Được đốt pháo hoa không nổ, thị trường "chợ đen" lại nở rộ loại pháo nổ trái phép

Đình Việt - Diệu Bình Thứ ba, ngày 19/01/2021 13:27 PM (GMT+7)
Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP người dân chỉ được mua pháo hoa không nổ và mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. Thế nhưng theo ghi nhận của Dân Việt, việc mua bán pháo nổ vẫn diễn ra rầm rộ trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Mua pháo nổ, pháo hoa ở chợ đen trên mạng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 và thay thế nghị định 36/2009. Tại điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Gần Tết, ngồi nhà lướt Facebook là mua được pháo hoa - Ảnh 1.

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều nhóm được lập ra để bán pháo hoa không rõ nguồn gốc

Tuy nhiên tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. Đồng thời, loại pháo hoa người dân được mua và sử dụng là pháo hoa không nổ.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện tại vẫn chưa có một điểm bán pháo hoa chính thức nào đi vào hoạt động. Tại Phú Thọ có một điểm bán là cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm pháo hoa của Công ty TNHH một thành viên hóa chất 21 tại xã Phú Hộ, TX.Phú Thọ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trong khi thị trường pháo hoa "chính ngạch" vẫn đang khá im ắng thì "chợ đen" trên mạng xã hội lại đang hoạt động rầm rộ, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán. 

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, đa phần các đối tượng rao bán pháo lậu qua mạng đều sử dụng các tài khoản Facebook hoặc các tài khoản Zalo không có thông tin chính xác để tiện hoạt động.

Trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ từ khóa "pháo hoa Tết" là lập tức xuất hiện nhiều nhóm kín và công khai rao bán đầy đủ các loại pháo, từ pháo hoa đến pháo nổ, từ loại vừa đến loại lớn. 

Các "chủ hàng" đều cam kết đáp ứng đầy đủ số lượng theo nhu cầu của người mua. Giá cả các loại pháo cũng có rất nhiều mức tùy theo nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, để tăng độ tin cậy các chủ hàng thường quay cận cảnh các loại pháo cho khách hàng yên tâm.

Lần theo một trang rao bán pháo công khai trên Facebook có tên "pháo hoa không cọc, Tết 2021" chúng tôi phát hiện, ở đây rao bán nhiều loại pháo khác nhau, kèm theo hình ảnh cụ thể cho từng loại. 

Theo đó, pháo hoa nổ có giá 500.000 đồng/bệ 36 quả, pháo trứng 20 nghìn đồng/quả (bán ít nhất 50 quả), pháo bi 400.000 đồng mỗi bịch, pháo diêm 1 hộp 60 viên, mỗi viên 100.000 đồng, pháo bánh thì bán theo mét, giá là 1,1 triệu/bánh 5 mét.

Gần Tết, ngồi nhà lướt Facebook là mua được pháo hoa - Ảnh 3.

Giá các loại pháo được các chủ hàng niêm yết công khai trên mạng xã hội.

Trong vai người có nhu cầu mua pháo chơi Tết, PV nhắn tin cho một "chủ hàng" có tên Kiều Duyên, người này lập tức gửi cho hình ảnh các loại pháo và giá. Người này giới thiệu, mình có nguồn hàng uy tín, đảm bảo giao hàng đúng thời hạn và đúng chủng loại như cam kết. 

Để lấy lòng tin, Duyên còn gửi riêng cho chúng tôi nhiều đoạn tin nhắn của mình đã trao đổi mua bán với các khách hàng trước đó.

Về cách thức trao đổi hàng, Duyên cho biết, nếu mua chúng tôi phải chuyển cho Duyên một khoản tiền cọc bằng cách nạp thẻ điện thoại. 

Theo Duyên đây là khoản tiền mà khi giao hàng nếu bên mua không nhận sẽ coi là tiền vận chuyển. Còn tiền hàng sẽ thanh toán khi hai bên gặp nhau.

"Nếu bạn không tin tưởng mình sẽ không ép, để tránh mất thời gian của nhau" - Duyên thẳng thắn. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi thêm một số câu hỏi liên quan đến pháp lý, chủ hàng này không trả lời và chặn số tài khoản của PV.

Gần Tết, ngồi nhà lướt Facebook là mua được pháo hoa - Ảnh 5.

Những lời giới thiệu có cánh ở trong các nhóm mua bán pháo.

Trong quá trình tìm hiểu, thông qua một mối quan hệ quen biết, chúng tôi đã tiếp cận được với anh T., người chuyên mua pháo trên mạng xã hội. Anh T. chia sẻ, mình là người thường xuyên mua pháo để chơi vào những dịp Tết. Mấy năm nay, việc mua bán pháo bị siết chặt nên nguồn hàng trở nên khan hiếm, thế nhưng anh vẫn mua được qua mối quen.

Anh T. chia sẻ, nếu muốn mua loại pháo gì anh chỉ cần nhắn tin cho chủ một trang Facebook là có hàng ngay. Để khẳng định lời mình là đúng, anh T. nói nếu chúng tôi có nhu cầu anh sẽ mua hộ. Và quả thật, khi nhờ anh T. mua giúp một loại pháo thì đúng nửa ngày PV đã nhận được hàng.

"Ngày trước cũng bị lừa nhiều lắm, mình chuyển tiền cọc sau đó bên bán hàng mất tích luôn. Lúc đó phải chấp nhận mất tiền thôi vì đây là hàng cấm đâu có dám kêu ca gì" – anh T. kể.

Gần Tết, ngồi nhà lướt Facebook là mua được pháo hoa - Ảnh 6.

Loại pháo mà anh T. đã mua giúp chúng tôi.

Về cách nhận hàng, anh T. bật mí, nếu là khách quen hai bên sẽ giao dịch trực tiếp, còn khách lạ, cách giao hàng sẽ tinh vi hơn. Thông thường, khách hàng sẽ được yêu cầu nhận hàng theo hình thức "chỉ điểm", tức là người bán sẽ không lộ mặt trực tiếp.

Trước khoảng 10 đến 15 phút, khách hàng sẽ được thông báo về việc chuẩn bị nhận hàng. Hàng sẽ được giao đến một địa điểm công cộng gần nhà người mua, việc của người mua là bí mật đến nhận hàng. Tuy nhiên, với cách giao dịch này, không ít người mua đã bị lừa khi lỡ chuyển khoản mà không nhận được hàng.

Còn nhiều băn khoăn 

PV Dân Việt cũng đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến của người dân xung quanh Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Anh Việt Nguyễn (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra vui mừng với chủ trương này, bởi vì có những loại pháo hoa đang bị cấm đốt nay lại được phép sử dụng.

Gần Tết, ngồi nhà lướt Facebook là mua được pháo hoa - Ảnh 7.

Đoạn tin nhắn chúng tôi trao đổi với Duyên, người khẳng định mình có nhiều loại pháo hoa.

"Vấn đề là khi chưa có Nghị định cứ mỗi dịp Tết nhiều người vẫn mua pháo lậu về đốt, nay đã được quy định cụ thể sẽ được mua công khai tại các điểm bán, chỉ cần khi đốt xuất trình được các giấy tờ là thoải mái. Tết có tí pháo hoa sẽ vui cửa vui nhà, chính vì vậy tôi ủng hộ Nghị định 137" – anh này chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Việt Nguyễn cũng lưu ý rằng, mọi người nên đọc kỹ Nghị định kẻo vi phạm pháp luật bởi, với loại pháo hoa nổ, Chính phủ vẫn cấm hoàn toàn, nghĩa là người dân không được mua bán, sử dụng. 

Pháo hoa nổ chỉ được sử dụng theo giấy phép và phải đăng ký trước. Việc bắn pháo hoa nổ do quân đội phụ trách; các cơ quan, tổ chức khác ngoài quân đội không được bắn pháo hoa nổ, trừ các trường hợp Thủ tướng quy định phục vụ cuộc thi bắn pháo hoa.

Còn anh Lê Hoàng Long (Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn việc cho phép người dân đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật, cưới hỏi sẽ gây ra nhiều tiêu cực đối với xã hội. Anh Long lo ngại nhất là nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn.

Ngoài ra, sẽ có tình trạng ở đám cưới nào cũng thấy đốt pháo, như vậy sẽ rất tốn kém. Và công tác quản lý cũng đặt ra nhiều lo ngại như muốn đốt pháo hoa liệu có phải đăng ký trước với chính quyền hay khi bị kiểm tra chỉ cần trưng ra các giấy tờ mua bán là được.

Còn hiểu nhầm pháo hoa không nổ với pháo hoa nổ

Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.Đà Nẵng thông tin, qua nắm bắt dư luận xã hội, một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. 

Người dân đang hiểu chưa đúng và chưa phân biệt rõ ràng giữa pháo hoa nổ và pháo hoa không nổ. Đại tá Dũng nhấn mạnh, Nghị định 137 quy định chỉ cho phép người dân được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ.

Theo đó, Nghị định nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. 

Theo Nghị định 137, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. "Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật", Đại tá Quách Văn Dũng nhấn mạnh.

Nếu hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.

Còn theo Trung tá Đỗ Thị Thu Nga, Đội trưởng Đội Đặc Danh, Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an TP.Đà Nẵng cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng để người dân hiểu rõ hơn về Nghị định 137.  

Tại Đà Nẵng, đơn vị đã xây dựng đề cương tuyên truyền và cho thu âm để tuyên truyền bằng xe lưu động trên toàn thành phố; phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông tuyên truyền bằng hình thức gửi tin nhắn SMS đến từng người dân, qua Tổng đài 1022, qua mạng xã hội Zalo, Chatbox…; in và phát tờ rơi có nội dung và hình ảnh sinh động đến tay người dân trong các khu dân cư. 

Người dân cũng sẽ tham gia ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, kinh daonh và sử dụng các loại pháo nổ trái quy định.

Theo Trung tá Nga, Công an TP.Đà Nẵng cũng chủ trì buổi làm việc với các đơn vị như Cảng vụ Đà Nẵng, Bến xe Đà Nẵng, Ga Đà Nẵng và An ninh hàng không để lên kế hoạch ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển pháo lậu qua địa bàn.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”.

Theo đó: điểm b, Khoản 2 điều luật trên quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép; điểm d, Khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.

Ngoài ra, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi sẽ xem xét để xử lý hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem