Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại tọa đàm "Quảng bá du lịch từ giải thưởng uy tín" do Tạp chí Du lịch TP.HCM tổ chức ngày 2/8, các chuyên gia đã đưa ra nhiều góc nhìn thú vị, hữu ích về sự cần thiết cũng như các "cơ hội vàng" từ các giải thưởng du lịch uy tín.
TS. Nguyễn Đức Trí - Trưởng khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá khi thắng một giải thưởng du lịch uy tín, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được niềm tin và sự tin cậy với công chúng bên ngoài; tạo được nhuệ khí làm việc, lòng tự hào của nhân viên. Ngoài ra, giải thưởng cũng giúp doanh nghiệp có lợi thế trong việc tiếp thị, quảng bá hình ảnh.
Đặc biệt, quan trọng hơn cả chính là doanh thu của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể khi nhận được các giải thưởng.
Dẫn chứng bằng kết quả khảo sát, nghiên cứu gần đây, ông Trí cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi nhận được các giải thưởng uy tín thì nguồn thu tăng thêm 63%, trong khi các doanh nghiệp lớn tăng khoảng 48% doanh thu.
Thông thường, một giải thưởng du lịch có quá trình tổ chức, bình chọn khoảng 1 năm. Theo chuyên gia, trong thời gian này, với nhiều hình thức, doanh nghiệp tận dụng cơ hội để truyền thông, quảng bá, thậm chí là được truyền thông miễn phí. Việc truyền thông hình ảnh với ngành du lịch là vô cùng cần thiết. Với các doanh nghiệp thắng giải, việc truyền thông lại càng hiệu quả hơn nữa.
TS. Daisy Gayathri - ĐH RMIT Việt Nam, thì cho rằng các giải thưởng du lịch quốc tế lớn thúc đẩy việc quảng bá toàn cầu cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Melia Vinpearl Cam Ranh Beach Resort nhận giải thưởng World Luxury Hotel Award đã giúp tăng độ nhận diện toàn cầu và thu hút thêm khách du lịch. Hay Topas Ecolodge Sapa đã tạo nên một cột mốc mới khi được vinh danh trong danh sách các khu nghỉ dưỡng trên núi và ven hồ của National Geographic Traveller 2024.
TS. Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, nhìn nhận các giải thưởng du lịch đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch, nhất là khi tài nguyên du lịch của Việt Nam đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng du lịch thế giới. Giải thưởng giúp nâng cao trải nghiệm và thu hút du khách đến với những điểm đến được vinh danh, tăng doanh thu đáng kể cho địa phương.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng cần thiết có một giải thưởng du lịch uy tín trong nước để tôn vinh cũng như trở thành động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM, cho rằng việc tổ chức một giải thưởng cho ngành du lịch Việt bởi các chuyên gia Việt được xem là đúng thời điểm bởi đây là giai đoạn du lịch nội địa tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Giải thưởng này sẽ vinh danh các đơn vị, sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, ấn tượng trong năm, tạo ra giá trị thật cho ngành du lịch Việt Nam nói riêng và hình ảnh Việt Nam nói chung. Giải thưởng cũng tạo ra một tiêu chuẩn thật (đáng tin cậy) - chất (chuyên môn) cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm một Việt Nam xinh đẹp, ấn tượng hơn. Đây cũng là bước đệm để thúc đẩy ngành du lịch Việt tiệm cận chất lượng quốc tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Ông Lại Duy Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nêu giải thưởng du lịch uy tín tại TP.HCM hay cả nước là rất cần thiết. Ông đề nghị có giải thưởng về sản phẩm du lịch, sản phẩm này khách có thể đi tự túc hoặc thông qua lữ hành. Cần có giải thưởng cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài để tạo động lực cho họ đưa khách tới Việt Nam…
TS. Nguyễn Đức Trí gợi ý một giải thưởng du lịch Made in Vietnam để uy tín, cần có yêu cầu tối thiểu dành cho ứng viên như không nợ thuế, nợ lương nhân viên, quan tâm phát triển bền vững. Hoặc có thể tập trung giải thưởng du lịch của TP.HCM gắn với định vị hình ảnh thành phố hiện đại, nghĩa tình. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quốc tế tại TP.HCM tiếp cận.
Ông Trí cho rằng người tổ chức giải cũng cần có công thức truyền thông từ truyền thống (như qua kênh báo chí) đến hiện đại (truyền thông xã hội), đặc biệt lưu ý kênh truyền thông qua trò chơi điện tử, đây là kênh giao lưu cộng đồng hiệu quả. Các kênh này cần vận dụng phối hợp và linh hoạt để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.