Được vay vốn, nông dân Quảng Nam vững tin làm du lịch sinh thái
Được vay vốn, nông dân Quảng Nam vững tin làm du lịch sinh thái, lãi hơn 300 triệu đồng/năm
Trần Hậu – Hiếu Nhi
Thứ tư, ngày 18/05/2022 16:37 PM (GMT+7)
Thời gian qua, được sự đồng hành và tiếp vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Tổng (51 tuổi) ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã vững tin mở rộng mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái, nhờ đó ông lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Đổi đời nhờ trồng cây ăn quả kết hợp làm du lịch từ vốn vay Agribank
Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Nguyễn Tổng, được ông cho biết: Trước đây, vợ chồng ông làm nghề buôn bán trái cây ở trong miền Nam. Thấy họ làm du lịch sinh thái hiệu quả, nên khi về quê vợ chồng ông học theo.
Năm 2017, vợ chồng ông Tổng bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất ruộng của gia đình với diện tích hơn 1.000m2, với những loại cây trồng như ổi, mận, mít, bưởi da xanh… Qua 2 năm nhiều cây cho trái bói, đã có sản phẩm thu hoạch.
Ông Tổng cho biết thêm, mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, năm 2019, ông đã vay vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô. Đến nay, quy mô vườn cây ăn trái có diện tích rộng hơn 4ha với 500 cây bưởi da xanh, 300 cây ổi, 200 cây xoài, 400 cây chanh và nhiều loài cây ăn quả khác…
Tính đến 30/4/2022, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 2.195 tỷ đồng, tăng 65 tỷ đồng so với đầu năm 2022, tỷ lệ tăng đạt 3,05%, dư nợ cho vay đến nay đạt hơn 1.085 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng đạt 3,83%. Riêng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm hơn 80%/tổng dư nợ.
Ông Tổng chia sẻ: Nhiều nông dân như ông ban đầu khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn. Ông thấy Ngân hàng Agribank cho vay đối với những nông dân như ông rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.
Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái của ông đang phát triển tốt. Hàng năm, vườn cây ăn trái của gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng gần 200 tấn trái cây các loại, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
"Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các hội đoàn thể của xã. Đặc biệt là nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc, tôi rất biết ơn ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi vay vốn để mở rộng quy mô vườn cây ăn trái của gia đình.
Mặc dù mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái mới hình thành được 5 năm nay nhưng gia đình tôi đã có của ăn của để, khá giả hơn trước rất nhiều…"- ông Tổng phấn khởi nói.
Tiếp tục tiếp vốn cho tam nông
Ông Tổng cho biết, trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, bên cạnh cung cấp trái cây, vườn cây ăn trái của gia đình còn kết hợp phát triển du lịch sinh thái, với mỗi vé vào cổng tham quan khu vườn 30.000 đồng/người, hàng ngày đón hơn 100 khách đến tham quan. Dịch đã ổn định trở lại trạng thái bình thường mới, hy vọng rằng thời gian tới, dịch vụ du lịch sẽ khôi phục , khi đó gia đình sẽ có thêm nguồn thu nhập…
Ông Tổng nhớ lại khó khăn lúc mới khởi nghiệp: Ban đầu khi mới chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn vốn, lẫn kinh nghiệm. Việc chuyên canh cây ăn quả cũng không phải dễ, đòi hỏi nông dân phải thâm canh, nắm kỹ thuật, công nghệ và chịu đầu tư…
Được biết, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Tổng là mô hình điểm về phát triển nông nghiệp tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Mô hình sản xuất trồng cây ăn quả của ông Tổng còn giải quyết hơn 10 lao động tại địa phương với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Đăng Tuấn – Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ động cung cấp vốn tín dụng cho người dân để phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ cá thể…
Ở huyện Đại Lộc không chỉ có hộ ông Nguyễn Tổng mà còn nhiều hộ tiêu biểu khác. Việc được tiếp cận nguồn vốn Agribank kịp thời, đã giúp cho nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, nhờ đó mà hàng trăm nông dân đã có cuộc sống khá giả.
"Trong thời gian tới, Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc sẽ bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn giúp người nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập…"- ông Tuấn cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.