Đường bay nội địa thu hẹp đang gây khó cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 29/03/2024 15:29 PM (GMT+7)
Theo lãnh đạo một công ty lữ hành, sân bay Cần Thơ mặc dù là sân bay quốc tế nhưng không có đường bay quốc tế nào được duy trì đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, 11 đường bay nội địa kết nối Cần Thơ với các vùng miền thì hiện chỉ có 4. Điều này gây khó cho ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0

Hôm nay (29/3), tại TP.Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ tổ chức hội thảo xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL.

Tại sự kiện này, bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho biết, ĐBSCL có đường cao tốc, đường bộ hỗ trợ phát triển du lịch nhưng đường hàng không gặp khó.

"Ở góc nhìn doanh nghiệp lữ hành, hiện nay, chúng tôi thấy rất khó khăn ở đường hàng không. Mặc dù sân bay Cần Thơ là sân bay quốc tế nhưng rõ ràng không có đường bay quốc tế nào được duy trì đến thời điểm hiện tại. Và trong số 11 đường bay nội địa kết nối Cần Thơ với các vùng miền thì hiện nay chỉ có 4, tức đã đóng hết 7 đường bay nội địa rồi" - bà Thy nói.

Bà Thy nói thêm: "Không có đường bay quốc tế, không có đường bay từ các tỉnh về, như vậy lượng khách du lịch muốn đẩy lên rất khó, đây là thiếu sót, không mang tính liên kết".

Đường bay nội địa thu hẹp đang gây khó cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

San bay Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Để gia tăng thêm khách du lịch đến với ĐBSCL, bà Thy cho rằng, đường hàng không cần được liên kết, kết nối trong thời gian tới.

Thêm vào đó là phát triển sản phẩm du lịch có tính sáng tạo, mang tính độc đáo và không trùng lặp giữa các tỉnh thành, xúc tiến quảng bá du lịch, tăng sự hài lòng về trải nghiệm của du khách tại các điểm đến.

Bà Thy mong muốn có khu trung tâm văn hóa ẩm thực bởi hầu hết khách du lịch khi đến miền Tây đều có sở thích tìm hiểu ẩm thực nơi mình tới, đây một nhu cầu không thể bỏ qua. Bởi lẽ ở miền Tây, ẩm thực chính là sự kết tinh văn hóa của cả một vùng miền, nên khách du lịch không những muốn thưởng thức mà còn muốn học, muốn nghiên cứu, tìm hiểu.

Trong phần phát biểu của mình tại sự kiện, bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nêu, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, ngoài sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cần phối hợp chặt chẽ tạo nên sự đồng hành, tham gia của các ngành, các địa phương, các đơn vị cung ứng du lịch như vận tải, hàng không, dịch vụ để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhanh chóng đưa du lịch phát triển toàn diện.

ĐBSCL là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo và du lịch tâm linh... Trong những năm qua, du lịch ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Sau đại dịch Covid-19, du lịch ĐBSCL cũng đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Ước tính năm 2023, tổng số khách đến "vùng đất chín rồng" đạt gần 45 triệu lượt (tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt (tăng hơn 3 lần với năm 2022), doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng (tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem