Được đánh giá vượt trội về năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, cây trồng chỉnh sửa gen vẫn ngóng chờ cơ chế?

P.V Thứ bảy, ngày 05/10/2024 14:06 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia trong nước hiện đang rất kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen để từ đó tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm này tại thị trường trong nước
Bình luận 0

Nhiều triển vọng từ cây trồng chỉnh sửa gen

Giới thiệu tại Diễn đàn "Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, TS.Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, Viện Di truyền nông nghiệp là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam được giao thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về ứng dụng công nghệ đột biến chính xác bằng CRISPR/Cas.

Cây trồng chỉnh sửa gen ngóng chờ cơ chế? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Diễn đàn "Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Là một nhà khoa học trẻ, TS Nguyễn Duy Phương cùng các cộng sự đã tập trung vào phát triển dòng lúa đột biến chủ lực TBR225. Dòng lúa được phát triển sau này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc kim loại Cadmium khi lúa được canh tác trên vùng đất có hàm lượng Cadmium cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Bên cạnh đó, nhờ công nghệ chỉnh sửa gen, giống TBR225 cũng được cải tiến tính kháng bệnh bạc lá. Tính kháng đã được đánh giá qua 3 thế hệ liên tục để chứng minh sự di truyền ổn định. Điều đặc biệt là các đặc tính nông - sinh học, cũng như chất lượng của các dòng lúa TBR225 đột biến, được duy trì tương tự so với giống gốc ban đầu. Giống mới khắc phục hoàn toàn nhược điểm của các chương trình chọn giống phân tử tạo giống lúa kháng bệnh bạc lá bằng các phương pháp khác trước đây.

Tuy vậy, điều nhà khoa học trẻ băn khoăn đó chính là cho đến thời điểm hiện tại những quy định cho các loại giống cây trồng chỉnh sửa gen vẫn chưa rõ ràng. 

Cây trồng chỉnh sửa gen ngóng chờ cơ chế? - Ảnh 2.

TS.Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp giới thiệu về công nghệ chỉnh sửa gen ứng dụng trong việc chọn tạo ra các giống cây trồng mới.

"Trên thực tế, để tạo ra được một giống cây trồng biến đổi gen, chi phí có thể lên đến 100 triệu USD và có thể kéo dài trong 15 năm, nhưng với việc phát triển các giống cây trồng chỉnh sửa sen thì mất 3 - 4 năm với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Hiện, các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản cũng đã có những quy định rất rõ ràng để phân loại các cây trồng chỉnh sửa gen và tạo môi trường cho nó phát triển, do vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý của Việt Nam sớm tạo hành lang pháp lý cho những cây trồng chỉnh sửa gen sớm được đưa vào khảo nghiệm và thương mại hóa", TS. Nguyễn Duy Phương nói. 

Trong khi đó, TS Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, tại Viện Công nghệ sinh học, các nhà khoa học đã hợp tác với chuyên gia quốc tế, các nhóm nghiên cứu trong nước để tiếp cận, phát triển và ứng dụng thành công các hệ thống chỉnh sửa hệ gen CRISPR/Cas trong cả các hướng nghiên cứu cơ bản trên thực vật và cải tạo giống cây trồng. 

Cây trồng chỉnh sửa gen ngóng chờ cơ chế? - Ảnh 3.

TS Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) giới thiệu các giống cây trồng chỉnh sửa gen do viện nghiên cứu.

Theo đó, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu do Bộ NNPTNT hỗ trợ, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học kết hợp với các thành viên từ Viện Di truyền nông nghiệp đã phát triển cấu trúc chỉnh sửa gen để gây đột biến làm mất chức năng gen liên quan tới sinh tổng hợp axit béo trong giống đậu tương ĐT26 của Việt Nam. Kết quả bước đầu thu được các dòng đậu tương đột biến tiềm năng có hàm lượng oleic axit tăng vượt bậc (trên 80%) so với giống gốc (20%). Hàm lượng linoleic axit giảm mạnh từ trên 50% (ở giống gốc) xuống còn dưới 5% (ở các dòng cây đột biến). 

Cũng trong định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhóm nghiên cứu đã thành công tạo đội biến định hướng gen bZIP1 trên cây cà chua; ứng dụng thành công hệ thống chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 để tăng cường tính kháng bệnh trên cây trồng; ứng dụng thành công hệ thống CRISPR/Cas9 để gây tạo đột biến định hướng gen OsDSG1 liên quan tới cơ chế chống chịu điều kiện bất lợi của cây trồng. 

Đánh giá về việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho rằng, để đảm bảo ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra sự đột phá, những kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen đã cung cấp các giống mới với các tính trạng mong muốn như: tính chịu hạn, kháng bệnh, chống chịu mặn; sử dụng chất dinh dưỡng, tăng năng suất và sức sống tự nhiên, hiệu quả sử dụng nước…

Cây trồng chỉnh sửa gen vẫn ngóng chờ cơ chế

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa.

Cây trồng chỉnh sửa gen ngóng chờ cơ chế? - Ảnh 4.

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế.

Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất. Công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam”, bà Sonny nhìn nhận và khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện (cả về nông sản lẫn dịch hại) để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.

Theo đại diện của CropLife châu Á, cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong, sắm vai trò “mở đường” cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới.Bên cạnh việc tự nghiên cứu về biến đổi gen, bà Sonny đề nghị Việt Nam tham khảo công nghệ, chính sách của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…

“Khi nhìn vào khung pháp lý của các quốc gia lân cận, CropLife thấy có sự tương đồng với Việt Nam. Tôi tin, các bạn sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu khi phát triển các công nghệ sinh học trong tương lai”, bà nhấn mạnh.

Theo bà Sonny Tababa, cho tới nay, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen khiến cho lộ trình ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước

"Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gen và các sản phẩm cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo cải tiến. Khung pháp lý cần dựa trên cơ sở khoa học, có tính dự báo và hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế để tối ưu hoá tiềm năng của công nghệ đồng thời đảm bảo được việc ứng dụng có hiệu quả, bền vững các giải pháp này trong định hướng phát triển nông nghiệp chung", bà Sonny Tababa nhấn mạnh.

Cây trồng chỉnh sửa gen ngóng chờ cơ chế? - Ảnh 5.

Lợi ích trong việc lai tạo giống cây trồng. Nguồn: CropLife.

Đánh giá về những thành tựu ứng dụng công nghệ sinh học, TS.Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI cho biết, những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc BVTV, cải thiện chất lượng đất, môi trường.

Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Tỷ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích. Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. Bên cạnh nuôi cấy ngô, công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, giúp đảm bảo mùa vụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức”, ông Phát nói.

Từ thực tế đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho rằng, cần đẩy mạnh thương mại hóa các công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học.

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, song song với việc nghiên cứu các giống chỉnh sửa gen, Việt Nam cũng cần triển khai đồng bộ các khung khổ pháp lý cho giống cây trồng này phát triển. Đây là yếu tố quan trọng khi thế giới đã tiến rất xa về chỉnh sửa gen.

Việc nâng cao công nghệ chỉnh sửa gen, theo GS.TS Lê Huy Hàm, hết sức cần thiết, nhằm giúp sản phẩm Việt Nam tránh khỏi những ràng buộc không đáng có đối với sản phẩm biến đổi gen (GMO).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem