất lợi cho nhà Minh. Khi quân Kim rút lui, Viên Sùng Hóa đã cố tình không truy kích, để cho quân địch bảo toàn lực lượng.

Vốn tính đa nghi, dù không hề có bằng chứng nào xác đáng, hoàng đế Sùng Chinh cũng tin ngay vào những lời xàm tấu. Viên Sùng Hoán lập tức bị bắt về kinh hỏi tội. Sùng Chinh trách tội ông tại sao đưa viện binh về cứu Bắc Kinh quá chậm, rồi hạ lệnh tống giam vào ngục.

Tháng 8.1630, Viên Sùng Hoán bị buộc tội phản quốc, xử tử bằng cực hình lăng trì, vợ con bị bắt đi đày 3.000 dặm. Đau đớn hơn, nhân dân trong thành Bắc Kinh trước đây do Viên Sùng Hoán hết lòng bảo vệ, cũng đồng loạt sỉ vả ông là kẻ bán nước.

Minh sử chép, Viên Sùng Hoán bị xẻo thịt ngoài cổng thành, dân trong thành căm phẫn lao tới tranh nhau từng miếng thịt mà ăn sống.

img

Sau khi Viên Sùng Hoán chết, quân Thanh mặc sức tung hoành (ảnh minh họa)

Cái chết của Viên Sùng Hoán đầy oan ức và đau đớn không kém gì so với danh tướng Nhạc Phi thời Tống, từng bị Tần Cối hãm hại. Tiêu diệt được Viên Sùng Hoán, nhà Thanh coi như đã tiêu diệt được nhà Minh.

Sau khi Viên Sùng Hoán chết, quân Thanh lập tức hoạt động mạnh, chiếm lại thế chủ động trên chiến trường. Lúc này, Sùng Chinh mới biết sai lầm của mình, nhưng nhất định không chịu thừa nhận.

Viên Sùng Hoán về sau được hoàng đế nhà Thanh là Càn Long minh oan. Ông được người dân Trung Quốc vô cùng sùng bái, đúc tượng ở nhiều nơi. Mộ Viên Sùng Hoán ngày nay cũng trở thành di tích lịch sử của Trung Quốc.

Cái chết của Viên Sùng Hoán đã khiến cho cả vùng Liêu Đông rụng rời, binh sĩ tiền tuyến đều thể hiện sự chán nản và bất mãn với triều đình, không còn tinh thần chiến đấu.

Hoàng Thái Cực giải tỏa được áp lực từ Viên Sùng Hoán, ra sức củng cố và mở rộng lực lượng, đánh dẹp trong ngoài. Trước sự hoạt động trở lại của quân Thanh, năm 1639, nhà Minh điều viên tướng có tài là Hồng Thừa Trù đến phòng thủ Sơn Hải quan.

img

Hồng Thừa Trù thảm bại trước quân Thanh (ảnh minh họa)

Tháng 7.1641, Hoàng Thái Cực huy động quân Bát Kỳ, lúc này đã lên tới 17 vạn, tiếp tục công phá Sơn Hải quan, trước hết là đánh chiếm thành Cẩm Châu.

Hồng Thừa Trù cùng phó tướng là Ngô Tam Quế đem 13 vạn quân đến chi viện Cẩm Châu. Ông ta điều quân đến núi Tùng Sơn, chia quân làm 3 trại, đối mặt với quân Thanh.

Tuy nhiên, trước đó, quân Minh đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Hồng Thừa Trù vốn là một viên tướng có lối tác chiến rất cẩn thận, chủ trương đánh chắc, tiến chắc, không linh hoạt như cách dùng binh của Viên Sùng Hoán.

Chính vì điểm này mà khi hành quân, ông ta liên tục bị triều đình thúc giục, bắt đẩy nhanh tốc độ. Để có thể tiến quân nhanh, Hồng Thừa Trù đã liều lĩnh bỏ lại hết lương thảo tại Bút Giá Cương gần thành Ninh Viễn. Ông ta tin chắc rằng có thể đánh bại quân Thanh chỉ trong một trận, rồi rút lui.

Hoàng Thái Cực nắm được nhược điểm này, lập tức dùng kỵ binh nhanh chóng tiến lên chiếm cứ địa hình và đóng quân tại khoảng giữa Ninh Viễn và Cẩm Châu, cắt đứt lương thảo và cũng là đường rút lui của quân Minh.

Sau đó, quân Bát Kỳ triển khai bao vây hai mặt, phòng thủ không giao chiến, làm cho tinh thần chiến đấu của quân Minh suy giảm. Hoàng Thái Cực đem quân đi đoạt hết lương thảo tại Bút Giá Cương, quân Minh biết tin này, hoang mang tột độ.

Hồng Thừa Trù cùng đại quân bị vây khốn tại Cẩm Châu suốt 6 tháng, không đột phá được ra ngoài. Cạn kiệt lương ăn, những binh sĩ không nghe lệnh của ông ta nữa, đã mở cửa thành cho quân Thanh tiến vào, xin đầu hàng.

img

Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh (ảnh minh họa)

Hoàng Thái Cực biết Hồng Thừa Trù là tướng tài, nên cố ý thu phục. Ông ta cho một thuộc hạ gốc người Hán là Phạm Văn Trình, đến khuyên Hồng Thừa Trù quy thuận nhà Thanh.

Hồng Thừa Trù không chấp nhận, còn chửi mắng Phạm Văn Trình thậm tệ. Trong lúc đôi bên tranh cãi, có một đám bụi từ trên xà nhà rơi xuống áo, Hồng Thừa Trù lập tức đưa tay phủi đi, Phạm Văn Trình thấy vậy, mỉm cười ra về.

Phạm Văn Trình sau đó tâu lại với Hoàng Thái Cực rằng, Hồng Thừa Trù đến cái áo còn tiếc, nữa là tính mạng của bản thân. Quả nhiên, Hoàng Thái Cực nghe lời tự mình đến thuyết phục, Hồng Thừa Trù liền quy thuận nhà Thanh.

Sự việc Hồng Thừa Trù đầu hàng, đã khiến ý chí chiến đấu của quân Minh tại vùng Liêu Đông tan rã, quân Thanh mặc sức công phá, dễ dàng chiếm được cả Cẩm Châu và Ninh Viễn – hai thành trì mà trước đây, Viên Sùng Hoán đã dốc sức xây dựng.

Trong khi đang chuẩn bị lực lượng đánh phá nốt Sơn Hải quan, tiến vào Trung Nguyên, tháng 9.1643, Hoàng Thái Cực đột ngột qua đời. Em trai của ông ta là Đa Nhĩ Cổn nắm mọi quyền hành, lập Phúc Lâm con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực lên nối ngôi, tiếp tục công cuộc tiêu diệt nhà Minh.

Trong khi đó, đầu năm 1643, Quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành lúc này cũng giành được nhiều thắng lợi, tiến sát đến uy hiếp kinh thành Bắc Kinh. Ngô Tam Quế đang trấn giữ Sơn Hải quan, được lệnh đem quân về ứng cứu.

Đáng tiếc, Ngô Tam Quế không thể sánh được với Viên Sùng Hoán cả tài năng và lòng yêu nước. Chần chừ đến 10 ngày sau, ông ta mới chậm chạp đưa quân về. Tháng 3.1644 quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành đã chiếm được thành Bắc Kinh, hoàng đế Sùng Chinh phải thắt cổ tự vẫn.

img

Ngô Tam Quế mở tung Sơn Hải quan, rước quân Thanh vào Trung Nguyên (ảnh minh họa)

Ngô Tam Quế vốn định quy thuận Lý Tự Thành, nhưng nghe tin ái thiếp của mình là Viên San San bị quân khởi nghĩa bức hại. Ông ta căm phẫn, giao chiến với quân của Lý Tự Thành suốt mấy tháng, nhưng cũng không chiếm lại được Bắc Kinh.

Hết cách, Ngô Tam Quế quay binh trở lại mở tung cửa ải Sơn Hải quan, rước quân Thanh vào chiếm Bắc Kinh. Ngô Tam Quế chỉ muốn đánh báo thù nhưng lại lấy danh nghĩa phối hợp quân Thanh để diệt giặc, cứu nước.

Đa Nhĩ Cổn không bỏ lỡ cơ hợi ngàn vàng này. Quân Thanh cùng quân của Ngô Tam Quế liên minh, chia làm 2 cánh tiến thẳng về Bắc Kinh.

Quân của Lý Tự Thành không thể kháng cự lại sức mạnh của quân Bát Kỳ. Lý Tự Thành đánh thua hết trận này đến trận khác, cuối cùng phải tháo chạy. Tháng 4.1645, Lý Tự Thành bị giết hại tại Hồ Bắc (Trung Quốc)

.

img

Nhà Thanh chính thức trở thành một triều đại của Trung Quốc (ảnh minh họa)

Đa Nhĩ Cổn chiếm được Trung Quốc, sai các tướng nhà Minh tiếp tục đi đánh dẹp các thế lực khởi nghĩa còn sót lại. Chẳng bao lâu sau, những thế lực chống Thanh đều bị dẹp yên. Nhà Thanh tuyên bố xóa bỏ liên minh với Ngô Tam Quế, thiết lập quyền thống trị trên toàn lãnh thổ Trung Hoa.

Đa Nhĩ Cổn thực hiện biện pháp đồng hóa, ép tất cả người Hán phải cạo nửa đầu, thắt bím tóc, ăn mặc và sinh hoạt theo lối nhà Thanh. Ông ta cũng cho tàn sát đẫm máu những kẻ không chịu quy phục.

Như vậy, trải qua ba đời vua, người Nữ Chân từ những bộ tộc nhỏ bé, cuối cùng đã hoàn thành công cuộc chinh phục toàn bộ Trung Hoa. Một lần nữa họ đã ghi tên mình trong lịch sử với tư cách là một triều đại chính thống của Trung Quốc.

_____________

Trong công cuộc thôn tính Trung Quốc của nhà Thanh không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của quân đội Bát Kỳ. Vậy đội quân nổi tiếng này tồn tại trong lịch sử thế nào, có sức mạnh thật sự ra sao? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ tới.

Đánh đến sát Bắc Kinh gây rúng động nhà Minh, quân Thanh bất ngờ đại bại vì tay Viên Sùng Hoán

Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời, con trai thứ tám là Hoàng Thái Cực kế vị, lập ra nhà Thanh. Tuy tài năng không thua kém gì...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem