Ngày 30.6, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Toàn bộ công trình có mức đầu tư là 8.974 tỷ đồng, trong đó có 800 tỷ đồng vốn của VEC và 8.174 tỷ đồng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Sau khi được kiểm tra và chứng nhận công trình đạt tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc loại A, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã chính thức thu phí đường bộ đối với các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (từ nút giao Đại Xuyên đến nút giao Cao Bồ) bắt đầu từ 22h tối ngày 6.7.2012.
Tuy nhiên, việc thu phí đã phát sinh một số vấn đề ngoài dự kiến khiến cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình rơi vào cảnh ùn tắc, mà nguyên nhân chính được xác định phần lớn do chính…trạm thu phí tạo nên.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự việc trên, phóng viên vovgiaohthong.vn đã tiến hành thực tế tại tuyến cao tốc này.
Mù mờ thông tin...
Theo quy định tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc trên đều phải chịu phí. Mức phí thấp nhất đối với xe 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng là 15.000 đồng/lượt, cao nhất là 70.000 đồng/lượt; mức phí cao nhất đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 14 fit là 280.000 đồng/lượt, thấp nhất là 60.000 đồng/lượt.
Có mặt tại trạm thu phí Cao Bồ, điều mà chúng tôi ghi nhận được khi di chuyển trên suốt tuyến đường cao tốc hiện đại nhất miền Bắc được đầu tư với số kinh phí “khủng” này là sự vắng vẻ đến bất ngờ của các phương tiện tham gia giao thông.
Số phương tiện di chuyển tại đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay, hầu hết là các loại xe như: xe khách, xe gia đình, xe tải nhỏ. Điều này được các lái xe giải thích là do mức thu phí hiện nay là quá cao và được áp dụng khá đột ngột nên gây “sốc” cho tài xế.
Nhiều lái xe đã tìm cách “né” phí cao bằng cách chọn cho mình lộ trình qua Quốc lộ 1 cũ, đang được tiến hành sửa chữa với mức phí 20.000 đồng “bèo” hơn rất nhiều so với 70.000 đồng tại tuyến cao tốc mới này.
|
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vắng bóng các phương tiện giao thông |
Tài xế Tuấn Anh điều khiển xe khách BKS: 29A – 243.18, khi dừng lại đóng phí vẫn hồn nhiên đưa tờ 20.000 đồng ra nộp cho nhân viên. Khi được biết mức thu phí mới đã được áp dụng thì Tuấn Anh mới ngã ngửa và không hài lòng do mức thu quá cao.
Lái xe tên Trung, điều khiển xe ôtô BKS: 52T – 6605 đi Tp.HCM, khi nộp tiền thu phí tại đây đã tỏ ra khá bức xúc: “Phí cao thế này thì đi vào Sài Gòn mất mấy chục triệu?”.
Đa số các trường hợp khi phải đóng phí đều tỏ ra bất ngờ trước thông tin thu phí trên và không ngớt lời than phiền về mức phí áp quá cao!
Một điểm đáng chú ý nữa là hầu hết các lái xe khi di chuyển qua trạm thu phí Cao Bồ, họ hầu như bị mù tịt thông tin về khoản phí mình phải đóng. Rất nhiều trường hợp tỏ ra ngỡ ngàng trước mức thu mới, họ băn khoăn không hiểu mức thu mới được áp đặt từ bao giờ và tại sao lại thu cao như vậy? Đã có trường hợp lái xe không ngại ngần dừng xe phân bua phải trái với nhân viên thu phí, điều này một phần đã tạo ra lộn xộn và gây ùn tắc cục bộ ngay tại trạm thu phí.
|
Nhiều lái xe bất ngờ trước mức phí mới được áp dụng |
Bên cạnh đó, còn có một vài nguyên nhân cũng được xác định dẫn tới cảnh hỗn độn ngay trước Trạm thu phí. Cụ thể đó là ý thức chấp hành Luật giao thông của chủ các phương tiện tham gia giao thông chưa cao. Theo quan sát của phóng viên, ngay trước các trạm thu phí đều có bảng hướng dẫn ghi rõ các loại phương tiện phải di chuyển theo đúng làn đường quy định, nhưng thực tế lại khác, “mạnh ai nấy đi” nên hiện tượng các phương tiện chen lấn giành đường thường xuyên xảy ra. Nhân viên làm nhiệm vụ phải căng mình hướng dẫn cho các loại phương tiện di chuyển vào đúng làn đường quy định.
Nguyên nhân thứ hai là xuất phát từ việc thu phí tại các trạm còn được thực hiện khá “thủ công” giữa lái xe và nhân viên thu phí, nó hoàn toàn chưa tương xứng với mức độ hiện đại của con đường. Việc xử lý thủ công gây mất thời gian, chính vì vậy chỉ cần 3 đến 4 xe dừng lại chờ đợi cũng đã đủ để gây ra ùn tắc.
Các xe đi không đúng làn đường quy định khi vào thu phí và cách thức thu phí có phần thủ công là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phụ trách trạm thu phí Cao Bồ cho biết: “Do việc thu phí được áp dụng mới nên các lái xe chưa biết được mệnh giá này. Chúng tôi phải khá mất thời gian giải thích và đó cũng là 1 nguyên nhân gây ra ùn tắc. Về vấn đề thu phí không dừng hay áp dụng thu phí qua thẻ chúng tôi cũng đã tính đến nhưng hiện nay các phương tiện giao thông thường xuyên không phải chính chủ và cũng không phải lái xe nào cũng có tài khoản ở ngân hàng nên việc cấp phát thẻ điện tử hiện nay là chưa khả thi”.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trong quá trình thực tế, chúng tôi tiếp tục đem những thắc mắc trên đến gặp ông Lương Quốc Việt – Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam để được giải đáp.
|
Ông Lương Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam |
Trước ý kiến về mức thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là quá cao, ông Lương Quốc Việt cho rằng: “Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thực hiện phương thức thu phí mới giống như cao tốc Trung Lương (Tp.HCM), tức là thu phí kín theo thực ki-lô-mét đường đi. Chúng tôi phân ra nhiều mức thu cho 5 loại phương tiện khác nhau được ghi rõ tại các trạm thu phí”.
“Khi có ý kiến thu phí cao tôi cho rằng đó là cách nhìn khác nhau của từng người. Ví dụ như khi sử dụng đường cao tốc Ninh Bình – Cầu Giẽ, các lái xe sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như xăng xe cùng với đó là độ hao mòn của xe chính vì vậy chúng tôi tin rằng với mức phí này về lâu dài người tham gia giao thông sẽ quay lại tuyến đường này” - Ông Lương Quốc Việt khẳng định.
Giải thích về cách thực hiện các biện pháp giảm thiểu ùn, tắc tại các trạm thu phí, ông Việt tiếp tục cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành phân luồng ở tất cả các cửa vào và cửa ra ở các trạm thu. Ở các cửa vào chúng tôi chỉ phát thẻ vào đường cao tốc. Khi phương tiện ra khỏi cao tốc ở nút giao nào là chúng tôi tiến hành thu phí ở nút giao đó.
Phương thức này tương đối mới nên các chủ phương tiện có thể chưa hiểu được. Đây là vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm khi đứng trên tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi sẽ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để các lái xe thực hiện việc thu phí 1 cách nghiêm túc và dễ dàng hơn, qua đó sẽ làm giảm hiện tượng ùn tắc”.
|
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các lái xe có được các thông tin đầy đủ là việc cần thiết vào lúc này |
Ông Lương Quốc Việt cũng cho biết thêm, tại các trạm thu phí cũng như phương thức thu phát vé, thẻ cũng đang được công ty nghiên cứu kỹ lưỡng làm sao để giảm thiểu tối đa đến mức 6s/phương tiện/1 lần thu phí.
Một tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất miền Bắc được đầu tư xây dựng với số kinh phí lên đến gần 9.000 tỷ đồng đang đứng trước thực trạng buồn là không có các phương tiện lưu thông qua.
Trong khi bài toán giao thông của nước nhà còn quá nhiều điều phải bàn tới thì việc không khai thác hết công suất hoạt động của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ là một sự lãng phí lớn đáng phải suy nghĩ. Thực trạng này chỉ có thể được thay đổi khi có những sự nhìn nhận tích cực từ phía người tham gia giao thông và nỗ lực của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam. Và thực tế việc thu phí tại đường cao tốc Trung lương - thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là bài học lớn cho việc thu phí hiện nay.
Theo VOV Giao thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.