Được ưu đãi khi ứng dụng công nghệ cao

Thứ năm, ngày 19/02/2015 08:00 AM (GMT+7)
Để tìm hiểu các quy định ưu tiên hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, phóng viên Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật Đức An (Thanh Xuân, Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Luật sư Hảo cho biết: Chúng ta vẫn nghe nói đến công nghệ thân thiện với môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao nên thường nghĩ thuần túy vấn đề khoa học, nhưng thực ra đã được luật hóa rất cụ thể:

Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14.1.2009 của Chính phủ thì: Công nghệ thân thiện với môi trường là công nghệ được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và tiêu dùng mà trong quá trình hoạt động, sử dụng gây hại ít hơn cho môi trường so với công nghệ tương tự và sản phẩm được tạo ra từ công nghệ đó là sản phẩm thân thiện với môi trường. Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm mà trong quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, tồn tại, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại và được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận.

img


Công nghệ nuôi cấy mô đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong tạo giống cây nông nghiệp.

Còn công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có. Hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp công nghệ cao. Và sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm do công nghệ cao tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường (Điều 3, Luật Công nghệ cao)

 

Tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường, thường phải đầu tư, chi phí lớn mà hiệu quả kinh tế thu được thì lại chưa tương xứng với đầu tư. Vậy Nhà nước có chính sách hỗ trợ để khuyến khích?

-        Chính sách ưu đãi của Nhà nước cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường được ghi nhận tại Điều 5, Điều 151, Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường  được ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai….

 Nghị định số 04/2009/NĐ-CP để cụ thể hóa chính sách ưu đãi trên. Ban hành kèm theo Nghị định này là danh mục hoạt động, sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi hỗ trợ. Tùy theo hạng mục đầu tư, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ tương ứng. Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, theo quy định thuộc khoản 2, mục II, phần A trong danh mục các hoạt động bảo vệ môi trường được đặc biệt ưu đãi thì sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn phí bảo vệ môi trường, được khấu hao tài sản cố định nhanh gấp 2 lần mức khấu hao hiện hành.

Cũng như vậy, các sản phẩm thân thiện với môi trường (bao gồm: sản phẩm sau khi thải bỏ dễ phân hủy trong tự nhiên; sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường được sản xuất để thay thế nguyên liệu tự nhiên; sản phẩm được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận.) thuộc danh mục các sản phẩm được ưu đãi, hỗ trợ. Sản phẩm này nếu xuất khẩu thì được miễn thuế xuất khẩu

Để biết thông tin chi tiết về chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, các bạn tìm hiểu Nghị định số 04/2009/NĐ-CP và Danh mục ưu đãi, hỗ trợ ban hành kèm theo Nghị định này.

Các bạn lưu ý, để tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 04/2009 nêu trên.

img

 

Cà chua cao cấp Đức Trọng đạt năng suất từ 150 – 200 tấn một ha. Ảnh (Văn Việt)

Còn đối với ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước quy định như thế nào về vấn đề này?

 

 

- Như đã nói ở trên, công nghệ cao sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đối với nông nghiệp, theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Luật Công nghệ cao thì phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao;

- Phòng, trừ dịch bệnh;

- Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao;

- Tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp;

- Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp;

- Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

- Phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

Vậy để ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp cần có điều kiện gì?

- Khoản 1, Điều 19 Luật Công nghệ cao quy định: Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật này để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;

b) Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;

c) Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao;

d) Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Vậy Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thế nào?

-        Về vấn đề này, khoản 2, Điều 19 Luật Công nghệ cao quy định:

 Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được ưu đãi, hỗ trợ như sau:

a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

b) Được xem xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

Ngày 17.12.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020

Mục tiêu của Chương trình nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Với các nhiệm vụ chủ yếu: Tạo và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra công nghệ cao, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Công nghệ cao; Mục 1, 2 và 4 Phần III Điều 1 Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31.12.2010 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan;

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Khoản 2 Điều 19, Khoản 2 Điều 20 Luật Công nghệ cao được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển theo quy định của Nhà nước và các ưu đãi khác do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo thẩm quyền.

Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ cao nhất theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 33 Luật Công nghệ cao và các quy định pháp luật có liên quan;

Doanh nghiệp hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong vùng.

Quyết định này thay thế Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29.1.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Ngày 25.11.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Theo đó công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp gồm: Công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường, công nghệ chế tạo, sản xuất các chế phẩm sinh học thế hệ mới phục vụ bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và dược liệu, công nghệ sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích dục tố thủy sản, phân bón thế hệ mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển liên quan đến nông nghiệp gồm: Giống cây trồng vật nuôi xuất khẩu chủ lực mới được tạo ra trên nền công nghệ tế bào có năng suất cao, sạch bệnh, chất lượng cao được sản xuất ở quy mô công nghiệp; giống các loại thủy, hải sản có chất lượng cao, sạch bệnh, tăng trưởng tốt và khả năng kháng bệnh cao với quy mô công nghiệp; chế phẩm vi sinh vật dùng trong nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới đạt tiêu chuẩn quốc tế; thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây trồng; thuốc kích dục tố thủy sản thế hệ mới đạt tiêu chuẩn quốc tế;…

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem